Tạo thế cạnh tranh để thu hút đầu tư
Kinh tế - Ngày đăng : 08:15, 27/10/2012
9 tháng đầu năm nay, các KCN Hà Nội đã thu hút đầu tư thứ phát đạt 297,8 triệu USD; đầu tư vào hạ tầng KCN 125 triệu USD, đạt 165,4% kế hoạch năm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong KCN đều đạt hiệu quả; doanh thu của các DN đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước; nộp ngân sách đạt 68,5 triệu USD, tăng 12,1%. Mặc dù đến nay mới có 8 KCN được vận hành với hơn 70% số dự án hoạt động, nhưng các KCN Hà Nội đã góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy tăng trưởng KT-XH của thành phố (TP), trong đó đã tạo ra hơn 40% giá trị sản lượng công nghiệp, hơn 45% kim ngạch xuất khẩu, 20% GDP của TP và tạo việc làm cho hơn 12 vạn lao động.
Với vai trò là đơn vị quản lý trực tiếp các KCN trên địa bàn, Ban Quản lý các KCN - khu chế xuất (KCX) Hà Nội đã phát huy tốt vai trò hỗ trợ, giúp DN tháo gỡ khó khăn, ổn định SXKD; tạo môi trường pháp lý thông thoáng, môi trường đầu tư lành mạnh nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư. Công tác quản lý lao động và giải quyết việc làm được triển khai hiệu quả đã góp phần tạo môi trường làm việc ổn định, giảm số vụ ngừng việc tập thể... Từ đầu năm đến nay, nhiều đoàn DN từ các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan… đến tìm hiểu cơ hội hợp tác và đầu tư vào KCN Hà Nội; trao đổi thông tin liên quan đến đầu tư như chi phí thuê nhà xưởng, giá thuê văn phòng, giá thuê đất, nhân công, môi trường… Hầu hết các đoàn DN đều đánh giá cao môi trường đầu tư tại các KCN Hà Nội với nhiều lợi thế so với một số nước trong khu vực và một số tỉnh, TP về nguồn nhân lực chất lượng cao, những chính sách hỗ trợ...
Theo quy hoạch từ nay đến năm 2015, Hà Nội sẽ phát triển thêm 11 KCN, khu công nghệ cao tạo mặt bằng "sạch" thu hút đầu tư của các DN trong, ngoài nước. Các KCN, KCX sẽ được xây dựng theo hướng đô thị công nghiệp đồng bộ trong, ngoài hàng rào để tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người lao động. Tuy nhiên, hầu hết các dự án hiện vẫn phải chờ triển khai tiếp thủ tục điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Ngoài ra, tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) ở các KCN còn chậm do nhiều nguyên nhân, nên việc đưa vào khai thác chưa đúng kế hoạch. Mặc dù TP đã có nhiều giải pháp trong việc thực hiện thủ tục đầu tư theo quy trình "một cửa" cùng những chính sách hỗ trợ khác, nhưng vẫn chưa đủ mạnh để "gọi" đầu tư. Do đó, vốn đầu tư đăng ký mới từ đầu năm đến nay chỉ tập trung vào một số dự án tăng vốn, số dự án đăng ký mới trong lĩnh vực sản xuất, có sử dụng đất rất hạn chế.
Trước thực tế đó, Ban Quản lý đã rà soát DN chưa sử dụng hết nhà xưởng để đẩy mạnh hình thức cho thuê đối với DN có nhu cầu đầu tư mới. Hoàn thành thủ tục thu hồi đất, lập phương án GPMB các KCN Phụng Hiệp, Bắc Thường Tín; kiểm tra, giám sát thực hiện mục tiêu đầu tư quy định tại giấy chứng nhận đầu tư, kịp thời hỗ trợ giúp DN tháo gỡ vướng mắc trong quá trình đầu tư để bảo đảm tiến độ đưa dự án vào SXKD. Chủ động thu hồi giấy chứng nhận đầu tư với những dự án không triển khai hoặc vi phạm pháp luật, những dự án không hoạt động SXKD hoặc sản xuất không hiệu quả. Nâng cao tỷ lệ giải ngân các dự án thứ phát, bảo đảm tiến độ đầu tư, đưa dự án vào vận hành... góp phần tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp và doanh thu trong các KCN.