Cơn khủng hoảng chưa dừng

Thế giới - Ngày đăng : 07:28, 27/10/2012

(HNM) - Đúng là


Tăng thuế, sa thải nhân công, cắt giảm an sinh xã hội… như những gì có thể để tăng ngân sách mà nhiều nước trong Eurozone đã thực hiện, xem ra chưa đè bẹp được đà "tăng trưởng" của nợ công. Đến hết quý II-2012, tổng nợ công của 17 quốc gia Eurozone đã lên tới 90% GDP, trong khi con số này của toàn bộ 27 nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) cũng tăng từ 83,5% GDP lên 84,9% GDP. Nhìn lại mức nợ công 88,2% trong quý I-2012 và mức 87,1% cùng kỳ năm 2011 thì rõ ràng Châu Âu đang làm rộng hơn vũng lầy nợ của chính mình.


Châu Âu vẫn trong hành trình tìm vùng trời sáng.

Chưa bao giờ, kể từ khi đồng euro được "trình làng" trong niềm kiêu hãnh và tin tưởng chưa từng có về một liên minh chính trị - tiền tệ đầu tiên và vững chắc của thế giới, mức nợ công của Châu Âu lại cao như vậy. Vị trí quán quân vẫn thuộc về Hy Lạp với "núi nợ" bằng 150,3% GDP, nối dài danh sách đáng buồn là những "danh tiếng cũ", gồm Italia với 126,1%, Bồ Đào Nha 117,5% và Ireland chiếm 111,5%. Không ai ngạc nhiên với sự hiện diện của những tên tuổi đã và đang điên đảo trong cơn bão nợ chưa dừng tại Châu Âu; song, dư luận không thể nguôi lo lắng khi con số này cứ liên tiếp "đạt đỉnh" như quý I-2012, nợ công của Athens là 136,9% GDP - sau các chương trình tái cấu trúc nợ mạnh mẽ - nay đã là 150,3%. Do đó, những gì đang diễn ra khẳng định căn bệnh nợ nần mà Châu Âu trót mắc không những không thuyên giảm sau những toa thuốc "nặng đô" mà thậm chí lại có dấu hiệu trầm trọng hơn.

Bên cạnh những khoản vay mới để tránh nguy cơ vỡ nợ tại một số mắt xích yếu kém nhất, việc ngân khoản của hàng loạt quốc gia phải đội nón ra đi để chống chọi với dòng thác nợ nần vẫn đang cuồn cuộn đổ vào Châu Âu. Sự thật này thật khó để dư luận yên lòng. Vấn đề cốt lõi nhất được đặt ra là bằng cách nào để Lục địa già thoát được vòng vây thâm hụt ngân khố. Ngay từ khi cơn khủng hoảng bắt đầu cho đến nay, Châu Âu vẫn xem chi tiêu bừa bãi là nguyên nhân khiến mức trần nợ công 60% GDP và thâm hụt 3% GDP liên tiếp bị xuyên thủng. Vì thế, những trụ cột lớn nhất trong khu vực cũng xác định Châu Âu không có con đường nào khác là phải "thắt lưng buộc bụng". Một thời kỳ kham khổ đã mở ra với niềm tin rằng "khổ hạnh" sẽ dẫn đến một vùng trời sáng. Tuy nhiên, công khai mới nhất về nợ công tại Eurozone và cả EU với những giới hạn đỏ bị vi phạm đã khiến dư luận lật lại câu hỏi được đặt ra lâu nay là liệu "thắt lưng buộc bụng" có phải là chính sách hữu hiệu?

Vẫn là một đối tác quan trọng của Châu Âu trong hành trình vượt bão, nhưng mới đây Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng công khai quan điểm rằng chính sách khắc khổ, đang được áp dụng tại Châu Âu để giảm bội chi ngân sách xuống còn 3% GDP bằng mọi giá, chưa hẳn là giải pháp tốt nhất. Hệ quả nhìn thấy được là chi tiêu "khắc khổ" đã góp phần quan trọng tiêu hủy những phần trăm tăng trưởng hiếm hoi của khu vực. Ngoài Hy Lạp, Italia và Tây Ban Nha tăng trưởng âm, chỉ số này của trụ cột thứ hai Eurozone là Pháp cũng đứng gần số không. Ngay GDP của Đức - nền kinh tế mạnh nhất trong Eurozone - cũng chỉ tăng 0,9%, thấp hơn nhiều so với dự báo.

Nhưng, khi cuộc tranh luận về con đường sẽ đưa Châu Âu thoát khỏi khủng hoảng chưa hoàn toàn ngã ngũ thì với người dân, làm thế nào để có được cơm ăn áo mặc trong thời buổi công ăn việc làm bị thu hẹp và nhiều loại thuế tăng nhanh đến chóng mặt đã là câu chuyện thường nhật. Những hàng người mệt mỏi đợi xuất ăn miễn phí ở nhiều trung tâm từ thiện của Tây Ban Nha thời gian qua - không phải là tất cả nhưng cho thấy sự nguy khốn tại Lục địa già - đã và đang viết một câu chuyện buồn. Bỏ lại sau lưng cơn khủng hoảng nhưng không lạc vào đói kém rõ ràng là một phương trình chưa tìm được ẩn số cần tại Châu Âu.

Vân Khanh