Bài 3: Thắm mãi tình đất, tình người
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:21, 27/10/2012
"Không thể tưởng tượng chúng tôi sung sướng thế nào đâu" - Cô giáo Phạm Thị Yên, Hiệu phó Trường Mẫu giáo Thăng Long rơm rớm nước mắt khi nói về ngày mà ngôi trường Mẫu giáo Thăng Long do quận Cầu Giấy, TP Hà Nội hỗ trợ vốn xây dựng đi vào hoạt động năm 2009. Cũng phải thôi, một ngôi trường có khuôn viên 7.000m2 có đầy đủ phòng học, phòng y tế, sân chơi, thư viện, phòng đa năng, hội trường, phòng giáo viên… đạt chuẩn quốc gia hẳn là một câu chuyện cổ tích trong suy nghĩ của những giáo viên đã từng phải dạy dỗ nhiều thế hệ học sinh trong những căn phòng cũ nát lợp tôn hoặc tận dụng lại ở Nam Ban ngày xưa.
Giờ tan trường của học sinh Trường Tiểu học Nam Ban II, ngôi trường do UBND TP Hà Nội xây dựng.
Cô Nguyễn Thị Xuê, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Ban II cũng vô cùng hãnh diện về ngôi trường do UBND TP Hà Nội tặng năm 1995. Trường có khuôn viên đến 10.000m2, không chỉ có đầy đủ các phòng chức năng như thư viện, y tế học đường… mà còn có cả phòng âm nhạc, tin học... Tháng 12-2007, trường đã được công nhận là trường chuẩn quốc gia giai đoạn 1. Cô Xuê hãnh diện cho biết, nhiều học sinh từng học ở đây đã thi đỗ rất nhiều trường đại học "danh giá" của TP Hồ Chí Minh như ngoại thương, kinh tế… Năm học 2011-2012, trường có 3 học sinh thi tiếng Anh cấp tỉnh và có 1 em đoạt được giải ba. Sự học hành giỏi giang của học sinh trường mình được cô Xuê lý giải là do học sinh ở đây phần đông là người gốc Hà Nội và Nghệ An, Hà Tĩnh, vốn có truyền thống hiếu học từ ngàn đời.
Những bàn tay cày cuốc chai sần của các bậc cha mẹ ngày xưa đã làm ra tương lai hoa thơm quả ngọt, khi rất nhiều gia đình ở đây có con cái học hành giỏi giang, thành đạt. Hai người con đầu của ông Kiều Công Luận khi mới vào khó khăn quá phải nghỉ học, nhưng hai người con sau của ông đã tốt nghiệp đại học và hiện một người làm việc ở Đà Lạt, một người ở TP Hồ Chí Minh. Sáu người con của ông Trần Văn Mùi thì bốn người con gái sau cũng tốt nghiệp đại học và hiện một là giáo viên, ba người làm ngành kế toán. Con gái lớn của anh Phạm Văn Cường thì đang học năm thứ 2 Đại học Kinh tế ở TP Hồ Chí Minh. Con trai lớn của anh Chử Văn Thành đang học Đại học Nông Lâm năm thứ nhất… Đặc biệt, gia đình ông Trần Đình Tải (nguyên cán bộ công an Hà Nội, tháng 4-1976 được cử vào vùng KTM, được cử vào làm Phó Trưởng Công an vùng KTM, hiện ở tổ dân phố Trưng Vương) nổi tiếng với ba thế hệ đều học hành thành đạt. Ông có năm người con thì đều tốt nghiệp đại học, thành đạt. Hai người con theo ngành công an của cha, hai người theo ngành luật và một là cán bộ tư pháp. Các cháu nội, ngoại của ông sau này đều nối tiếp học hành giỏi giang…
Mừng là mừng đấy, nhưng cuộc sống của những người Hà Nội xa quê đến nay không chỉ có hoa thơm trái ngọt. Vẫn còn 9,6% tỷ lệ hộ nghèo, chăm sóc xã hội, y tế dù đã tốt hơn nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng, mà nói như ông Phan Hữu Giản thì trong cái mừng còn có cái băn khoăn không ít. Còn bà Nguyễn Thị Quỳnh Năm, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hà thì trăn trở khi con đường tỉnh lộ 725, con đường huyết mạch nối với Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh, Nha Trang… đoạn qua Tân Hà đã xuống cấp nhưng chưa sửa chữa được, trong khi Tân Hà gần như xã phát triển kinh tế bậc nhất của Lâm Hà ngày nay…
Dòng chảy của văn hóa Thăng Long
