Bài 2: Những tỷ phú trên quê hương mới

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:03, 26/10/2012

(HNM) - Không chỉ mang theo những địa danh thân thuộc, những người con Hà Nội còn mang theo nhiều ngành nghề truyền thống của quê hương mình vào vùng đất mới.


Lụa Hà Đông trên đất Nam Ban

Cơ sở ươm tơ dệt lụa Cường Hoàn (Cuong Hoan Silk) là một trong những điển hình thành đạt mà Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Nguyễn Đức Tài đã "khoe" khi chúng tôi ngỏ lời muốn tìm một vài "tỷ phú" ở vùng đất Nam Ban. Quê ở Đông Anh, theo cha mẹ vào vùng kinh tế mới năm 1980 khi mới 15 tuổi, cậu bé Phạm Văn Cường khi đó rất hoảng sợ trước cảnh rừng rú hoang vu "chim kêu vượn hú" và cứ nằng nặc đòi về ngay. 32 năm trôi qua, giờ đây Phạm Văn Cường đã có một cơ ngơi không chỉ là niềm mơ ước của bao nhiêu người mà còn là niềm tự hào của huyện khi xây dựng được một thương hiệu Cuong Hoan Silk tiêu thụ trên cả nước và xuất đi cả nước ngoài. Anh bảo, hình ảnh trồng dâu nuôi tằm ở vùng đất bãi sông Hồng quê nhà đã khắc sâu vào ký ức. Chính vì vậy, sau khi đi bộ đội về năm 1989, đất đai không nhiều để canh tác, Cường nghĩ ngay đến nghề trồng dâu nuôi tằm. Bắt đầu từ mua bán kén, sau thêm nuôi tằm, dần dần anh mở được cơ sở ươm tơ và bán tơ sống cho các nhà máy dệt ở Bảo Lộc, Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh. Công việc dần ổn định, ý tưởng một mô hình sản xuất kinh doanh khép kín đưa anh trở về vùng lụa Hà Đông, quê hương của nghề lụa để học nghề và cho ra những sản phẩm lụa đẹp mượt mà. Nhưng mọi việc không suôn sẻ khi những năm 1994-1995 ngành dâu tằm tơ ở Lâm Đồng rơi vào khủng hoảng và gần như bị xóa sổ.


Ươm tơ ở cơ sở Cường Hoàn.


Cùng nằm trong cơn sóng này, nhưng anh vẫn cầm cự được chứ không bỏ ngang nghề như nhiều người khác. "Cái khó ló cái khôn", để sản phẩm của mình không bị phụ thuộc quá nhiều, anh mở thêm dịch vụ du lịch nhằm quảng bá sản phẩm lụa tơ tằm và bán sản phẩm làm ra từ lụa. Cơ sở sản xuất nhỏ ngày nào nay dần phát triển thành doanh nghiệp sản xuất tơ lụa và dịch vụ du lịch Cường Hoàn (Cuong Hoan Silk) hiện nay. Ông chủ của Cuong Hoan Silk cho biết, mỗi năm cơ sở của anh đón khoảng 700.000 lượt khách tham quan. Trong thời gian trò chuyện với anh, tôi cũng thấy nhiều "Tây ba lô" đi mô tô đến tham quan và tỏ ra thích thú với mô hình nghề trồng dâu nuôi tằm.

Theo anh Cường, nhờ khí hậu ôn hòa, mát mẻ rất hợp với dâu tằm nên chất lượng tơ của Lâm Đồng rất tốt, không bị gai gút, độ dài tơ đơn thường đạt từ 800 đến 1.000m trong khi ở các vùng khác chỉ đạt tối đa là 500m, nhờ đó vải dệt dày, bóng. Hiện sợi tơ của Cuong Hoan Silk cung cấp cho một số nhà máy dệt và xuất đi Thái Lan, Lào, Campuchia. Doanh thu từ sợi tơ khoảng 20 tỷ đồng/năm, chiếm 80% tổng doanh thu của Cuong Hoan Silk. Không chỉ mang lại doanh thu, Cuong Hoan Silk còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Hiện nay có khoảng 1.700-1.800 hộ nuôi tằm cung cấp kén cho Cuong Hoan Silk nhưng chỉ đáp ứng khoảng 70% công suất máy. Riêng trong cơ sở có hơn 30 lao động thường xuyên. Anh Cường cho biết, sắp tới sẽ nâng cấp xưởng và xây dựng nhà sàn trưng bày sản phẩm và cho khách du lịch nghỉ ngơi, có thời gian tiếp cận sản phẩm. Anh hy vọng sẽ tổ chức du lịch tốt vì vùng Nam Ban rất phù hợp với du lịch dã ngoại được nhiều du khách quốc tế ưa chuộng hiện nay. Điểm mạnh của Nam Ban là có thể "đón" khách du lịch từ Đà Lạt vì chỉ cách Đà Lạt có 24km, đường đi qua các trang trại trồng hoa, thác Cam Ly, làng nghề... Hiện Nam Ban nói chung và Cuong Hoan Silk nói riêng mới bắt đầu mở dịch vụ du lịch, nhưng anh vẫn hy vọng sẽ phát triển trong tương lai, mang lại doanh thu, công ăn việc làm cho người dân nơi đây cũng như quảng bá được sản phẩm tơ lụa của mình đến với du khách trong và ngoài nước.

