Công bố Bảng xếp hạng 1.000 DN nộp thuế TN lớn nhất VN năm 2012

Kinh tế - Ngày đăng : 10:48, 29/10/2012

(HNMO) - Ngày 29/10, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp với Tạp chí Thuế, Tổng Cục Thuế và Báo VietNamNet chính thức công bố Bảng Xếp hạng 1.000 doanh nghiệp (DN) nộp thuế thu nhập DN lớn nhất Việt Nam năm 2012 (V1000).


Bảng Xếp hạng V1000 nhằm mục đích biểu dương, tôn vinh và khuyến khích các DN có mức nộp thuế thu nhập DN cao và có ý thức tuân thủ tốt chính sách, pháp luật về thuế (qua đó thể hiện hiệu quả kinh doanh và ý thức trách nhiệm xã hội cao của DN).

Thực tế, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô và DN gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay, những DN được xếp hạng trong V1000 hoàn toàn có quyền tự hào chính đáng về sự vượt khó vươn lên trong hoạt động kinh doanh và sự cống hiến đã được ghi nhận của DN đối với ngân sách quốc gia và xã hội.

Bảng Xếp hạng V1000 được xây dựng dựa trên kết quả điều tra, xử lý và kiểm chứng dữ liệu độc lập của Vietnam Report, thông tin cung cấp bởi cơ quan hữu quan và dữ liệu phản hồi từ các DN được điều tra.

Các DN có mặt trong Bảng xếp hạng V1000 lần này là những DN có mức nộp thuế thu nhập cao trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2011.

Thứ tự xếp hạng của DN trong Bảng Xếp hạng V1000 căn cứ vào mức thuế thu nhập DN đã nộp trong năm 2011. Bên cạnh đó, Bảng Xếp hạng V1000 đã loại trừ các DN bị xử lý qua thanh tra, kiểm tra thuế thời kỳ 2011 (tính đến thời điểm 15/10/2012).


Đồng thời, trong khuôn khổ chuẩn bị cho việc công bố Top 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam (V1000), Vietnam Report cũng đã tiến hành một số hoạt động nghiên cứu khảo sát về nhận định của cộng đồng các DN nộp thuế lớn nhất Việt Nam (V1000) về triển vọng kinh tế vĩ mô. Nhóm nghiên cứu nhận được trên 300 phiếu trả lời từ cộng đồng DN.

Theo đó, qua kết quả khảo sát và phân tích các DN thuộc Bảng xếp hạng V1000 năm 2012, một số kết quả ban đầu có thể được ghi nhận như sau:

1- Doanh nghiệp bi quan về thời điểm phục hồi của nền kinh tế Việt Nam: Phần lớn các DN tỏ ra khá bi quan về thời điểm phục hồi của nền kinh tế và cho rằng trong năm 2013, nền kinh tế chưa thể phục hồi (46%). Dù vậy, cũng có tới 44% số DN cho rằng, trong trường hợp tốt đẹp, phục hồi kinh tế có thể bắt đầu từ nửa cuối năm 2013.

2. Khả năng tiếp cận vốn của DN lớn sụt giảm:Theo khảo sát của Vietnam Report, 44% các DN lớn đã khẳng định họ không tiếp cận được dòng vốn như trong năm 2011. Trong khi đó, vẫn có 39% số DN vay được nhiều vốn hơn trước, nhưng vốn vay chỉ chiếm tối đa 50% trong tổng vốn kinh doanh của DN.

3. DNNN vẫn là trụ cột về nộp thuế TNDN:Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp của BXH V1000 năm 2012 là khoảng 54 nghìn tỷ đồng. Cho dù gặp rất nhiều bê bối về sản xuất, kinh doanh trong năm 2011, tính về tổng số thuế của các khối DN đã nộp, khu vực DN nhà nước vẫn khẳng định vị thế “ông anh cả” và đi đầu trong việc đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp vào ngân sách quốc gia, chiếm tới 58,44% số thuế các DN thuộc Bảng V1000 đã nộp, tăng 1 điểm phần trăm so với Bảng xếp hạng năm trước. Điều đó chứng tỏ các DNNN có lợi nhuận cao, tuy nhiên hoàn toàn chưa đủ căn cứ để chứng tỏ các DNNN có hiệu quả cao, do lợi nhuận cao của DNNN có thể xuất phát từ những vị thế độc quyền về khai thác tài nguyên và khai thác thị trường.