Điều ấm lòng những người con xa xứ là từ 10 năm đầu khi đưa người dân đi lập nghiệp kinh tế mới, cho đến khi vùng đất này đã chuyển giao trọn vẹn cho tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo TP Hà Nội vẫn theo dõi sát sao từng bước cuộc sống của người dân nơi đây, nơi mà nhiều thế hệ lãnh đạo Hà Nội đã xác định là một "huyện xa" của Hà Nội. Các trường học, trạm xá, nhà văn hóa của huyện hầu hết là của Hà Nội đầu tư hoặc hỗ trợ xây dựng, như Trường PTCS Từ Liêm, Tiểu học Nam Ban (I, II), Trường Mẫu giáo Thăng Long; các Nhà văn hóa Nam Ban, Đông Thanh, Gia Lâm, Mê Linh, Nam Hà; các trạm xá Gia Lâm, Đông Thanh, Phòng khám đa khoa khu vực của Nam Ban; hỗ trợ bê tông hóa các con đường thuộc các tuyến phố Ba Đình, Trưng Vương, Đông Anh (1,2,3), Thành Công, Bạch Đằng… Trong giai đoạn 2011-2015, lãnh đạo Hà Nội cũng đã có chương trình đầu tư cho huyện Lâm Hà 24 công trình với tổng vốn đầu tư 215 tỷ đồng, gồm trường học, bệnh viện, bệnh xá và đường giao thông nông thôn. Chính sự quan tâm cả về vật chất và tinh thần đó khiến người dân Hà Nội ở Lâm Hà rất tự hào và ấm lòng trên quê hương thứ hai của mình.
"Đất lành chim đậu", dòng người di cư về Nam Ban ngày càng nhiều nên vùng đất này không chỉ là người Hà Nội như ngày xưa. Thế nhưng, nói như Chủ tịch huyện Lâm Hà Trần Văn Tự là văn hóa chủ đạo của Lâm Hà bây giờ là văn hóa Hà Nội, vì người Hà Nội ở đây chiếm đến 60%. Quả thật, hơn 30 năm xa Hà Nội nhưng với nhiều gia đình thì "nếp gia đình" vẫn vẹn nguyên, có lẽ đó không chỉ giữ gìn một nền văn hóa đẹp mà còn là cách để những người con xa xứ thể hiện tình yêu với nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Ngôi nhà khang trang của ông Trần Văn Mùi, tự tay ông thiết kế và xây dựng theo kiểu biệt thự năm 1999, vẫn giữ nếp nhà 3 gian của người Bắc. "Tính cách của người Tràng An là ham học, đi đâu cũng học hành, phấn đấu", ông Mùi giải thích cho thiết kế cảnh quan của khoảng sân trước nhà, một bên là cây sung, một bên là cây trúc và 2 cây tùng tháp với mong ước cho con cái học hành giỏi giang. Không chỉ nhà ông Mùi mà nhiều ngôi nhà trên xứ Nam Ban này, dù xây dựng từ những ngày đầu vào lập nghiệp hay mới xây dựng sau này đều giữ ít nhất một nét "Hà Nội" trong ngôi nhà của mình. Ngôi nhà anh Nghĩa (thôn Vinh Quang, xã Hoài Đức) là một ngôi nhà 3 gian. Đáng quý hơn, chiếc tủ chè trang trọng ở gian giữa là do anh mang từ Hoài Đức vào. Giữa miền cao nguyên cây cối bạt ngàn thì lý do anh mang chiếc tủ chè tận quê nhà vào có lẽ muốn mang theo chút hơi ấm quê hương trong những ngày xa xứ.
Buổi chiều ghé quán nước bên đường của chị Thúy (thôn Vinh Quang, xã Hoài Đức). Gần cuối giờ chiều nên nhiều người đi làm về đã tranh thủ tạt vào quán têm nhanh miếng trầu, rót chén rượu Cát Quế thơm nồng mùi quê hương hoặc kéo hơi thuốc lào. Câu chuyện rôm rả xung quanh chuyện học hành của con cái, chăm sóc mẹ già và cả những nỗi nhớ quê. Trên đường về, cơn mưa Tây Nguyên ập xuống bất chợt, quất ràn rạt những hạt mưa to tướng. Tấp vào một quán sửa xe bên đường, nghe giới thiệu là người Hà Nội, những thanh niên ở đây đã nhanh chóng nhường chiếc áo mưa cho chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Chiếc áo mưa mỏng manh không chống chọi nổi với cơn mưa trắng trời của vùng đất Tây Nguyên nhưng vẫn ấm lòng du khách bởi tình quê hương vẫn hiện hữu ở nơi cách xa đất Kinh kỳ đến hơn ngàn cây số và văn hóa Tràng An vẫn đang tiếp nối mạch nguồn trên vùng đất Nam Tây Nguyên hùng vĩ.