Khai mạc kỳ họp thứ mười, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI
Chính trị - Ngày đăng : 09:03, 07/12/2022
Dự kỳ họp, về phía Trung ương có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành trung ương.
Về phía thành phố Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Thường trực HĐND, UBND thành phố; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố.
Thảo luận và thông qua 20 báo cáo, 9 nghị quyết thường kỳ
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, kỳ họp thứ mười là kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 của HĐND thành phố để xem xét tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thu, chi ngân sách năm 2022; Kế hoạch năm 2023 và quyết định nhiều nội dung quan trọng khác. Kỳ họp này tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng theo hướng thực chất, hiệu quả, giảm thời gian trình bày các báo cáo, tờ trình, dành thời gian cho hoạt động thảo luận tại tổ và hội trường; dành thời gian 1 ngày cho phiên chất vấn, trả lời chất vấn.
Đây là những hoạt động quan trọng của nghị trường nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm và trí tuệ của đại biểu, đại diện cho cử tri, nhân dân Thủ đô để trao đổi, thảo luận các nội dung quan trọng của kỳ họp, gồm:
Một là, HĐND thành phố sẽ xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thu, chi ngân sách năm 2022 và quyết nghị kế hoạch năm 2023 của thành phố.
Năm 2022, thành phố triển khai các nhiệm vụ trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, song thành phố đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, tạo tiền đề quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. Thành phố dự kiến hoàn thành 22/22 chỉ tiêu năm 2022; tăng trưởng GRDP ước tăng 8,8%, thu ngân sách ước đạt khoảng 333 nghìn tỷ đồng, bằng 106,8% so với dự toán HĐND thành phố giao và tăng 2,7% so với cùng kỳ.
Hai là, HĐND thành phố xem xét, thảo luận và thông qua 20 báo cáo, 9 nghị quyết thường kỳ và 14 nghị quyết chuyên đề, trong đó nhiều nội dung rất quan trọng cần tập trung nghiên cứu, trao đổi, thảo luận như: Kế hoạch tài chính, ngân sách; Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và phân bổ ngân sách; Kế hoạch đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công; việc thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai…
Ba là, về hoạt động giám sát, HĐND thành phố sẽ xem xét các báo cáo của Thường trực HĐND, UBND, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự thành phố theo quy định của Luật. Thường trực HĐND thành phố báo cáo kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri năm 2022; trình HĐND thành phố quyết định tổ chức 2 Đoàn giám sát năm 2023 theo chương trình giám sát của HĐND thành phố. HĐND thành phố thực hiện quyền giám sát trực tiếp đối với UBND thành phố thông qua hoạt động chất vấn, tái chất vấn.
“Với phương châm lan tỏa không khí đổi mới, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tôi trân trọng đề nghị các vị đại biểu HĐND thành phố trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, các đại biểu HĐND theo quy định của Luật, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ để thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng, sâu sắc, góp phần vào sự thành công của kỳ họp”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Tập trung vào 3 khâu đột phá phát triển kinh tế - xã hội
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng năm 2022, thành phố đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, cơ bản và toàn diện trên mọi mặt về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Trong đó, HĐND thành phố, Đảng đoàn HĐND thành phố đã có nhiều đổi mới trong hoạt động, quyết liệt, toàn diện, sâu sát và hiệu quả.
Cùng với đó, HĐND thành phố tổ chức tốt 6 kỳ họp, trong đó có 5 kỳ chuyên đề để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, có tác động sâu rộng như: Chủ trương đầu tư và bố trí vốn cho dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Chương trình mục tiêu đối với 3 lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo và tu bổ các di tích lịch sử; Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, HĐND thành phố đã xem xét những vấn đề phức tạp tồn đọng kéo dài theo thẩm quyền, như: Tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm được triển khai, việc quản lý, sử dụng tài sản công trên địa bàn thành phố và các nội dung quan trọng khác.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn các tồn tại, yếu kém. Trong quá trình chuẩn bị nội dung kỳ họp lần thứ mười của HĐND thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã xem xét, có ý kiến định hướng về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và tiếp tục chọn chủ đề năm 2023 là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.
Tại kỳ họp này, ngoài các nội dung đã được đề cập cụ thể trong các báo cáo, tờ trình của UBND thành phố về phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu, đồng chí Bí thư Thành ủy chia sẻ, gợi mở và nhấn mạnh 5 nhóm nội dung trọng tâm.
