Nghiên cứu xây dựng Nhà máy nước sạch sông Đuống

Xã hội - Ngày đăng : 11:54, 25/10/2012

(HNMO) - Ông Murata - Cố vấn cao cấp của Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết: “Bộ Xây dựng đã lấy ý kiến các ngành liên quan (như UBND TP Hà Nội, Bộ KH&ĐT) về nghiên cứu F/S Dự án Nhà máy nước sạch sông Đuống và hiện đang trình Chính phủ”.


“Sau khi Chính phủ Việt Nam thông qua, JICA sẽ tiếp tục thảo luận với UBND TP Hà Nội về một số vấn đề như: Hợp đồng BOT, hợp đồng mua nước, mức phí… Mục tiêu của dự án đến cuối năm 2015, sẽ triển khai cấp nước cho Hà Nội. Đây là dự án đầu tiên quy mô lớn JICA tham gia đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật. Chính phủ Nhật Bản đánh giá cao dự án này và cũng hỗ trợ cho dự án. Khoản vay cho dự án là 25 năm, lãi suất 0,5%; điều kiện này rất mềm, đảm bảo cho giá thành rẻ” – ông Murata cho biết thêm.

Thông tin thêm về dự án ông Nguyễn Văn Thịnh – Phó Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết: Dự án cấp nước cho Hà Nội đã triển khai nhiều năm nay, nhất là khi Hà Nội mở rộng, quy hoạch cấp nước được nghiên cứu khẩn trương. Quy hoạch cấp nước Hà Nội đã được UBND TP Hà Nội, Hội đồng nhân dân TP thông qua và đang trình lên Bộ Xây dựng. Quy hoạch đã xác định khu vực triển khai nhà máy nước sông Đuống. Điều quan trọng hiện nay là xác định được nhu cầu và khả năng cung cấp của Nhà máy nước sông Đuống để triển khai (liên quan đến thu xếp nguồn vốn và hiệu quả đầu tư). Dự án theo hướng đầu tư BOT, xác định vùng phục vụ còn liên quan đến mạng đường ống dẫn, phân phối. Khoanh vùng phục vụ và giá nước cũng là vấn đề cần nghiên cứu.


Mặt nước sông Đuống.


Đóng góp ý kiến về việc nghiên cứu triển khai dự án, đại diện từ Sở Quy hoạch Kiến trúc phản ánh: Trong quy hoạch chung của Hà Nội, Nhà máy cấp nước sạch sông Đuống sẽ đặt ở khu vực Phù Đổng, cung cấp nước cho Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Quy mô đất cho dự án khoảng 6,7ha, công suất đến năm 2020 là 300.000m3/ngày, đêm; đến 2030 là 600.000 m3/ngày, đêm.

Ý kiến từ Sở Xây dựng bổ sung thêm: Công suất cấp nước giai đoạn đầu của dự án được xác định là 150.000m3/ngày, đêm. Theo tư vấn của phía Việt Nam đề xuất, việc cấp nước nên ưu tiên khu vực Bắc Hà Nội, khu vực phía Nam ưu tiên cho huyện Thường Tín, Phú Xuyên; ngoài ra có một phần cho Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương.

Ngoài ra, đại diện Sở Tài chính cũng cho biết: Bộ Tài chính có Thông tư quy định về trần giá nước sạch. Theo đó, nhà đầu tư phải xây dựng giá, trình UBND TP phê duyệt giá tối đa, và không được vượt quy định trần của Chính phủ. Nhà đầu tư nên nghiên cứu về giá để đảm bảo hiệu quả.

Trao đổi về vấn đề giá nước, ông Murata cho biết, JICA đang thảo luận về giá cấp nước với Bộ Xây dựng. Trước đây cấp nước của Hà Nội phụ thuộc vào nước ngầm; Nay chuyển sang lấy nước sông để cấp nước nên phải xử lý nguồn nước rất đục, đòi hỏi kỹ thuật khác. “Chúng tôi không rõ mức giá tới đây có vượt qua Thông tư quy định của Bộ Tài chính không, nhưng chúng tôi đang thảo luận. TP. HCM cũng đang chuyển từ lấy nước ngầm sang nước sông và giá nước bắt buộc phải tăng lên. JICA mong muốn cùng các nhà đầu tư xác định được mức giá cạnh tranh để trình lên UBND TP Hà Nội” – ông Murata nói.

JICA hiện có 3 dự án liên quan đến Hà Nội: đó là dự án nước thải Yên Xá, dự án cấp nước sông Đuống, dự án tuyến đường sắt số 5.

Những thông tin trên được nêu trong cuộc họp giữa UBND TP Hà Nội và JICA trong sáng 25/10.

Lan Hương