Người dân bức xúc vì tiến độ “chậm như rùa”

Đời sống - Ngày đăng : 23:02, 30/10/2012

(HNMO)- Dự án gia cố bờ tả sông Nhuệ, huyện Thanh Trì (đoạn Thượng Phúc- Siêu Quần) được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 6373/QĐ-UBND ngày 7-12-2009.



Tuy nhiên, chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm 2012 nhưng dự án vẫn còn một khối lượng lớn công việc phải thi công. Tiến độ thi công “rùa bò” khiến hàng trăm hộ dân thôn Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày, ảnh hưởng không nhỏ đến giao thương, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Nhà thầu thi công cầm chừng

Dự án gia cố bờ tả sông Nhuệ được giao cho UBND huyện Thanh Trì làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư (khái toán) khoảng 76,1 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng: 49,663 tỷ đồng; chi phí bồi thường GPMB, tái định cư 13,773 tỷ đồng... Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thành phố; chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án.

Dự án thuộc công trình thủy lợi cấp IV. Mục tiêu đầu tư xây dựng nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn mặt cắt dòng sông theo quy hoạch được duyệt, giữ ổn định bờ, chống nước tràn kết hợp giao thông góp phần cải tạo điều kiện hạ tầng kỹ thuật, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của khu vực. Tổng chiều dài gia cố bê tông mặt bờ tả sông Nhuệ kết hợp làm đường giao thông dài 3.360m, trong đó gia cố kè tại 5 đoạn xung yếu đang xảy ra sạt lở là 1.524m; xây tường chống tràn 2 đoạn 1.090m.

Diện tích sử dụng đất 59.089m2, trong đó diện tích mặt đê và đường cũ 50.746m2; diện tích đất thu hồi các hộ dân 8.343m2. Ngày 29-9-2010, UBND huyện Thanh Trì đã có quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công- tổng dự toán xây dựng. Theo đó, chi phí xây lắp gần 55,948 tỷ đồng (gói thầu số 2: 9,584 tỷ đồng; gói thầu số 3: 9,664 tỷ đồng; gói thầu số 4: 12,886 tỷ đồng; gói thầu số 5: 11,404 tỷ đồng; gói thầu số 6: 12,439 tỷ đồng).

Đến thời điểm này, mới chỉ có nhà thầu thi công gói thầu số 2 bắt đầu thi công trở lại


Đầu tháng 7-2012, theo báo cáo tiến độ của Ban quản lý dự án huyện Thanh Trì, do nước sông Nhuệ lên cao, lại đang trong thời điểm mưa lũ nên các gói thầu thi công phải dừng lại và từ tháng 10 trở đi mới có thể bắt đầu thi công trở lại. Đánh giá tiến độ của Ban quản lý dự án huyện Thanh Trì tại thời điểm đó như sau: Gói thầu số 2 mới thi công được 250m chân kè, còn 84,3m nữa chưa thi công được. Bởi vậy, đến hết tháng 12 năm nay, với khối lượng công việc còn lại tương đối lớn nên nhà thầu chỉ đạt được 90% khối lượng. Còn đối với gói thầu số 3 có chiều dài 328,2m, tiến độ thi công của gói thầu này chậm so với kế hoạch (còn lại 100,2 m chưa thi công được chân kè). Do vậy, nếu từ tháng 10 bắt đầu thi công trở lại thì hết năm 2012, nhà thầu chỉ thi công đạt 85% khối lượng. Gói thầu số 4 có tổng chiều dài 456,1m, chia làm 2 đoạn. Trong đó, đoạn 2 nhà thầu đang tiến hành ép cừ để thi công phần chân kè nhưng do nước sông luôn ở mức cao nên không thi công được. Dự kiến, nhà thầu sẽ hoàn thành toàn bộ gói thầu trong năm 2012...

Tuy nhiên, chiều 29-10 vừa qua, có mặt dọc bờ sông Nhuệ thuộc thôn Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai, chúng tôi chứng kiến tại gói thầu số 2 (đoạn giáp cổng Vàng) chỉ có duy nhất 1 máy xúc đang hoạt động, cọc xà cừ sắt đã được ép để chuẩn bị đổ chân kè, còn lại tất cả các gói thầu khác đều “án binh bất động”, không hề thấy máy móc hay bóng dáng bất kỳ một công nhân nào. Với tình trạng các nhà thầu thi công cầm chừng như hiện nay, chắc chắn dự án sẽ còn dây dưa trong một thời gian dài.

Đời sống người dân bị đảo lộn

Theo ông Trần Việt Trung, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Thanh Trì, sở dĩ các nhà thầu thi công cầm chừng là do thiếu vốn. Ông Trung cho biết, cả 2 năm 2011 và 2012, tổng số vốn được bố trí là 20 tỷ đồng (mỗi năm 10 tỷ đồng). Ngay như gói thầu số 5 có tổng dự toán hơn 11,4 tỷ đồng, nhà thầu đã thi công đạt gần 90% khối lượng nhưng mới chỉ thanh toán được khoảng 6 tỷ đồng.

Việc đi lại của người dân thôn Thượng Phúc gặp nhiều khó khăn vì dự án thi công kéo dài 


Dự án thi công cầm chừng khiến đời sống của hàng trăm hộ dân thôn Thượng Phúc bị ảnh hưởng. Trên thực tế, thu nhập chính của nhiều gia đình ở đây là từ nghề chăn nuôi. Hằng ngày, rất nhiều người đi xe đạp hoặc xe máy hàng chục cây số vào nội thành để chở nước phở, nước cơm thừa về nuôi lợn. Trong khi đó, trục đường đang thi công là trục đường chính (dàigần 2km), nhiều đoạn đã sạt lở đến 2/3 mặt đường, nếu 2 xe máy đi ngược chiều thì một chiếc phải dừng lại để nhường đường cho chiếc kia đi qua. Giao thông ách tắc, đi lại khó khăn khiến đời sống của nhiều gia đình nơi đây bị đảo lộn, đã vất vả nay lại càng thêm vất vả. Bên cạnh đó, trên quãng đường mà dự án đang thi công có điểm trường mầm non nên việc đưa đón các cháu đi học gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao. Nhiều người dân bức xúc cho biết, rất nhiều hộ dân ở đây đang có kế hoạch xây dựng nhà ở đành phải chờ cho xong dự án vì việc vận chuyển vật liệu gặp khó khăn, giá cả đội lên rất nhiều...

Nếu thi công như này thì dự án gia cố bờ tả sông Nhuệ, huyện Thanh Trì sẽ còn kéo trong bao lâu nữa?


Tại quyết định phê duyệt dự án gia cố bờ tả sông Nhuệ (đoạn Thượng Phúc- Siêu Quần) của UBND thành phố có nêu rõ trách nhiệm của chủ đầu tư- UBND huyện Thanh Trì: “Trước khi lập thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình, chủ đầu tư có trách nhiệm làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để báo cáo UBND thành phố bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện dự án theo tiến độ phê duyệt tại quyết định này, đảm bảo tuân thủ quy định hiện hành về quản lý đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước”.

Trên thực tế, cũng có nguồn dư luận cho rằng, cần xem xét lại năng lực của một số nhà thầu tại dự án gia cố bờ tả sông Nhuệ vì việc thi công cầm chừng chưa hoàn toàn là do thiếu vốn. Mục tiêu của dự án là góp phần cải tạo điều kiện hạ tầng kỹ thuật, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của khu vực. Bởi vậy, việc cần thiết là sớm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ của dự án càng nhanh càng tốt.

Hưng Thịnh