Nhìn gần, lo xa

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:43, 27/10/2012

(HNM) - Đó là cái nhìn gần về thị trường vàng trong nước và là cái lo xa về quản lý một số lĩnh vực kinh tế vĩ mô hiện nay.


Một vấn đề đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận những ngày gần đây là biểu hiện "độc quyền" mặt hàng vàng miếng đang làm nhiễu loạn thị trường vàng trong nước. Đã có nhiều những ý kiến phân tích, khẳng định về việc hình thành "lợi ích nhóm" cho một số doanh nghiệp, còn thiệt hại lớn dành cho kinh tế đất nước và người dân.

Trong thời gian qua, tình trạng độc quyền doanh nghiệp (DN) đã chứng minh rằng chính nó làm cản trở sự phát triển kinh tế và khi xóa bỏ độc quyền thì ngành đó phát triển và rộng hơn là kinh tế phát triển (ngành viễn thông xóa bỏ độc quyền DN là một ví dụ rất rõ). Thực tế, Chính phủ đã và đang nỗ lực để xóa độc quyền thị trường xăng dầu, điện, than... nhưng đáng tiếc lại có xu hướng độc quyền với thị trường vàng miếng. Theo quy định, từ ngày 25-11-2012, trên thị trường sẽ chỉ còn duy nhất thương hiệu SJC được công nhận. Thông tin này được đưa ra từ vài tháng trước đã khiến cho thị trường càng rơi vào rối loạn, giá vàng trong nước chênh lệch quá cao với thế giới, các thương hiệu vàng khác SJC trở thành hàng thứ cấp, mất giá nhiều triệu đồng mỗi lượng. Sân chơi chỉ dành riêng cho một "ông lớn" nắm trọn trong tay quyền chi phối. Hệ lụy này các chuyện gia đã cảnh báo ngay từ khi Nghị định 24 còn đang trong giai đoạn khởi thảo, nhưng đến nay vẫn chưa được khai thông.

Hồi tháng 1-2012, trong khi đối thoại trực tuyến với người dân, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định "ngân hàng không khủng hoảng, không lợi ích nhóm, nợ xấu trong tầm kiểm soát". Tuy nhiên, trong lần đối thoại ngày 7-10 vừa rồi trên Đài Truyền hình Việt Nam, Thống đốc NHNN thừa nhận "có những ngân hàng chỉ do một, hai cổ đông hoặc một nhóm cổ đông chi phối, dư nợ ngân hàng có đến 70 - 90% phục vụ cho nhóm cổ đông đó". Và kết luận: "Lợi ích nhóm là rào cản lớn nhất trong quá trình tái cơ cấu. Nó có thể thao túng ngân hàng và ảnh hưởng đến cả hệ thống".

Trở lại câu chuyện vàng. Trong bài viết cùng chuyên mục này của Báo Hànộimới số ra ngày 26-10, tác giả bài báo khẳng định: "Cái áo SJC có được do sự độc quyền theo quy định của những chính sách đang ban hành… SJC được hưởng lợi còn các doanh nghiệp khác và người dân phải phụ thuộc và chịu thiệt…". Thực tế thời gian gần đây, ở nước ta cụm từ nhóm lợi ích được nhắc đến khá nhiều với những quan ngại, cảnh báo thực sự, không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng, trên thị trường vàng mà "lợi ích nhóm" xuất hiện ở nhiều lĩnh vực khác, như năng lượng, đầu tư, đất đai, tài nguyên khoáng sản... Từ độc quyền dẫn đến lợi ích nhóm và đặc quyền thao túng. Khi nhóm lợi ích càng nhiều thì nền kinh tế càng dễ bị tổn hại, bởi nếu không kiểm soát được chỉ cần một số ít cá nhân, DN đã có thể thâu tóm cả hệ thống.

Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2012 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội với tên gọi "Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu" được công bố mới đây cũng nhìn nhận: "Do chưa được luật hóa nên nhóm lợi ích ở Việt Nam rất đa dạng, phức tạp, liên quan đến những người có chức, có quyền, nhất là quyền liên quan đến cán bộ. Những người này có thể ở cấp trung ương, tỉnh, huyện, xã, phường hay ở cấp sở, phòng, thậm chí cá nhân thanh tra, cảnh sát hay ở doanh nghiệp Nhà nước, tập đoàn, dự án...". Nhóm lợi ích không còn là thứ vô hình nữa mà đã thành hình hài cụ thể ở nhiều lĩnh vực và tầng nấc khác nhau. Riêng với lĩnh vực tài chính ngân hàng, nếu chính sách được xây dựng và thực hiện trên cơ sở thực tế khách quan, đặc biệt những người quản lý có trách nhiệm hơn, biết nhìn xa trông rộng hơn thì có lẽ mọi việc sẽ không nan giải như hiện nay. Rõ ràng, lợi ích nhóm nhìn gần từ thực tế thị trường vàng càng thấy lo cho tương lai lĩnh vực tài chính ngân hàng nếu không sớm có giải pháp xử lý…

Nữ Quỳnh