Cơ chế hiện thực hóa

Đời sống - Ngày đăng : 07:00, 27/10/2012

(HNM) - Trong chương trình làm việc của kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, ngày 16-11 tới, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Sau đó, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, hiện thực hóa quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân. Nếu không có gì thay đổi, từ tháng 1 đến tháng 3-2013, toàn dân sẽ được thể hiện ý chí, chính kiến của mình đối với những quy định dự kiến sửa đổi trong hiến pháp về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước... Đây là điều rất vui mừng và đáng mong đợi của cử tri cả nước nhưng cũng khiến không ít người còn lo ngại. Một số cán bộ hưu trí, công chức băn khoăn, liệu những đóng góp của mình sẽ được ghi nhận, xem xét bằng cách nào; cơ chế thu thập, tổng hợp, phản hồi của cơ quan chức năng ra sao để thể hiện được sự trân trọng trí tuệ, tình cảm của nhân dân trước sự kiện lớn của đất nước như Đảng mong muốn?

Trên thực tế, cả 4 lần ban hành Hiến pháp (1946, 1959, 1980, 1992) và một lần sửa đổi (2001), việc lấy ý kiến đối với các đối tượng chịu tác động trực tiếp của các bản dự thảo đều được đặt ra. Tuy nhiên, quá trình triển khai chưa thực sự bài bản, khoa học vì chưa có văn bản pháp lý nào quy định chi tiết, bắt buộc về vấn đề này. Hiến pháp năm 1980 có tới 2 triệu người tham gia góp ý. Nhưng có nhiều ý kiến đóng góp đã không được tiếp thu và giải trình một cách thuyết phục. Qua đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải báo cáo 6 nhóm vấn đề quan trọng mà Ủy ban Dự thảo thấy không thể tiếp thu hoặc không nên đưa vào Hiến pháp để Quốc hội xem xét. Tuy nhiên, theo ông Trương Đắc Linh, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, 6 nhóm vấn đề khi đó không được tiếp thu nhưng theo thời gian nó lại cho thấy tính đúng đắn. Ví dụ, những bất cập trong tổ chức HĐND đã từng được chỉ ra nhưng mãi sau này mới được nghiên cứu.

Do đó, điều quan trọng nhất hiện nay là lần này phải tiến hành lấy ý kiến nhân dân một cách cởi mở và thật sự dân chủ. Bằng các kênh truyền thông, người dân phải được hướng dẫn và phổ biến sâu rộng về nội dung cơ bản của dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Sau đó, thảo luận sôi nổi dưới nhiều phương cách, từ hội nghị, tọa đàm, qua internet, báo chí, truyền hình đến dùng thư tín, tổ chức nghiên cứu khoa học… Một điều nữa, cũng rất cần lưu tâm là cần phải thừa nhận sự đa chiều của các ý kiến, nghiên cứu những quan điểm thiểu số bởi lẽ chân lý không phải bao giờ cũng thuộc về số đông. Với những nhóm ý kiến không thể tiếp thu, cần có giải trình rõ ràng để người dân hiểu bản chất vấn đề và cân nhắc được tính thiệt, hơn nếu áp dụng.

Hồ Bách