Quy hoạch đồng ruộng để phát triển kinh tế
Xã hội - Ngày đăng : 06:54, 26/10/2012
Đất đai bạc màu, bậc thang, công trình thủy lợi chỉ đáp ứng 70% diện tích, còn 30% tưới tiêu hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. Sản xuất nông nghiệp trong xã chủ yếu là trồng lúa và cây màu, trước đây chưa quy hoạch đồng ruộng, cây trồng và vùng sản xuất nên nông dân canh tác không hiệu quả. Hiệu quả kinh tế thấp do ruộng đất manh mún, khó đưa cơ giới hóa hay áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất nông nghiệp.
Những năm gần đây, nhiều hộ có tư tưởng bỏ ruộng không canh tác vì hiệu quả thấp. Khó khăn nữa ở Hiền Ninh là cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi được xây dựng từ những năm 1960 đến nay đã hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng. Những khó khăn này càng thôi thúc Hiền Ninh quyết tâm quy hoạch lại ruộng đồng, phân vùng sản xuất. Tuy nhiên, bước đầu tiến hành dồn điền đổi thửa (DĐĐT) ở đây gặp rất nhiều khó khăn do người dân không muốn xáo trộn ruộng đất, ngại chuyển đổi. Khi xã tổ chức họp dân để phổ biến chủ trương DĐĐT, có thôn chỉ 30-40% hộ dân đi họp.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh Ngô Văn Chuyên, cán bộ xã, thôn phải đến từng gia đình để giải thích, thường tranh thủ vào buổi tối người dân mới tập trung ở nhà, phải thuyết phục, nói rõ cách làm để dân đồng tình. Có thôn tổ chức tới 20 cuộc họp mới thuyết phục được nhân dân hưởng ứng.
Cuối năm 2011, xã Hiền Ninh chọn thôn Tân Trung Chùa là điểm để thực hiện DĐĐT. Thôn Tân Trung Chùa có 4 xóm: Chùa Nấu, Trung Lương, Tân Lương, Lan Chùa với tổng diện tích đất nông nghiệp 116,83ha. Mỗi hộ trong thôn trung bình có 11-12 thửa. Trải qua trên 20 cuộc họp bàn, vận động tuyên truyền nhân dân, Đảng ủy xã lãnh đạo chi bộ thôn quyết liệt chỉ đạo khâu DĐĐT. Tính tới thời điểm này, thôn Tân Trung Chùa DĐĐT được hai xóm là Trung Lương và Chùa Nấu với diện tích 84ha, trung bình mỗi hộ giảm xuống chỉ còn 1-2 thửa, chỉ ít hộ có 3 thửa. Sau khi DĐĐT, thửa nhỏ nhất là 300m2, thửa lớn nhất là 3.325m2.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ngô Văn Chuyên, sau khi tiến hành DĐĐT hai thôn trên đã dôi ra 8ha đất do sử dụng sai mục đích và giao thừa so với sổ sách trước đây. Để quy hoạch và mở rộng các công trình công cộng tại các thôn, xây dựng NTM, xã đã quy hoạch 8ha đất dôi dư để mở rộng 6.223m đường giao thông nội đồng, 18.256m kênh mương; 1ha bố trí đất giãn dân; 0,7ha quy hoạch đất nghĩa trang. Sau DĐĐT hai xóm này đã hình thành các mô hình trồng RAT, rau hữu cơ, trồng nấm, cây cảnh, xây dựng khu chăn nuôi xa dân cư... cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập đạt khoảng 20 triệu đồng/sào/năm, gấp 10 lần so với cấy lúa, nông dân rất phấn khởi.
Đến thời điểm này, các thôn trong xã đã thu hoạch xong vụ lúa mùa và thành lập xong các tiểu ban DĐĐT tại 5 thôn còn lại. Các thôn đã lên phương án giao ruộng để người dân thảo luận, góp ý trước khi giao đất ngoài thực địa. Hiện Ban DĐĐT của xã kết hợp với các thôn đang tiến hành cắm mốc tiêu đường giao thông, hệ thống thủy lợi nội đồng, kênh mương. Kế hoạch từ ngày 30-10 đến 31-12-2012 các thôn sẽ cho nhân dân gắp thăm ruộng dựa trên diện tích đất sở hữu của từng hộ và theo vị trí đã quy hoạch lại giao thông, thủy lợi. Việc xác định số thứ tự chia ruộng được bắt đầu từ khu đất số 1 đến khu đất cuối cùng có trong sơ đồ quy hoạch lại đồng ruộng tại các thôn và do Ban Chỉ đạo DĐĐT xã phê duyệt đã thông qua hội nghị nhân dân nhất trí. Tất cả các thửa ruộng được chia cho từng hộ đều tiếp giáp với đường giao thông nội đồng và có hệ thống thủy lợi kênh mương đến tại ruộng canh tác, rất thuận lợi cho người dân. Hiền Ninh phấn đấu cơ bản hoàn thành giao ruộng theo quy hoạch mới cho người dân trước khi bước vào gieo cấy vụ xuân 2013. Sau khi hoàn thành DĐĐT, căn cứ vào quy hoạch các thôn sẽ triển khai các mô hình sản xuất thâm canh mới theo kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tùy điều kiện đồng đất từng thôn tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao.
Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh Tạ Đức Long cho biết: Sau khi DĐĐT toàn xã sẽ dôi ra vài chục hécta đất. Số đất này sẽ được quy hoạch làm đường giao thông nội đồng, xây dựng các công trình phúc lợi như nghĩa trang, trường học, nhà văn hóa thôn… đồng thời dành một phần diện tích phục vụ công tác giãn dân xây dựng các khu sản xuất tập trung, vùng lúa hàng hóa, vùng chuyển đổi cơ cấu, tạo ra hướng phát triển mới ở Hiền Ninh.