Nguy cơ mất tiền oan khi xác định quan hệ huyết thống trước sinh

Sức khỏe - Ngày đăng : 14:35, 29/10/2012

Vì muốn xác định quan hệ huyết thống trước khi sinh con, một số người phải chi tới 36 triệu đồng cho một xét nghiệm gene. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo những người này dễ mất tiền oan.


Chị N.H.T, ở Thanh Xuân, Hà Nội, gặp phải tình huống vô cùng khó xử. Chị đang có bầu 4 tuần, nhưng chồng chị cương quyết bắt chị phải đi xét nghiệm gene xem đứa con đúng là của chồng chị thì mới được giữ lại.

Nguyên nhân là gần đây hai vợ chồng chị T. sống ly thân, nhưng trong thời gian ly thân, hai người vì quá “bức xúc” nên đã “gặp” nhau một lần. Sau lần đó, hai người vẫn ở hai nơi khác nhau. 4 tuần sau, chị T. phát hiện mình đã có thai. Tuy nhiên, chồng chị không tin đó là con của mình, và cương quyết bắt vợ đi xét nghiệm gene. Nếu đó không phải là con của chồng chị thì chị phải bỏ đứa bé. Vì sống phụ thuộc vào gia đình chồng, nên chị T. đành chấp nhận cách đi xét nghiệm quan hệ huyết thống trước sinh.

Nhu cầu xét nghiệm quan hệ huyết thống trước sinh ngày càng tăng. (Ảnh minh họa)

Tìm hiểu trên mạng, chị T. đã tìm đến một công ty đăng quảng cáo có thể xác định quan hệ huyết thống trước sinh bằng phương pháp không xâm lấn. Phương pháp này chỉ lấy máu ngoại vi, tức là lấy máu của người mẹ đang mang thai và người cha nghi vấn để lọc lấy ADN của con có trong máu của mẹ rồi so sánh với ADN của người cha nghi vấn. Công ty cho biết, độ tin cậy của xét nghiệm này là 99,9%. Tuy nhiên, khách hàng phải trả chi phí lên tới 36 triệu đồng.

Theo GS. Lê Đình Lương, Tổng thư ký Hội di truyền học Việt Nam, cố vấn khoa học của Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền, số người muốn xác định quan hệ huyết thống trước sinh ngày càng tăng.

GS. Lương cho biết, phương pháp lấy máu của người mẹ để lọc lấy ADN của con rồi xác định quan hệ huyết thống chưa hoàn chỉnh, ngay cả các nước có nền khoa học phát triển cũng chỉ đang ở giai đoạn thử nghiệm. “Phương pháp này cho kết quả không chính xác vì nồng độ ADN của con trong máu mẹ rất thấp”, GS. Lương nói. Hơn nữa, chi phí cho phương pháp này lại rất cao, thời gian chờ đợi lâu vì phải gửi mẫu ra nước ngoài để thực hiện.

ThS. Lê Viết Việt ở Trung tâm giám định sinh học pháp lý, thuộc Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an, cho biết hiện nay Trung tâm này chưa thực hiện dịch vụ xét nghiệm quan hệ huyết thống trước sinh. Đối với phương pháp lấy máu của mẹ để xét nghiệm, TS. Việt cho rằng Trung tâm chưa nghiên cứu bản chất khoa học của vấn đề này như thế nào, nhưng cho rằng những xét nghiệm như vậy nên tuân theo quy trình đạt chuẩn của thế giới.

Ngoài phương pháp lấy máu ngoại vi, phương pháp chọc dò nước ối để xét nghiệm cũng đang được một số trung tâm áp dụng.

Theo GS. Lương, phương pháp chọc dò nước ối là phương pháp chọc kim tiêm vào bọc ối để hút 3 ml nước ối rồi lọc lấy ADN của con trong đó để xét nghiệm. Phương pháp này có thể thực hiện được khi thai nhi được 12 tuần tuổi trở lên. Chi phí chỉ bằng 1/5 so với phương pháp lấy máu ngoại vi, thời gian chờ ngắn (4 – 5h).

GS. Lương bác bỏ ý kiến cho rằng phương pháp chọc dò nước ối gây nguy cơ sảy thai cao. “Sảy thai hay không là do tay nghề của bác sĩ và nhóm máu của người mẹ. Những phụ nữ thuộc nhóm máu Rh- dễ bị Sảy thai, không nên chọc ối. Nhưng ở ta 1000 người chỉ có 0,7 người có nhóm máu hiếm này,” GS. Lương nói. Ông cũng cho biết việc xác định nhóm máu Rh- rất nhanh và chỉ mất 50.000 đồng.

Xét nghiệm trước sinh để phát hiện bệnh sớm

Bên cạnh nhu cầu xét nghiệm gene trước sinh để xác định quan hệ huyết thống, nhiều người muốn sử dụng dịch vụ xét nghiệm gene trước sinh để xác định nguy cơ bào thai có mắc các bệnh di truyền để kịp thời chữa trị.

Theo GS. Lương, nhiều bệnh viện hiện nay đang áp dụng phương pháp này để xác định nhiều bệnh liên quan đến di truyền nhằm kịp thời chữa trị, ngay cả khi em bé đã chào đời.

Hiện nay, Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền đang thực hiện xét nghiệm gene trước sinh để xác định các bệnh liên quan đến rối loạn số lượng nhiễm sắc thể như Down, Clinefelter, Turner, XXX, XYY. “Trong năm 2013, chúng tôi sẽ mở rộng thêm các loại xét nghiệm để xác định thêm hàng trăm bệnh khác, nhằm tiến tới mục tiêu xác định 1.200 loại bệnh” GS. Lương nói.

Trúc Quỳnh