Chuyển biến từ nhận thức
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:37, 25/10/2012
Theo tính toán sơ bộ, nếu thực hiện việc điều chỉnh nói trên thì ngân sách Nhà nước sẽ phải dành một khoản tiền lên tới 60.000 tỷ đồng, một con số đáng kể trong điều kiện còn có khó khăn như hiện nay. Tuy thế, cũng có ý kiến cho rằng vẫn nên thực hiện cải cách tiền lương để tiếp tục cải thiện đời sống của nhân dân, có nhiều giải pháp cho việc này, trong đó có việc tiết kiệm - cắt giảm các khoản chi không cần thiết hoặc chưa cần thực hiện ngay.
Ý kiến về giải pháp tiết kiệm được cho là có tính thuyết phục cao, không chỉ vì tạo cơ sở cho việc điều chỉnh tiền lương, mà quan trọng hơn là nhấn mạnh một lần nữa yêu cầu thực hành tiết kiệm, giảm chi tiêu công không cần thiết. Nhắc lại một điều không còn là mới nữa, vào lúc này, không phải là thừa bởi thực tế cho thấy việc thực hành tiết kiệm cần được thực hiện triệt để hơn nữa. Vấn đề không chỉ là phân tích những việc này, việc kia cần phải loại bỏ, mà là tạo chuyển biến trong tư duy tiết kiệm. Như với vấn đề tiền lương, thường được coi là khoản chi trả công lao động. Lý thuyết là lương, thưởng được ấn định theo chất lượng công việc được giao, mức độ hoàn thành nhiệm vụ nhưng trong thực tế vẫn có sự "cào bằng", không hẳn là khoản tiền mà người lao động được hưởng tương xứng với những gì mà họ đã thể hiện. Vẫn còn hiện tượng người thực thi công vụ một cách trách nhiệm, hiệu quả được đánh giá không khác gì người "làm cho có", lười biếng và thiếu trách nhiệm.
Việc xét tăng lương không khác gì "đến hẹn lại lên", miễn sao người lao động không vướng hình thức xử lý kỷ luật ở mức độ nào đó. Biên độ tăng lương không đủ cho việc thực hiện mức tăng phù hợp với nhiều đối tượng, từ người làm tròn trách nhiệm, làm kha khá đến người thực hiện phần việc được giao với hiệu quả khá hơn nữa… Anh làm nhiều, chị làm vừa phải thường có mức tăng khá giống nhau, điều đó không tạo ra lực đẩy trách nhiệm rõ ràng, thiếu sự kích thích lao động và khó tạo không khí cạnh tranh lành mạnh. Hơn nữa, xét về bản chất thì việc trả lương vượt quá đóng góp thực tế của người lao động cũng là một sự lãng phí. Quỹ lương tăng thêm, gánh nặng ngân sách tăng lên trong khi hiệu quả lao động không được cải thiện.
Tư duy tiết kiệm đúng hướng vào hiệu quả, lấy sự thiết thực làm thước đo, cơ sở để quyết định có thực hiện việc này, việc kia hay không. Như với ngành văn hóa, giới hạn trong lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, có nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc về tiết kiệm. Trong vài ba thập kỷ qua, việc xây dựng thiết chế văn hóa được quan tâm nhiều, có nhiều khoản chi nhưng hiệu quả chưa tương xứng với mục tiêu đề ra. Hàng nghìn nhà văn hóa đã được xây mới, hoặc nâng cấp, có xã có tới hai nhà văn hóa, cái cũ chưa khai thác hết đã xây cái mới. Duyệt chi cho những việc đó, nhẽ ra phải bắt đầu từ câu hỏi xây để làm gì, xây rồi thì đưa vào hoạt động thế nào, kế hoạch cụ thể ra sao. Xã nào, thôn nào có kế hoạch khai thác sử dụng rõ tính khả thi mới nên cấp tiền cho xây dựng. Chứ xây rồi bỏ đấy, thảng hoặc mới mở cửa đón… "hội nghị tổng kết" hay tổ chức văn nghệ thì chẳng khác nào lãng phí nguồn lực. Những câu hỏi ấy cũng có thể đặt ra với "phong trào" tổ chức lễ hội, hội diễn, với những dự án xây dựng thư viện, bảo tàng, khảo sát văn hóa không rõ mục tiêu và kế hoạch khai thác sử dụng. Một kỳ cuộc nào đó mà tất cả các bên tham gia đều vui vẻ nhưng lại không đem lại điều có ích, không thiết thực thì tổ chức để làm gì?
Bởi thế, câu hỏi cần hay chưa cần điều chỉnh lương chưa chắc đã quan trọng bằng câu hỏi điều chỉnh thế nào, điều chỉnh ra sao để quyết định ấy đem lại tác động xã hội tích cực thật sự theo đúng nghĩa của từ này.