Chuyên Mỹ - làng nghề nghìn tuổi
Xã hội - Ngày đăng : 07:33, 29/10/2012
Nghệ nhân Chuyên Mỹ thể hiện tác phẩm sơn khảm trai, ốc độc đáo. |
Chuyên Mỹ có 7 làng thì cả 7 làng được công nhận làng nghề khảm trai, sơn mài, chế biến nguyên liệu khảm. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đức Lư cho biết, xã có 2.347 hộ, thì gần 80% số hộ làm nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN), kinh doanh, dịch vụ với thu nhập cao (bình quân 34 triệu đồng/năm/lao động). Nghề TTCN phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Tỷ trọng giá trị công nghiệp - TTCN, xây dựng chiếm 79,6%, giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản chỉ chiếm 10%. Toàn xã có một HTX thủ công sơn khảm Ngọ Hạ, 8 DN, 1.128 cơ sở kinh tế cá thể, hai hiệp hội khảm trai, 7 người được công nhận là nghệ nhân. Mỗi năm làng nghề Chuyên Mỹ xuất ra thị trường hàng triệu sản phẩm lớn nhỏ đa dạng từ sập gụ, tủ, bàn ghế khảm trai, ốc hoành phi câu đối, tranh sơn mài…
Tại lễ hội năm nay rất ấn tượng với 110 gian hàng triển lãm các sản phẩm làng nghề khảm trai và sơn mài; trao quyết định khen thưởng, tặng tiêu bản trống đồng Hoàng Hạ cho các xã và trao cờ lưu niệm cho các đoàn; hội thi tay nghề nặn tò he và khảm trai; thi đan cỏ tế; chương trình biểu diễn các tiết mục ca nhạc dân gian… Ông Vũ Xuân Đài, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Cùng với các hoạt động trên, lễ hội là dịp để khách du lịch có cơ hội tham quan làng nghề, chiêm ngưỡng những sản phẩm khảm trai và sơn mài độc đáo, chứng kiến tận mắt các công đoạn làm ra sản phẩm. Lễ hội đã thực sự mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị… nhờ đó mà tiếng thơm của làng nghề ngày một vang xa. Lễ hội một lần nữa khẳng định vai trò, vị trí của nghề thủ công truyền thống đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương, đặc biệt là xây dựng NTM hiện nay. Qua hoạt động hiệu quả của lễ hội làng nghề với trung tâm là phố nghề, xã kỳ vọng thời gian tới sẽ nâng lên thành một trung tâm, xúc tiến thương mại, buôn bán các sản phẩm làng nghề.
Anh Nguyễn Trọng Nghĩa, chủ cơ sở sản xuất đồ khảm tại thôn Trung cho biết: Năm 2012 là năm khó khăn với làng nghề, khó tiêu thụ sản phẩm do khó khăn nền kinh tế chung. Tuy nhiên, những doanh nghiệp lớn ở làng nghề Chuyên Mỹ lại có dịp đầu tư vào các dòng sản phẩm cao cấp để "găm" hàng chờ thị trường khởi sắc. Do vậy dù lượng hàng bán ra giảm, người lao động vẫn có việc làm quanh năm. Những bộ hoành phi câu đối, sập gụ, tủ chè đẹp giá trên 1,5 tỷ đồng được trưng bày tại lễ hội càng khiến du khách khâm phục tài năng của những người thợ thủ công nơi đây. Một điểm đến hấp dẫn của lễ hội làng nghề này phải kể đến HTX sơn mài Ngọ Hạ của bà Nguyễn Thị Vui một trong số công dân Ưu tú Thủ đô vừa được vinh danh. Cơ sở sản xuất của HTX và không gian làng nghề đã nuôi dưỡng, nâng đỡ nhiều số phận bất hạnh. Hàng trăm trẻ em, người khuyết tật đang được học nghề và có cuộc sống ổn định, hạnh phúc ở mái nhà này.
Đến với lễ hội làng nghề khảm trai, sơn mài truyền thống Chuyên Mỹ, ta bắt gặp hình ảnh những người thợ say sưa, cần mẫn ngồi vẽ, cưa, "cẩn" những nét họa tiết li ti lên những tấm gỗ thành phẩm ở hầu hết các gia đình… Theo thần phả lưu giữ tại đình làng Chuôn Ngọ thì nghề khảm trai nơi đây xuất hiện từ khoảng thế kỷ XI - XIII. Ông tổ nghề hiện được thờ tại đình làng là Trương Công Thành - một vị tướng văn võ song toàn từng tham gia vào đội quân của Lý Thường Kiệt. Theo những nghệ nhân trong làng, nghề khảm trai không đơn giản chỉ là nghề đục đẽo, lắp ráp theo khuôn mẫu nhất định mà đó là cả một "chặng đường" nghệ thuật. Để có được nguyên liệu tốt nhất, người dân Chuyên Mỹ thường thu gom vỏ trai, vỏ ốc trong nước đồng thời nhập từ Hồng Kông, Singapo. Sản phẩm của làng nghề Chuyên Mỹ phát triển ngày càng đa dạng và phong phú về mẫu mã, đáp ứng được nhu cầu trong nước và vươn xa ra thị trường quốc tế như Anh, Nga, Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản... Người dân làng nghề hôm nay có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và đưa Chuyên Mỹ trở thành một trong những điểm đến du lịch làng nghề hấp dẫn trong số các làng nghề truyền thống của Việt Nam.