Xây dựng trụ cột hợp tác mới
Thế giới - Ngày đăng : 07:09, 26/10/2012
Song, thông điệp quan trọng hơn nhà lãnh đạo B. Aquino muốn gửi gắm qua chuyến công du 4 ngày (từ 23 đến 26-10) là mong muốn Australia trở thành một trong ba đồng minh quân sự hàng đầu của Philippines sau Nhật Bản và Mỹ; đồng thời qua đó thiết lập một trụ cột hợp tác mới trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Dù không có nhiều thỏa thuận hợp tác được ký kết nhưng thể hiện rõ mong muốn củng cố và tăng cường mối bang giao, chuyến công du Australia của Tổng thống B. Aquino đã thu hút sự chú ý của dư luận, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ - một đồng minh gần gũi của Australia cũng đang không ngừng khẳng định tầm ảnh hưởng và vị thế ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Điều này lý giải vì sao hợp tác quốc phòng cũng như an ninh hàng hải lại trở thành chủ đề được ưu tiên hàng đầu. Cuộc diễn tập quân sự liên hợp Philippines - Australia mang tên "Lumbas 2012" trong lãnh hải Philippines (từ ngày 22 đến 26-10) diễn ra cùng với thời điểm chuyến thăm là minh chứng cho mối quan hệ này. Cuộc tập trận chung trên biển năm nay với sự góp mặt của hạm đội tàu khu trục HMAS Sydney trang bị tên lửa có điều khiển của Hải quân Hoàng gia Australia tập trung diễn tập chống khủng bố, nạn buôn người và buôn lậu ma túy cũng như công tác ứng phó với thảm họa. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng hơn là cuộc thao diễn còn nhằm tăng cường năng lực của hải quân Philippines trong phối hợp hành động ngăn chặn, giám sát và duy trì an ninh biển.
Hạm đội tàu khu trục HMAS Sydney của Hải quân Hoàng gia Australia tham gia tập trận chung Philippines - Australia.
Mỗi năm Australia chi khoảng 4,5 triệu USD cho hợp tác quốc phòng với Philippines; trong đó gồm cả đào tạo 140 quân nhân và chi phí cho các chuyến thăm của quan chức cấp cao. Australia cũng có hai hoạt động lớn mỗi năm là huấn luyện hải quân và đào tạo trên bộ, liên quan tới các lực lượng đặc nhiệm của Philippines. Tuy nhiên, hoạt động hải quân (phổ biến các kỹ năng) lại tập trung chủ yếu vào vùng biển Sulu và Celebes ở phía Nam chứ không liên quan nhiều đến Biển Đông.
Trong bối cảnh đó, một tuyên bố về quan hệ "Đối tác chiến lược" được thông qua sẽ kéo Australia và Philippines xích lại gần nhau hơn và qua đó gửi đi một tín hiệu quan trọng trong khu vực khi tranh chấp trên Biển Đông đang ngày càng diễn biến phức tạp. Nếu Canberra trở thành trụ cột thứ ba - sau Washington và Tokyo về hợp tác quân sự sẽ giúp Manila thiết lập được một chiến tuyến hợp nhất ở một đoạn hiểm yếu trên vòng cung Thái Bình Dương đúng thời điểm khu vực đứng trước nguy cơ bất ổn. Tuy nhiên, điều này là một bước đối ngoại khá hóc búa với Canberra vì những lợi ích quan hệ song phương khác. Để tránh ảnh hưởng đến các quan hệ kinh tế và thương mại song phương trong khu vực Canberra sẽ phải thận trọng trước khi bước tới một trụ cột mới cùng Philippines.
Một chủ đề "nóng" khác cũng được Tổng thống B. Aquino mang tới Canberra là những tranh cãi về chủ quyền trên Biển Đông. Với tư cách là một trong năm nước Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2013-2014, hơn bao giờ hết Philippines muốn tìm thêm tiếng nói ủng hộ từ Australia để giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông. Nhưng, việc Australia "có chân" trong HĐBA LHQ không có nghĩa sẽ giúp Philippines thay đổi ngay được tình hình, bởi Canberra sẽ không thể can dự quá sâu trong các tranh cãi về tranh chấp trên Biển Đông. Điều này đã được Thủ tướng J. Gillard khẳng định trong tuyên bố chung rằng: Australia không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, nhưng kêu gọi các bên liên quan làm sáng tỏ và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982. Australia cũng nhất trí với Philippines về tầm quan trọng của việc thông qua một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) nhằm bảo đảm hòa bình và an ninh khu vực.
Philippines tăng tốc chuyển hướng thúc đẩy quan hệ với Australia là dễ hiểu khi quan hệ đồng minh Australia - Mỹ không ngừng được tăng cường về thực chất trong thời gian qua. Để mở rộng tầm ảnh hưởng và vị thế tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ cũng đang gia tăng quan hệ với đồng minh Philippines và Australia. Tuy nhiên, để nâng cấp quan hệ Philippines - Australia lên tầm "Đối tác chiến lược", hai bên còn phải vượt qua không ít thách thức.