Chống hàng lậu tạo chỗ đứng cho hàng Việt
Kinh tế - Ngày đăng : 07:33, 31/10/2012
Từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội liên tục phát hiện những vụ hàng nhái, hàng giả quy mô lớn từ nước ngoài tuồn vào. Chi cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 599 vụ, phạt hành chính hơn 3,3 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa trị giá hơn 2,6 tỷ đồng. Trong đó có 16.456 nhãn giả các nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton, Nike; 6.734 bộ quần áo và 1.705 chiếc vali, túi xách, ví; 5.574 đôi giày, dép giả các nhãn hiệu Gucci, Lascote, Nike, Louis Vuitton… Vào những thời điểm như cận Tết, các đợt nghỉ lễ, tháng khuyến mãi… nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh khiến việc buôn bán hàng giả diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Quần áo, một trong những mặt hàng hay bị các đối tượng sản xuất kinh doanh đặt hàng làm giả ở nước ngoài. Ảnh: Khánh Nguyên |
Hoạt động sản xuất hàng giả được tổ chức chặt chẽ, có bộ phận chuyên sản xuất bao bì, tem, nhãn giả, thậm chí cả tem phản quang chống giả… sau đó bán cho các đối tượng trực tiếp sản xuất để đóng gói thành phẩm; hoặc sản xuất dưới dạng gia công chưa hoàn chỉnh trong nước, nước ngoài, sau đó lắp ráp, đóng gói thành phẩm tại nơi khác. Hàng giả không chỉ vào nội địa dưới dạng thẩm lậu mà còn xuất hiện theo đường nhập khẩu chính ngạch do cơ chế thông quan nhanh, thủ tục ngăn chặn hàng hóa nghi giả khi thông quan phức tạp. Bên cạnh đó, DN muốn phối hợp ngăn chặn hàng giả phải nêu rõ tên, lô hàng, vận đơn, phải cam kết bồi thường, phải nộp tiền ký quỹ 20% giá trị lô hàng…
Mặc dù, các lực lượng chống buôn lậu và gian lận thương mại liên tục kiểm tra, phát hiện nhiều vụ vi phạm và thu giữ, tiêu hủy khối lượng lớn hàng hóa, nhưng do mức phạt chưa cao, nên tình trạng này không giảm, mà còn có xu hướng tăng. Đơn cử như quy định về mức xử phạt vi phạm nhãn hàng hóa tối đa chỉ có 20 triệu đồng với trị giá hàng hóa hơn 100 triệu đồng, nên khi QLTT kiểm tra, phát hiện vi phạm tại các cửa hàng, thì mức phạt không đáng kể. Chỉ kiểm tra các kho hàng lớn mới có mức phạt cao nhất là 20 triệu đồng. Do lợi nhuận thu được từ các loại hàng giả quá lớn, vì vậy có nhiều đối tượng sau khi thi hành án xong lại tiếp tục tái phạm. Thực tế cho thấy, các giải pháp đấu tranh chống buôn lậu thời gian qua mới chỉ xử lý được chủ yếu ở khâu lưu thông khi có tình hình phức tạp, hoặc tiến hành ngăn chặn ở những điểm "nóng". Trong khi đó, thủ đoạn hoạt động của các "đầu nậu" ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Vì vậy, các lực lượng chức năng cần siết chặt kiểm soát hàng hóa ngay từ biên giới, tăng cường dự báo, kiểm soát các tuyến đường vận chuyển hàng lậu. Bên cạnh đó, các cấp có thẩm quyền cần xem xét nâng mức xử phạt nghiêm hơn, có đủ sức răn đe để hỗ trợ lực lượng QLTT trong công tác đấu tranh với hàng giả, hàng nhái.
Để bảo vệ quyền lợi của DN và NTD, Chi cục QLTT Hà Nội sẽ xây dựng và triển khai phòng trưng bày triển lãm "hàng thật - hàng giả", trong đó trưng bày một số hiện vật và tranh ảnh về hàng cấm lưu thông, hàng chính hãng và hàng giả. Tuy nhiên, để góp phần có hiệu quả trong việc ngăn chặn hàng lậu, DN cần chủ động cải tiến công nghệ, đầu tư hàm lượng chất xám để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước với hàng nhập khẩu về chất lượng, giá thành, bảo đảm cung - cầu, xây dựng mạng lưới phân phối ở các tỉnh, thành phố…