Làm giàu từ những hạt giống quê hương


Với ông Trần Văn Mùi ở thôn Thanh Trì, xã Đông Thanh (tên ghép của Đông Anh - Thanh Trì) thì sự nghiệp kinh tế của gia đình ông bắt đầu từ cây dong riềng, loại cây làm miến dong truyền thống quê Thanh Trì của ông. Năm 1978, ông chủ gia đình trẻ (mới 24 tuổi) ấy đã đưa vợ con rời quê hương ở Văn Điển
để vào Nam Ban lập nghiệp. Được Nhà nước cấp cho một căn nhà mái tôn 24m2 và khoán 2.500m2 để canh tác, ông cũng bắt đầu trồng ngô, sắn như tất cả mọi người để có cái ăn trước mắt. Nhưng sắn, ngô cũng chỉ đủ sống qua ngày nên ông nghĩ ngay đến cây dong riềng và tất tả trở về quê mang cây giống vào. Không ngờ, loại cây mới lại được vùng đất mới ưu đãi, thu hoạch nhiều đến mức bán không hết phải chở về Hà Nội bán. Nhờ vậy mà kinh tế của ông khấm khá hẳn lên. Mặc dù từ năm 1980-1981 ông chuyển sang trồng cây cà phê vì cho thu nhập khá hơn, nhưng với ông thì cây dong riềng vẫn là nền tảng để có thể phát triển kinh tế gia đình như hiện nay. Đến năm 1984, 1985 cà phê của ông đã cho thu hoạch. Khi đó 1kg cà phê giá ngang đến 22kg gạo nên ông càng "ham", ra sức chăm bẵm loại cây "vàng" này. Đất đai mở rộng được 6ha đất, giờ chủ yếu trồng cây cà phê và trồng xen bơ cao sản. Ông Mùi cho biết, cây bơ ít công chăm sóc nhưng thu nhập cao gấp 4 lần cây cà phê. Ông còn làm chuồng trại chăn nuôi, ao cá, trồng cây ngắn ngày… cho thu nhập mỗi năm cả tỷ đồng.

Một ngành nghề mới hiện đang mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân là trồng hoa. Theo Chủ tịch thị trấn Nam Ban Thái Văn Mai, vùng đất này chỉ cách "Vương quốc hoa" Đà Lạt chừng 20km, có khí hậu, thổ nhưỡng tương tự nên những người của quê hương Hà Nội vốn có truyền thống trồng hoa hàng ngàn năm nay luôn tự hỏi tại sao lại không phát triển loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao này. Vì vậy, khoảng 4-5 năm nay, nhiều người dân đã bắt đầu trồng hoa. Có người lên Đà Lạt học nghề, có người về Hà Nội tìm kiếm những giống hoa mới… nhưng nói chung, nghề trồng hoa có thu nhập khá, cao hơn các loại cây trồng khác.

Khi chúng tôi đến nhà anh Chử Văn Thành (khu Đông Anh 1) thì anh cứ tiếc rẻ là mới cắt bán 6.000 bông đồng tiền hôm qua nên không còn thấy được vẻ đẹp của vườn hoa đang nở rộ. Quê ở Gia Lâm, vào vùng kinh tế mới năm 1986, được Nhà nước cấp cho 3.500m2 đất, anh cũng cuốc cày trồng cà phê như mọi người khác. Nhưng người trồng cà phê chỉ có thể khá giả nếu có nhiều đất, chứ mảnh đất nhỏ của anh thì đâu có bảo đảm cho cuộc sống của gia đình gồm hai vợ chồng và hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Vì vậy nên năm 2009 anh đã mày mò chuyển sang thử nghiệm trồng hoa. Do không có kinh nghiệm nên thất bại. "Khăn gói" lên Đà Lạt học nghề, bây giờ anh đã có thu nhập ổn định. Hiện cứ 1.000m2 trồng hoa của anh sau khi trừ chi phí còn lãi ròng đến 70-80 triệu đồng, gấp nhiều lần thu nhập từ cà phê.

Những người trồng hoa ở Nam Ban đã cả quyết chất lượng, màu sắc hoa ở đây còn đẹp hơn hoa Đà Lạt. Tuy nhiên, hiện rau, hoa trồng ra vẫn phải chở lên Đà Lạt và bán với thương hiệu hoa Đà Lạt. Bởi vậy, mong ước của anh Thành và nhiều người trồng hoa ở đây là xây dựng thương hiệu hoa Nam Ban. Hiện tổ rau hoa Nam Ban với 15 hộ đã được thành lập (do anh Thành là tổ trưởng), nhằm mục đích trao đổi kinh nghiệm trồng trọt, tìm thị trường để nâng cao hiệu quả kinh tế và hướng tới xây dựng thương hiệu hoa Nam Ban.

Đặng Loan