Ngôi đền đỏ giữa Đồng Tháp Mười (tiếp theo)
Giới trẻ - Ngày đăng : 09:40, 30/10/2012
Người đông lên, đất thì không nở nên khoảng năm 1991, Tư Tờ vào Đá Biên, vùng đất các chiến sĩ Trung đoàn 207 từng chiến đấu ác liệt 10-1973 - khai khẩn đất hoang. Một lần ông cuốc đất nhưng lưỡi cuốc không ăn sâu, tưởng rễ tràm, ông thò tay xuống móc và biết ngay là xương người. Lần này thì ông không hoảng sợ mà gói lại rồi mang chôn cẩn thận. Thời điểm đó cuộc sống dân Thạnh Phước rất khó khăn và với người nông dân thì chẳng mong gì hơn là trúng vụ nên ông thắp nhang cầu khấn trước vong linh các anh phù hộ cho trúng vụ lúa để có tiền xây miếu thờ phụng tử tế. Và năm đó thật bất ngờ, dân trong ấp thất bát, riêng ông thu hoạch hơn 500 giạ. Nhưng đứa con gái đang khỏe mạnh bỗng lăn ra ốm, mang con chữa chạy khắp nơi mà bệnh không lui. Ân hận vì đã thất hứa, một mình ông lầm lũi chặt tràm, đóng cừ, vật được chừng hơn hai chục thước vuông đất để dựng miếu.
Lãnh đạo VietinBank trao tài trợ cho khu tưởng niệm.Ảnh: Vũ Huyến
Ngôi miếu đơn sơ được xây bằng mấy chục viên gạch, có chiều cao 7 hàng gạch để đặt bát nhang, phía sau ông xây cao hơn, trát xi măng qua loa rồi tự tay viết dòng chữ: HY SINH VÌ TỔ QUỐC. Trên vách ông treo lá cờ đỏ sao vàng và cũng thật kỳ diệu khi lập miếu xong thì con ông khỏi bệnh. Bà con trong vùng thấy Tư Tờ lập miếu đến cúng lễ và từ đó cứ vào ngày 8-9 âm lịch (ngày các anh hy sinh), dân quanh vùng chèo ghe đến làm giỗ các anh, nhà nào có gì mang nấy, đơn giản nhưng ấm áp nghĩa tình. Vì miếu thờ các anh bộ đội miền Bắc nên dân trong vùng gọi tắt là miếu Bắc Bỏ và cũng từ đó dân cũng gọi con rạch chạy qua miếu là rạch Bắc Bỏ. Có người giải thích rạch rất nhiều cá nên khi bắt được cá to người ta lại bỏ cá nhỏ nên rạch có tên là Bắt Bỏ và vì miếu bên cạnh rạch Bắt Bỏ nên cũng có tên là miếu Bắt Bỏ, do nói nhịu nên phát âm thành Bắc Bỏ. Tôi không tin bởi ở Đồng Tháp Mười rạch nào mà chẳng nhiều cá và cứ theo cách giải thích ấy sẽ có hàng trăm, hàng nghìn rạch Bắt Bỏ. Tư Tờ bảo, từ khi lập miếu đến mãi gần đây mới thấy có đồng đội và thân nhân các anh đến hương khói, nghĩ mà tội. Và khi các cựu chiến binh Trung đoàn 207 đến Đá Biên và vào miếu Bắc Bỏ thắp hương cho đồng đội ai cũng rớt nước mắt vì nó quá đơn sơ và thế là anh em đi đặt tấm bia mới thay vào vị trí dòng chữ trên mặt xi măng. Tư Tờ cũng nói rằng đừng cho ông là người mê tín dị đoan nhưng nếu ai có thời gian đi khắp vùng Đồng Tháp Mười sẽ thấy không đâu hoa súng đỏ thắm như vùng này và cũng không đâu hoa điên điển vàng rực như vùng này. Có lẽ máu các anh đã làm cho hoa vùng này thắm đẹp hơn.
Tôi trở lại câu chuyện còn dở với ông Ba Thi, ông bảo khi trung đoàn giải tán, lớp sỹ quan thì chuyển đơn vị, lính trơn thì phục viên xuất ngũ, có người thì đi học hay chuyển ngành. Sau chiến tranh ai cũng cảm thấy mình đã tròn bổn phận với dân với nước nhưng có lỗi với mẹ già, vợ dại, con thơ, có lỗi với người yêu bao nhiêu năm nín nhịn, khóc thầm nên về nhà họ quyết bù đắp lại. Phần lớn ra đi từ nông thôn mà nông thôn ngày ấy còn quá lam lũ, vất vả, lo miếng ăn hàng ngày lo con cái học hành, chuyện miếng cơm manh áo cũng không cho phép các anh chưa có thời gian nghĩ đến đồng đội nằm lại. Thời gian trôi đi và một ngày không ít trong số họ tự vấn, đồng đội của họ đã hy sinh phần mộ thế nào? Người thân có biết hy sinh ở đâu không? Rồi anh em có điều kiện bỏ công bỏ sức đi tìm, Long An không xa, Đồng Tháp Mười ai cũng biết, ấy thế mà loanh quanh bao ngày mới tìm được nơi đồng đội nằm... Ông Ba Thi chốt lại câu trả lời bằng một cái lắc đầu nhưng ông bảo, có một người dân Long An không quên các anh, đó là bà Hai Đẩu... Khi chưa thành lập tỉnh Long An, chưa phân huyện thì vùng Thạnh Hóa vẫn thuộc về Mộc Hóa và bà Hai Đẩu khi đó làm Trưởng phòng TBXH. Từng hoạt động ở khu vực này nên bà biết nơi các anh hy sinh và chính bà cũng từng cùng du kích bí mật vào tìm kiếm các chiến sĩ bị thương sau trận đánh. Năm 1992 bà đã cùng 4 cán bộ đi xuồng về chiến trường cũ nhưng vì hài cốt liệt sĩ được bà con chôn chung nên bà đành phải đưa các anh về ngôi mộ tập thể tại nghĩa trang Mộc Hóa. "Có lẽ cho rằng hài cốt anh em hy sinh đã được chôn cất hết ở Mộc Hóa nên không ai nghĩ đến Đá Biên, vì thế mà gần đây chúng tôi mới đến Đá Biên", đó không phải là lời thanh minh mà tôi cho là lời chân thành từ đáy lòng ông.
