“Xẩm tàu điện” trở lại
Xã hội - Ngày đăng : 10:46, 30/10/2012
Sự kiện được tổ chức với mong muốn giới thiệu đến khán giả trong và ngoài nước loại hình nghệ thuật đường phố độc đáo tồn tại suốt thế kỷ XX ở đất Hà thành và đã đi vào dĩ vãng cùng với tàu điện. Những thế hệ thính giả của thế kỷ trước còn vương vấn nhiều với loại hình lĩnh xướng giản dị và thân quen này, thế nên, sân và bên ngoài cổng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chật kín khán giả trong đêm khai mạc. Có cả người già, trung niên, cả khách nước ngoài và nhiều bạn trẻ. Nhiều người nghĩ chương trình "Xẩm tàu điện" sẽ được tổ chức trong hai ngày cuối tuần như dự định của ban tổ chức, thế nhưng, không hiểu lý do gì chương trình chỉ diễn một đêm và cắt đi nhiều nội dung.
Sân khấu chính được dựng bằng mấy tấm tranh 3D mô phỏng tàu điện chạy ngang phố cổ với những sinh hoạt thường nhật của người dân; xung quanh bày vài bức tranh 3D về phố cổ Hà Nội thế kỷ trước. Ban tổ chức cũng dựng một vài tấm pano nhưng lại để sát gần sân khấu, chữ nhỏ nên khó ai có thể chen chân vào xem được. Phần thưởng thức ẩm thực đường phố Hà Nội qua trao đổi, mua bán bằng tem phiếu thời bao cấp không có như dự kiến, song Ban tổ chức không có một lời giải thích.
Có lẽ, kéo lại cho chương trình là phần hát xẩm do các NSƯT Hoàng Anh Tú, NSƯT Thanh Ngoan, NSƯT Thế Dân và nghệ sĩ nhí Thanh Thanh Tấm trình bày. "Sân khấu tái hiện có những hạn chế, nhưng hy vọng chắc chắn khán giả sẽ nhận ra đúng là xẩm tàu điện", NSƯT Thanh Ngoan chia sẻ trước buổi diễn. Trên sân khấu, trong tiếng tàu điện, tiếng ồn ào được tạo ra từ nhạc cụ điện tử, câu chuyện một gia đình hát xẩm mưu sinh trên những chuyến tàu được dàn dựng khá kỹ. Các làn điệu "Anh khóa", "Chân quê", "Lỡ bước sang ngang", "Vui nhất Hà thành", "Mục hạ vô nhân", "Trăng sáng vườn chè"... lần lượt vang lên. Một vài đoạn hát thú vị, mang đậm chất quảng cáo cho "tăm tre", "thuốc cam Hàng Bạc", "thuốc ho bà lang Trọc", "dầu cù là"... được các nghệ sĩ thể hiện dí dỏm đã góp vui cho chương trình.
Dẫu không thể đòi hỏi sự vẹn nguyên nhưng chương trình một lần nữa cho thấy nhiệt huyết của những người đã, đang và sẽ nỗ lực sưu tầm, phục dựng và đem nghệ thuật hát xẩm đến gần công chúng.