“Trong đó, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tập trung vào 3 khâu đột phá. Đặc biệt, phải tiếp tục làm tốt hơn nữa việc huy động các nguồn lực đầu tư cho sự phát triển của thành phố, tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2023. Đồng thời, tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng đúng tiến độ các dự án đầu tư công, đặc biệt là dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được thành phố ký kết giao ước thi đua với các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên để bàn giao 70% diện tích mặt bằng các gói thầu xây lắp trước ngày 30-6-2023, phục vụ khởi công dự án”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
GRDP trong 9 tháng năm 2022 tăng 9,69%
Tại kỳ họp, báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội triển khai thực hiện các nhiệm vụ năm 2022 trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đan xen, nhiều vấn đề mới phát sinh. Tuy nhiên, thành phố đã hoàn thành mục tiêu tổng quát của năm với 22/22 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra (trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch).
Thành phố đã kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các hoạt động kinh tế mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới. Thành phố đã thực hiện hỗ trợ cho hơn 2,6 triệu lượt đối tượng với kinh phí gần 2.660 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho trên 183.000 lao động, vượt 14,3% kế hoạch.
Trong đó, GRDP phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ, quý sau tăng cao hơn quý trước; lũy kế 9 tháng năm 2022, GRDP tăng 9,69% - là mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây (cả nước tăng 8,83%, thành phố Hồ Chí Minh tăng 9,97%) và cả năm 2022 dự kiến tăng 8,89%.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, năm 2023, thành phố tiếp tục chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan hành chính các cấp và thực hiện công khai, minh bạch các thông tin quản lý, điều hành, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung của thành phố. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền gắn với hoàn thiện quy trình, quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, đồng bộ, thống nhất với hệ thống tiêu chuẩn, định mức, đơn giá của từng ngành, từng lĩnh vực.
Báo cáo về hoạt động của HĐND thành phố năm 2022, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho biết, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, từ đầu năm đến nay, HĐND thành phố đã tổ chức 6 kỳ họp, gồm kỳ họp thường lệ giữa năm và 5 kỳ họp chuyên đề. Đồng thời, HĐND thành phố đã ban hành 48 nghị quyết, trong đó có nhiều nghị quyết rất quan trọng về các cơ chế, chính sách, có tác động sâu rộng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội của thành phố và hiệu lực, hiệu quả của chính quyền các cấp.
Năm 2023, HĐND thành phố tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của thành phố. Trong đó, tiếp tục phối hợp, triển khai có hiệu quả các nghị quyết của trung ương, thành phố; tham gia tích cực, trách nhiệm các nội dung, nhiệm vụ quan trọng năm 2023 của thành phố như: Sửa đổi Luật Thủ đô; Lập quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và các chương trình, kế hoạch công tác của Thành ủy.
Cùng với đó là thực hiện hiệu quả Đề án số 15-ĐA/TU, ngày 12-5-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”; đồng thời, tiếp tục cải tiến, đổi mới các hoạt động của kỳ họp, các hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát…
Tập trung giám sát những vấn đề cử tri quan tâm
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã biểu dương những cố gắng, nỗ lực mà thành phố Hà Nội đạt được trong thời gian qua.
Trước tình hình năm 2023 dự báo có nhiều khó khăn, thách thức, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị thành phố tập trung thực hiện tốt 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, năng động, sáng tạo để phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng với vai trò, vị trí và bề dày lịch sử. Tiếp tục giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng; tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế Thủ đô…
Cùng với đó là tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để phát triển Thủ đô; đẩy nhanh công tác quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và thu hút đầu tư. Đồng thời, cụ thể hóa các quan điểm mới về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, hoạch định chiến lược phát triển văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Đặc biệt là tiếp tục đổi mới hoạt động của HĐND thành phố.
“Cần tập trung giám sát những vấn đề quan trọng, những vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm. Tăng cường rà soát, tổng hợp, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, với phương châm đi đến cùng vấn đề được giám sát. Làm tốt công tác tiếp xúc cử tri để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, góp phần nâng cao vai trò, vị trí và hiệu quả hoạt động của HĐND. Mỗi vị đại biểu cần gần dân, sát dân hơn để gặp gỡ, lắng nghe ý kiến cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện tốt vai trò người đại biểu dân cử”, đồng chí Nguyễn Đức Hải yêu cầu.
Tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đã tiếp thu toàn bộ các ý kiến phát biểu chỉ đạo của lãnh đạo Trung ương và thành phố, đồng thời khẳng định sẽ cụ thể hóa vào các chương trình, nghị quyết HĐND thành phố.