Các anh vẫn nằm đó và dân Đá Biên vẫn thờ các anh ở miếu Bắc Bỏ đơn sơ, tạm bợ cho đến một ngày, nhà báo Dương Đức Quảng (nguyên là Vụ trưởng Vụ báo chí Văn phòng Chính phủ khi nghỉ hưu đã "đầu quân" cho VietinBank và giữ chức Trưởng ban Thông tin Truyền thông) đọc được bài viết "Ngôi miếu thờ: Những thành hoàng làng đội mũ cối" của nhà văn Vũ Ngọc Tiến viết về gần 200 chiến sĩ của Trung đoàn 207 hy sinh ngày 22-10-1973 ở ấp Đá Biên xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, trong đó đa phần là sinh viên, trên mạng. Xúc động và nghẹn ngào vì Dương Đức Quảng là phóng viên chiến trường Khu 5 thời chống Mỹ, nhiều phen sống chết trong gang tấc, gian khổ như bộ đội nên ông quyết định viết một lá thư gửi TS Phạm Huy Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank đề nghị VietinBank tài trợ xây dựng đền thờ hoặc nhà bia thật đàng hoàng, xứng đáng là một công trình tưởng niệm và ghi danh các liệt sĩ.
Bên cạnh kinh doanh, từ nhiều năm qua VietinBank luôn đi đầu trong các hoạt động cộng đồng, đặc biệt tài trợ cho những chương trình "Uống nước nhớ nguồn". VietinBank đã dành hàng trăm tỷ đồng để tôn tạo, nâng cấp và xây dựng trên 50 nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước như: Nghĩa trang Quốc gia Hàng Dương (Côn Đảo), Thành Cổ (tỉnh Quảng Trị), Tân Biên (tỉnh Tây Ninh), Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), Đức Cơ (tỉnh Gia Lai)… và phụng dưỡng 88 Bà mẹ Việt Nam anh hùng với số tiền 2 triệu đồng/tháng nên ông Phạm Huy Hùng đồng ý ngay. Ngày 19-5-2012, công trình được khởi công với sự đóng góp của các cựu binh Trung đoàn 207, thân nhân gia đình liệt sĩ, UBND huyện Thạnh Hóa và đặc biệt là sự hỗ trợ 5 tỷ đồng của VietinBank. Ông thủ từ miếu Bắc Bỏ Tư Tờ tự nguyện góp đất. Sau 5 tháng thi công, công trình đã hoàn thành và lễ khánh thành đã được tổ chức vào ngày 22-10-2012, đúng vào ngày giỗ lần thứ 39 theo lịch âm. Trong lễ khánh thành, TS Phạm Huy Hùng thay mặt 19.000 nhân viên trong toàn hệ thống VietinBank đọc lời tri ân với các anh hùng liệt sĩ và ông cho rằng, hỗ trợ cho công trình Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207 ở Đá Biên không chỉ là đạo lý mà còn là trách nhiệm của VietinBank. Và trong lời tri ân, tôi thấy nhiều lần ông rưng rưng, giọng nghẹn ngào vì xúc động.
Và trong lễ khánh thành khu tưởng niệm, tôi lại gặp chị Nguyễn Thị Vân. Sau bài "Hồn tử sỹ", chị gạt nước mắt nói với tôi: "Từ khi lớn lên và hiểu được nỗi đau mất người thân, chị em chúng tôi khôn nguôi nhớ anh, gần 40 năm qua bữa cơm nào cũng xới một bát dành cho anh. Chị em tôi thay nhau đi gõ không biết bao nhiêu cửa, chẳng ai biết anh tôi hy sinh ở đâu. May mà nhờ đồng đội anh nên gia đình tôi mới biết anh hy sinh ở Đá Biên... Nếu không có đồng đội anh thì chị em tôi chắc vẫn còn đi tìm trong vô vọng...". Còn anh Lê Đức Ngọc Huyên hiện đang sống ở Hà Nội, em trai của liệt sĩ Lê Ngọc Huyền thì thảng thốt nỗi buồn: "Mừng là có nơi thờ phụng các anh rất đàng hoàng nhưng gia đình tôi vẫn muốn tìm dù một mẩu xương nhỏ bé của anh, mà thật khó quá, anh đã tan vào đất, vào nước Đồng Tháp Mười rồi...".
Mùa nước nổi năm nay không lớn nhưng cũng đủ để tôi thấy những bông súng cánh đỏ như máu, những bông điên điển vàng rực mặt kênh. Tôi thầm phục những con người như ông Nguyễn Văn Thông, Ba Thi và các cựu binh Trung đoàn 207 đã bỏ công bỏ sức đi tìm đồng đội. Nếu không có các ông cùng nhà văn Vũ Ngọc Tiến, TS Phạm Huy Hùng và sự đóng góp của 19.000 đoàn viên công đoàn VietinBank, nhà báo Dương Đức Quảng... thì không thể có ngôi đền đỏ giữa mênh mông Đồng Tháp Mười hôm nay.