Tìm cách “phá băng” thị trường bất động sản

Bất động sản - Ngày đăng : 14:43, 31/10/2012

Chỉ ra nguyên nhân “đóng băng” của thị trường bất động sản hiện nay, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trình Đình Dũng cho hay, hiện Chính phủ, Bộ Xây dựng đang tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển đô thị và kinh doanh BĐS.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng phát biểu trước Quốc hội trong phiên họp sáng 31/10.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Phát biểu trước Quốc hội sáng 31/10, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, thị trường bất động sản (BĐS) đang đóng băng, rất ít giao dịch, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS khó khăn trong bán hàng, trong khi đó phần lớn người dân nghèo thiếu nhà ở vẫn không có đủ điều kiện mua nhà.

Nguyên nhân “đóng băng” thị trường bất động sản

Theo thống kê đến ngày 31/8/2012, dư nợ tín dụng BĐS khoảng 203 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ xấu lên đến 66%, nếu tính dư nợ liên quan đến BĐS như cho vay kinh doanh BĐS, vay đầu tư, kinh doanh, thế chấp bằng BĐS thì dư nợ tín dụng này khoảng 57% tổng dư nợ, chiếm hơn 1 triệu tỷ đồng.

Vì vậy, nếu sản xuất kinh doanh khó khăn, nợ xấu của doanh nghiệp tăng cao cùng với khó khăn của thị trường BĐS sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế xã hội khác như như xi măng, sắt thép, ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống ngân hàng, đến đời sống nhân dân.

Nguyên nhân của tình trạng trên theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng là thời gian qua, thị trường BĐS phát triển theo kiểu tự phát, “phong trào”, thiếu quy hoạch, kế hoạch dẫn đến cung lớn hơn nhiều so với cầu. Hiện cả nước có 2.399 dự án, theo thống kê của 44 tỉnh, thành với gần 71.000 ha đất cho BĐS. Riêng Hà Nội hiện có 368 dự án với khoảng 20.000 ha cho BĐS nhưng chỉ có 233 dự án đang triển khai, chiếm khoảng 40% tương đương 8.000 ha. Hàng tồn kho cả nước hiện nay có khoảng 16.469 căn hộ chung cư, 4.116 nhà thấp tầng, 25.870m2 nhà văn phòng cho thuê.

Bên cạnh đó, sản phẩm BĐS chủ yếu là hàng cao cấp và mức độ cao, còn sản phẩm cho người thu nhập thấp rất ít. Cơ cấu sản phẩm BĐS rất mất hợp lý. Đó là nhà diện tích vừa, nhỏ, giá rẻ, phù hợp với đại đa số người dân rất hiếm. Vốn cho dự án BĐS chủ yếu là vốn vay ngân hàng và của dân mua nhà, cho nên khi không bán được, thị trường BĐS đóng băng thì nợ xấu BĐS tăng cao.

Giải pháp “phá băng” tổng thể

Về giải pháp “phá băng” thị trường BĐS, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho hay, hiện nay Chính phủ, Bộ Xây dựng đang tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển đô thị và kinh doanh BĐS để tăng cường kiểm soát chặt chẽ, tập trung rà soát các dự án BĐS, yêu cầu dừng những dự án thiếu khả thi, chưa giải phóng mặt bằng; yêu cầu chủ đầu tư phải cơ cấu lại dự án, sản phẩm BĐS như tăng các loại nhà ở cho người thu nhập thấp thuộc các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội; cùng với Ngân hàng Nhà nước mở rộng tín dụng cho vay đối với nhà đầu tư, đặc biệt người mua nhà ở xã hội.

Một giải pháp khác được Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng kiến nghị ở tầm vĩ mô là đề nghị Quốc hội cho phép được miễn giảm thuế VAT cho các hộ gia đình, cá nhân mua nhà ở xã hội, người mua nhà thương mại để ở lần đầu; cho các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp khi xây dựng nhà ở xã hội ở mức cao nhất; cho phép các doanh nghiệp kinh doanh BĐS được nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ; TP Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tập trung giải quyết nhanh các thủ tục để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chuyển đổi cơ cấu.

Về tồn kho vật liệu xây dựng, Bộ trưởng cho biết lượng hàng tồn kho (như như gạch ốp lát, xi măng…) tăng do tổng đầu tư xã hội giảm. Vì vậy, các giải pháp khắc phục hàng tồn kho cũng cần tập trung vào kiểm soát các dự án mới đầu tư trong lĩnh vực vật liệu xây dựng; tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS như tăng nhà ở xã hội với việc sử dụng vật liệu xây dựng trong nước, không sử dụng vật liệu ngoại đắt tiền... Cần dùng hàng do Việt Nam sản xuất (như xi măng cho các công trình giao thông), sẽ giảm được nhập siêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Lê Sơn