Hà Nội: Sẽ có tuyến đường sắt đô thị số 5 vào năm 2021?
Kinh tế - Ngày đăng : 11:56, 25/10/2012
Phát biểu tại cuộc họp, ông Asaeda - Chuyên viên vụ Hợp tác công tư JICA Tokyo cho biết: Cuộc khảo sát nghiên cứu F/S Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 5 TP Hà Nội đã tiến hành từ tháng 8 năm ngoái do một công ty rất lớn của Nhật Bản thực hiện, dự kiến đến tháng 12 này sẽ kết thúc phần nghiên cứu. Theo đó, phía JICA mong muốn đến ngày 8/1/2012 sẽ nhận được phản hồi chính thức từ Bộ Giao thông Vận tải và UBND TP Hà Nội.
Tiếp theo đó, phía tư vấn của JICA cũng cho biết: Dự kiến đến ngày 10/12/2012 sẽ đệ trình lên JICA báo cáo cuối kỳ. Nghiên cứu dự án Tuyến đường sắt số 5 nối Hồ Tây – Hòa Lạc – Ba Vì có chiều dài 38,4 km. Dự báo ở giai đoạn 1 (tại thời điểm đến năm 2021), đến khu vực nhà ga 10 có 171 nghìn người/ngày vận chuyển trên tuyến. Ở thời điểm năm 2030, ở toàn tuyến có 432 nghìn người/ngày.
Mô hình tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh minh họa.
Dự án chia thành 2 giai đoạn thực hiện: Giai đoạn 1, thi công năm 2017 và đưa vào khai thác năm 2021 là 14,1 km (từ Hồ Tây đến An Khánh) với 10 ga; giai đoạn 2 thi công năm 2028 và đưa vào khai thác năm 2030 là 24,3 km (từ An Khánh – Hòa Lạc – Ba Vì) với 7 ga. Dự án cũng đang tính toán phương án đi ngầm dưới đất mất chi phí cao (2.680 triệu USD) và đi trên cao (2.019 triệu USD) giảm chi phí và dễ triển khai hơn, dễ kết nối với hạ tầng xung quanh khu vực nhà ga.
Tốc độ chạy tàu tối đa trên cao và trên mặt đất là 120km/h, với phương án đi ngầm là 80km/h. Vận hành tuyến sẽ có công ty tư nhân điều phối các toa xe, quản lý tuyến đường sắt trong vòng 15 năm. Phía Chính phủ VN sẽ vay vốn ODA để thực hiện dự án và thu lại qua phí. Tuy nhiên, theo phía tư vấn, việc đánh giá rủi ro do nhu cầu vận chuyển là vấn đề VN cần cân nhắc.
Điều dẫn tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thịnh – Phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội nói: Báo cáo lần này là báo cáo nghiên cứu cuối kỳ, Ban quản lý dự án đường sắt sẽ tập hợp lại các ý kiến tham gia từ các sở, ngành để báo cáo UBND TP. Việc triển khai tuyến đường sắt này có một số thuận lợi nhưng cũng có khó khăn riêng. Về vấn đề kỹ thuật, kết nối tổ chức giao thông với các tuyến khác, hay như việc sử dụng đất đai, đề pô, nhà ga… cần các ngành cho ý kiến thêm. Báo cáo có đề cập đến các phương án đi ngầm và đi nổi, cần nghiên cứu thêm vì có những đoạn có thể không đi nổi được phải đi ngầm để giảm ùn tắc…
Tham luận tại cuộc họp, ý kiến từ Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết: Báo cáo cuối kỳ của đoàn tư vấn JICA cơ bản hợp lý, tuy nhiên còn có một số vấn đề cần làm rõ. Theo đó, đề nghị đoàn tư vấn bắt buộc có sự thống nhất với cơ quan tư vấn TEDI của Bộ Giao thông Vận tải về dự án và được sự chấp thuận của Cục đường sắt VN. Nếu nghiên cứu của JICA còn khác biệt với TEDI phải có sự phân tích và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền. Về giai đoạn 1 của dự án phân tích còn chưa khoa học, nghiên cứu vẫn đưa ra 2 phương án ngầm và nổi; so sánh giữa hai phương án chủ yếu dựa trên tài chính. Tư vấn JICA phải đưa ra được phương án chọn.
Bên cạnh đó, ý kiến từ Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội nêu rõ: Trong quy hoạch chung của TP Hà Nội đã xác định từ vành đai II vào trung tâm Hà Nội dự án đường sắt phải đi ngầm. Từ vành đai II kéo dài đến vành đai III trở ra có thể nghiên cứu triển khai tiếp tục đi ngầm hay đi nổi? Hà Nội hiện có 8 tuyến đường sắt đô thị, mỗi tuyến một công nghệ khác nhau sẽ mất rất nhiều đất. Theo đó, cần kết hợp đề pô các tuyến với nhau; khớp nối theo mạng. Đề pô tuyến đường sắt số 5 nên khớp nối với tuyến đường sắt số 8.
Mặt khác, ý kiến từ Sở Kế hoạch & Đầu tư cũng đồng thuận chia ra 2 giai đoạn triển khai dự án. Tuy vậy, dự án cần xác định rõ hình thức đầu tư, sử dụng nguồn vốn ODA và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam hay vốn PPP; đề xuất nguồn vốn hỗn hợp như dự án nghiên cứu khó triển khai. Dự án cũng cần xem xét rõ chủ đầu tư. Bộ Giao thông Vận tải nên chủ trì nghiên cứu khớp nối 8 tuyến đường sắt với nhau.
Ngoài ra, ý kiến từ Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cũng nhấn mạnh về quy hoạch, nên chọn phương án đi ngầm từ vành đai III vì vướng nhiều tuyến cầu trên cao. Báo cáo nghiên cứu cuối kỳ lần này chưa có sự nghiên cứu kết nối ga với mạng lưới giao thông công cộng…; Đề nghị tư vấn lập khung tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp từ phía Việt Nam, ông Asaeda – Chuyên viên vụ Hợp tác công tư JICA Tokyo khẳng định: Phía Nhật Bản sẽ nghiên cứu việc dự án chạy ngầm dưới đất khu vực trung tâm đến vành đai II và kéo dài ra vành đai III. Việc kết nối với các tuyến khác chưa có quy hoạch rõ ràng nên rất khó nghiên cứu. Phía cơ quan nghiên cứu sẽ lưu ý nhấn mạnh việc chọn ga đề pô theo phương án 1 để kết nối với tuyến số 8.
Kết luận tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thịnh thay mặt UBND TP Hà Nội cám ơn đoàn tư vấn đã nghiên cứu về dự án F/S Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 5 TP Hà Nội… UBND TP sẽ giao cho Ban quản lý đường sắt Hà Nội tập hợp các ý kiến đóng góp (muộn nhất là vào ngày 8/11/2012) để gửi phía JICA nghiên cứu chỉnh sửa dự án nghiên cứu, hoàn thiện và đệ trình báo cáo cuối kỳ lên các cơ quan chức năng.