Tự làm khó mình

Góc nhìn - Ngày đăng : 09:33, 30/10/2012

(HNM) - Trong khủng hoảng kinh tế, mới càng thấy rõ cái yếu kém của từng doanh nghiệp, từng ngành kinh tế. Gần đây, khi bàn về việc vượt bão khủng hoảng, người ta cũng nhắc nhiều đến việc phải rà soát lại quy hoạch của từng ngành, phải tái cơ cấu các doanh nghiệp mới mong có cơ hội tồn tại.


Nhu cầu "rà soát quy hoạch", "tái cơ cấu" cao đến mức mà ở bất cứ hội nghị nào, bất cứ báo cáo hay kế hoạch chiến lược nào vấn đề này cũng thấy được nhấn mạnh. Ngoài thị trường thì "tồn kho", "khủng hoảng thừa", "trầm lắng", "thanh khoản thấp"… được nhắc đến như lời cửa miệng. Những tưởng trong tình huống ấy sẽ chẳng doanh nghiệp nào, ngành nào mạo hiểm đổ tiền vào những dự án chưa thấy tương lai. Thế nhưng, thực tế lại khác…

Theo tính toán, sản lượng xi măng trên cả nước năm 2012 sẽ dư thừa khoảng 10 triệu tấn, cũng đã có một số nhà máy xi măng phải đóng cửa. Và trong khi tương lai đầu ra chưa có gì khả quan thì thông tin từ Hiệp hội Xi măng vừa cho biết, năm tới sẽ có 6 nhà máy nữa hoạt động, tăng thêm 6,72 triệu tấn xi măng ra thị trường.

Ngành thép cũng không khá gì hơn. Vài tháng qua, giá thép liên tục hạ, song sức mua vẫn yếu và tồn kho lại đang tăng dần theo từng tháng. Nhưng lo ngại hơn là nhiều doanh nghiệp trong ngành đang co lại, sản xuất cầm chừng, thậm chí dừng hoạt động. Theo Hiệp hội Thép thì trong số 70 doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, đã có 5-6 doanh nghiệp gần như chết hẳn, không sản xuất gì mấy tháng nay. Còn lại cũng khoảng 15 doanh nghiệp gặp khó khăn giảm sản lượng, giảm lương chỉ trả 70%, cắt giảm lao động. Dự báo sẽ có khoảng 20% doanh nghiệp thép đóng cửa trong năm 2012. Vậy nhưng, mới đây nhất, một công ty thép liên doanh với 4 đối tác Nhật Bản vừa được thành lập, dự kiến mỗi năm sẽ bổ sung cho thị trường khoảng 48.000 tấn sản phẩm, bất chấp những cảnh báo thị trường năm tới sẽ chẳng có gì sáng sủa.

Vậy là bao khó khăn được nhắc đến ở hai ngành này từ nhiều năm trước còn chưa được tháo gỡ, giờ lại càng thêm khó. Song thật đáng tiếc, thực tế là những cảnh báo về sự đầu tư tràn lan, phá vỡ quy hoạch thép và xi măng không phải đến bây giờ mới được nhắc đến. Từ một thời "đói góp" thì đến nay việc đầu tư theo phong trào đang khiến chúng ta "no dồn", bội thực. Chính Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cách đây khá lâu cũng đã khẳng định, cần thiết và sẽ đề nghị Chính phủ rà soát lại quy hoạch của các ngành này. Tuy nhiên, đến nay danh sách các nhà máy không bớt đi mà còn tiếp tục dài thêm.

Hiện nay, cả ngành thép và xi măng đều không ngớt kêu ca khó khăn và đề nghị Chính phủ hỗ trợ giảm thuế, tạo điều kiện "linh động" để tránh áp lực hàng tồn kho, mở cửa thị trường. Nhưng dường như họ lại quên mất một nguyên nhân cơ bản, sâu xa chính là việc đầu tư ồ ạt, coi thường quy hoạch, phớt lờ những lời cảnh báo từ nhiều năm qua đang đẩy họ vào thảm cảnh như bây giờ.

Thế nên, "rà soát quy hoạch", "tái cơ cấu" có lẽ phải nhắc tới trong lúc này là phù hợp nhất với cả hai ngành thép và xi măng, điều mà nhiều ngành, nhiều tập đoàn, tổng công ty khác đã thực hiện. Trong nhiều trường hợp thì "thêm một - lắm điều hay", nhưng với thép, xi măng lúc này thì "thêm một - phiền toái thay", sẽ chỉ là tự làm khó mình…

Tuấn Kiệt