4. DN tư nhân là động lực ngày càng quan trọng: Khối DN tư nhân đóng góp thuế thu nhập tới 22% tổng số, tăng 4 điểm phần trăm so với BXH V1000 năm trước. Trong số 410 DN mới gia nhập BXH V1000 năm 2012, các DN tư nhân chiếm 51,22%. Các DN tư nhân cũng đóng góp phần lớn trong số thuế thu nhập mà các DN mới đóng góp, khoảng 44%. Có thể thấy, nhóm DN tư nhân đang ngày càng ý thức rõ hơn về trách nhiệm nộp thuế của mình (năm 2011, tỷ lệ DN tư nhân mới gia nhập bảng xếp hạng là 31,3%).

5. Các DN tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiếp tục là cỗ máy tạo lợi nhuận cho nền kinh tế quốc dân: Hai thành phố này chiếm tới 60% số DN trong bảng V1000. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là dấu ấn đậm nét nhất, bởi căn cứ theo tỷ lệ về số thuế của các DN trên địa bàn Hà Nội, hơn 27.044 tỷ đồng đã được đóng vào ngân sách, chiếm khoảng 50% tổng số thuế của BXH V1000, trong đó chủ yếu đến từ khối DN Nhà nước với hơn 77,24%. Trong khi con số tương ứng tính trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh là 13.494 tỷ, tương đương khoảng 25% tổng số. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy sự phát triển kinh tế Việt Nam là quá tập trung, và chưa tạo được sự đa dạng hóa cần thiết tới các vùng miền cả nước.

6. Công nghiệp là ngành chiếm tỷ trọng đóng góp lớn nhất vào ngân sách: Công nghiệp chiếm 61,62% trong tổng số thuế của 1.000 DN nằm trong Bảng xếp hạng, nhờ sự đóng góp tích cực từ các ngành: Viễn thông (32,34%); Xây dựng, bất động sản, vật liệu xây dựng (18,77%); Khoáng sản, xăng dầu (16,18%); và thực phẩm, đồ uống (14,65%) (tỷ lệ về số thuế tính riêng trong lĩnh vực công nghiệp). Tiếp theo đó là lĩnh vực dịch vụ (24,45%) với hơn 85% trong số đó có được nhờ ý thức nộp thuế của các DN thuộc ngành ngân hàng. Các doanh nghiệp nông lâm thủy sản đóng góp khoảng 13,94% trong tổng số thuế của 1000 DN thuộc bảng vào ngân sách Chính phủ.

7. Nền kinh tế và ngân sách nhà nước vẫn phụ thuộc rất lớn vào một số rất ít DN quy mô lớn, mà chủ yếu là các DN nhà nước: Theo thứ tự xếp hạng của Bảng xếp hạng năm nay, số thuế mà Top 100 DN lớn nhất đã nộp chiếm tới hơn 66,34% so với tổng số thuế của 1.000 DN trong bảng. Điều này một mặt cho thấy nỗ lực của các DN lớn nhất, mặt khác cũng cho thấy môi trường kinh doanh còn chưa thật thuận lợi cho các DN nhỏ và vừa cạnh tranh với các "ông lớn" trong ngành.

8. Phân tích về cộng đồng giám đốc và chủ doanh nghiệp V1000 cho thấy một số đặc điểm đáng chú ý như: Độ tuổi trung bình của giám đốc và chủ doanh nghiệp V1000 là khá cao, tới 50,9 tuổi. Trong đó, số giám đốc/chủ doanh nghiệp là nam giới chiếm đại đa số, tới chiếm 91,7% tổng số. Về trình độ, đại đa số giám đốc/ chủ doanh nghiệp có trình độ từ đại học trở lên (chiếm 95,7%), trong đó có tới 26,7% có trình độ thạc sỹ hoặc tiến sỹ.

Top 10 DN nộp thuế thu nhập DN lớn nhất năm 2012:
1 - Tập đoàn Viễn thông Quân đội
2 - Công ty Thông tin Di động VMS
3 - Ngân hàng TMCP Công thương VN
4 - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản VN
5 - Tập đoàn Dầu khí VN
6 - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN
7 - Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn
8 - Ngân hàng TMCP Á Châu
9 - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN
10 - Công ty TNHH nhà máy Bia VN

L.H