Dự án giết mổ gia súc tập trung ở Phú Xuyên: Bao giờ thành hiện thực?
Đời sống - Ngày đăng : 07:08, 31/10/2012
Tuy nhiên, hoạt động giết mổ gia súc tự phát, phần nhiều thực hiện ngay tại gia đình với hình thức thủ công đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tháng 9-2009, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án giết mổ gia súc tập trung tại Quang Lãng, Tri Thủy, Phú Xuyên, nhưng đến nay dự án vẫn nằm trên… giấy.
Làng nghề bạc tỷ và hệ lụy ô nhiễm
Nghề mổ trâu bò tập trung tại 2 thôn Sảo Hạ, xã Quang Lãng và thôn Bái Đô, xã Tri Thủy. Theo Chủ tịch UBND xã Tri Thủy Nguyễn Văn Bem, hoạt động giết mổ diễn ra từ 10 giờ đêm đến 4-5 giờ sáng hôm sau. Trung bình mỗi ngày ở đây mổ trên 200 con trâu, bò, mỗi hộ mổ 15-20 con/ngày. Những ngày lễ, tết số lượng trâu, bò mổ tại đây tăng lên gấp đôi tới 400-500 con/ngày. Không chỉ phục vụ các tỉnh miền Bắc mà các tỉnh miền Trung cũng thuê làng nghề này mổ với lượng trâu bò lớn.
Nghề càng phát triển mạnh, đời sống các hộ dân ngày một tăng cao. Người ta gọi làng nghề giết mổ Quang Lãng, Tri Thủy là làng nghề bạc tỷ. Tuy nhiên, tình trạng giết mổ thủ công tại nhà đã dẫn đến hệ lụy ô nhiễm môi trường nguồn nước rất nghiêm trọng, tỷ lệ người dân mắc bệnh ung thư ngày một tăng. Người dân đều bức xúc trước cảnh ô nhiễm môi trường, song do nhu cầu mưu sinh nên họ không thể bỏ nghề, đành đánh cược sinh mệnh với đồng tiền. Ông Nguyễn Văn Ký, xã Tri Thủy cho biết, trước kia người dân thôn Bái Đô sử dụng nước giếng khoan nhưng giờ nước giếng đã có mùi hôi thối, đục, không thể dùng được. Chất thải, nước thải từ việc mổ trâu bò đã ngấm sâu vào lòng đất gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Dự án vẫn bế tắc
Trước bức xúc trên, tháng 9-2009, UBND TP đã phê duyệt đề cương chủ trương đầu tư dự án, giao Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico) làm chủ đầu tư trên diện tích hơn 3,6ha; công suất mổ 300 con trâu, bò/ngày-đêm, kinh phí 158 tỷ đồng. Tuy nhiên sau 4 năm khởi động, đến nay dự án vẫn bế tắc.
Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Chu Phú Mỹ cho biết, trước đây dự án được TP chỉ đạo tách làm hai phần gồm: Cơ sở giết mổ và chế biến gia súc tập trung do Hadico làm chủ đầu tư và dự án hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào và giải phóng mặt bằng do UBND huyện thực hiện. Dự án kỹ thuật ngoài hàng rào và GPMB, huyện đã hoàn thành xong các bước và đang chờ UBND TP phê duyệt đề cương và chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, do kinh phí GPMB lớn (trên 37 tỷ đồng), thành phố lại vừa có Quyết định 16, thay đổi cơ chế đầu tư nên gặp khó khăn về bố trí vốn cho GPMB, việc chuyển đất lúa sang làm dự án cần xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt đã làm việc về dự án này. Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Phó Chủ tịch UBND TP chỉ đạo Hadico cần rà soát, tính toán nguồn vốn xây dựng lại dự án theo hướng gọn lại diện tích, hạ tầng giao thông… Với huyện Phú Xuyên, hai xã cần tổ chức họp bàn với 48 hộ dân làm nghề giết mổ theo hướng các hộ góp đất, xã xây dựng khu tập trung chuyên mổ trâu bò.
Việc thay đổi cơ chế đã gây rất nhiều khó khăn cho chủ dự án.
Phó Tổng Giám đốc Hadico Hoàng Trọng Chương cho biết, 4 năm nay Hadico đã triển khai các thủ tục và triển khai dự án, đến nay do thay đổi cơ chế công ty gặp nhiều khó khăn. Trước đây, dự án được áp dụng theo Quyết định 77/2009/QĐ của UBND TP và hoàn thành các thủ tục vào năm 2012. Ngày 24-7-2012, Sở Kế hoạch và Đầu tư có văn bản về ý kiến thẩm định của các sở trình UBND TP danh sách các dự án giết mổ được chuyển tiếp ưu đãi theo QĐ 77 trước kia, trong đó có dự án giết mổ gia súc tập trung Quang Lãng, Tri Thủy. Ngày 13-8-2012, UBND TP đã có văn bản chấp thuận nội dung công văn đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Tháng 7-2012 UBND TP đã cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án.
Vậy là sau hơn 3 năm, dự án lại phải bắt đầu lại từ đầu. Việc họp bàn với dân góp đất vào dự án còn chờ đợi họp dân, phải đả thông tư tưởng, giải thích và động viên. Thủ tục xây dựng làng nghề còn nhiều phức tạp. Với chủ đầu tư Hadico thì nguồn vốn quá lớn chưa thể đáp ứng. Tổng giám đốc Hadico Phan Minh Nguyệt cho rằng, công ty phải đầu tư 78,6 tỷ đồng, trong đó vốn tự có 40 tỷ đồng, vốn vay và huy động khác 38,6 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng nhà cửa, dây chuyền, khu xử lý nước thải… việc vay vốn Quỹ Đầu tư phát triển thành phố phải có tài sản thế chấp nên rất khó khăn. Việc huy động người dân góp vốn vào dự án cũng không đơn giản do còn tồn tại tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của thành phố cứu thoát cho làng nghề…
Vậy là một dự án dân sinh bức xúc, thuộc nhóm 1 đầu tư cho an toàn vệ sinh thực phẩm đã 4 năm trôi qua vẫn bế tắc. Đến bao giờ khu giết mổ gia súc tập trung mới ra đời để người dân hết chịu cảnh ô nhiễm đến nghẹt thở.