Bài toán khó với chính quyền đương nhiệm
Thế giới - Ngày đăng : 07:31, 26/10/2012
Vụ bạo động mới nhất diễn ra ngày 24-10 giữa những người theo đạo Phật và người Hồi giáo khiến nhiều người thiệt mạng cùng hàng trăm ngôi nhà bị đốt cháy một lần nữa cho thấy, an ninh tại Rakhine vẫn là "bài toán" khó với chính quyền đương nhiệm của Tổng thống U Thein Sein.
Đây không phải lần đầu tiên Rakhine trở thành tâm điểm của dư luận về tình trạng mất an ninh. Các cuộc xung đột tôn giáo bắt đầu bùng phát trở lại từ tối 22-10 vừa qua tại thành phố Minbya và tiếp tục lan sang Mrauk U. An ninh tại khu vực trở nên hỗn loạn buộc chính quyền địa phương phải ban bố lệnh giới nghiêm từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau và lực lượng an ninh đã phải can thiệp để kiểm soát tình hình. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, các vụ bạo động ở Rakhine từ tháng 6 đến nay đã cướp đi sinh mạng của 90 người, làm 116 người bị thương, hơn 65.000 người phải rời bỏ nhà cửa; đồng thời phá hủy 4.822 căn nhà, 17 ngôi đền…
Làn sóng bạo lực tôn giáo bùng phát tại Rakhine từ đầu tháng 6 vừa qua sau khi 3 người Hồi giáo bị cáo buộc sát hại một phụ nữ, trong khi đó 10 người Hồi giáo khác bị một đám đông đánh chết. Bạo lực đã lan rộng ở vùng phía bắc của bang Rakhine, buộc chính quyền địa phương phải ban bố tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm ở một loạt thị trấn như Maungtaw, Buthidaung, Sittway, Thandwe, Kyaukphyu và Yanbye. Trước những thách thức an ninh ngày một gia tăng tại đây, ngày 17-8 vừa qua Tổng thống U Thein Sein đã ký sắc lệnh thành lập ủy ban điều tra gồm 27 thành viên nhằm tìm hiểu nguyên nhân thực sự làm bùng nổ xung đột. Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa được cải thiện. Mới đây nhất vào ngày 21-10, Chính phủ Myanmar đã cho phép các tổ chức nhân đạo quốc tế thực hiện chương trình cứu trợ với những nạn nhân là tín đồ Hồi giáo trong các vụ xung đột tôn giáo tại bang miền Tây này. Quyết định trên được đưa ra sau khi những người theo đạo Phật tại Myanmar xuống đường biểu tình phản đối việc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) yêu cầu hỗ trợ các tín đồ Hồi giáo là nạn nhân trong vụ xung đột tại Rakhine.
Tình trạng bạo động tôn giáo tại Rakhine không mới mẻ, song điều khiến dư luận lo ngại là các hành động không tuân thủ luật pháp tràn lan trong khu vực có nguy cơ đe dọa đến tiến trình dân chủ vừa được bắt đầu ở quốc gia Đông Nam Á này. Trong bối cảnh đó, sự hợp tác chặt chẽ giữa các chính đảng, tổ chức tôn giáo, các tổ chức cộng đồng cũng như các phương tiện thông tin đại chúng là giải pháp được Tổng thống U Thein Sein đặt trọng tâm ưu tiên. Sớm khôi phục hòa bình và ổn định tại bang Rakhine không chỉ góp phần ổn định tình hình đất nước, mà còn là bước đi quan trọng của Chính phủ Myanmar để xây dựng lòng tin với các nhà đầu tư trong khu vực cũng như trên thế giới đang hướng về đất nước của những viên ngọc quý.