Vẫn có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn hiện nay

Kinh tế - Ngày đăng : 07:34, 25/10/2012

(HNM) - Nhanh chóng giải phóng hàng tồn kho, kịp thời cấp vốn cho DN và điều chỉnh những chính sách an sinh xã hội cho phù hợp với thực tế là những vấn đề "nóng" được các ĐBQH phân tích tại phiên thảo luận ở tổ sáng 24-10 về việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012.

Dưới góc nhìn của các ĐBQH, 9 tháng vừa qua, mặc dù nền kinh tế nước ta vẫn đạt tốc độ tăng trưởng dương, song khó khăn dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài. Việc tăng cường minh bạch thông tin, siết chặt kỷ cương, đẩy mạnh chống tham nhũng, lãng phí nhằm tạo sự đồng thuận cao trong toàn dân chính là một trong những hướng đi tất yếu nhằm giúp kinh tế đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Cần những biện pháp mạnh tay

Theo báo cáo của Chính phủ, 9 tháng năm 2012, GDP nước ta ước đạt 4,73%, thấp hơn mức tăng 5,77% cùng kỳ năm trước. Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những yếu kém còn tồn tại của nền kinh tế như 5 chỉ tiêu KT-XH nhiều khả năng không đạt kế hoạch; tổng dư nợ tín dụng tăng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra và chênh lệch lớn so với tốc độ tăng huy động vốn; tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng chậm được giải quyết; tình trạng khiếu kiện còn diễn biến phức tạp...

Những ý kiến thảo luận của các ĐBQH cho thấy, còn nhiều vấn đề tồn tại của kinh tế cần sớm khắc phục để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Theo ĐB Nguyễn Minh Quang (đoàn Hà Nội), những khó khăn của nền kinh tế và DN trên thực tế trầm trọng hơn nhiều so với báo cáo của Chính phủ. Tính đến ngày 20-9, tổng số DN đã giải thể, ngừng hoạt động là 40.190 DN, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều DN đang thực hiện dự án rất tốt nhưng do điều tiết vĩ mô không linh hoạt nên đã rơi vào nợ nần. Thực tế này cho thấy, điều hành kinh tế vĩ mô đang có vấn đề và cần có giải pháp mạnh tay nhằm giúp DN tháo gỡ khó khăn, có nguồn vốn lưu động để sản xuất và phát triển sản xuất.

Dưới một góc nhìn khác, ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu ý kiến, mặc dù nền kinh tế đang có vô vàn khó khăn, song nếu khai thác hết tiềm năng về hạ tầng, đầu tư hiện có của nước ta, GDP vẫn có thể đạt 7%. Nhưng trên thực tế, hiệu quả đầu tư của chúng ta rất thấp. Hệ thống cảng biển, khu công nghiệp, nhà máy thép, xi măng… được đầu tư xây dựng tràn lan, hiệu quả sử dụng thấp gây lãng phí lớn. Để tháo gỡ, về ngắn hạn cần gấp rút có giải pháp hỗ trợ thị trường, xử lý hàng tồn kho thông qua việc hỗ trợ quỹ bán hàng Việt, giúp DN giảm giá bán sản phẩm để kích cầu.

Vấn đề nợ xấu, vốn được các chuyên gia coi là  "cục máu đông" của nền kinh tế cũng được ĐB Trần Du Lịch đưa ra hướng giải quyết. Thay vì đóng cửa hoàn toàn với các DN đang có nợ xấu, nên khoanh nợ và tìm hướng lấy nợ nuôi nợ bằng cách cho vay mới để DN có cơ hội duy trì và phát triển sản xuất.

Minh bạch thông tin để đáp lại kỳ vọng của người dân

Bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn và tìm ra hướng đi mới cho nền kinh tế, những vấn đề liên quan tới chính sách an sinh xã hội cho người dân, tạo thêm việc làm cho người lao động cũng được nhiều ĐBQH quan tâm. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, cần thận trọng hơn với những chỉ tiêu mang tính chất định lượng như tạo việc làm mới và tỷ lệ hộ nghèo. Con số 1,6 triệu việc làm mới nên xem xét lại, bởi trên thực tế, tỷ lệ thất nghiệp vẫn khá cao. ĐB Nguyễn Thị Kim Tiến (đoàn TP Hồ Chí Minh), Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, vấn đề người dân quan tâm, bức xúc nhất hiện nay là tình trạng quá tải bệnh viện ở các TP lớn, bởi từ giải phóng đến nay chưa có thêm bệnh viện mới. Bên cạnh đó, mục tiêu tới năm 2020, 80% người dân có bảo hiểm y tế cũng là một trong những thách thức lớn của chúng ta trong những năm tiếp theo.

Phản ánh ý kiến của các cử tri, ĐB Võ Thị Dung (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng cho biết, cử tri đánh giá cao việc xin lỗi và đang kỳ vọng lớn vào việc Chính phủ sẽ làm gì, làm như thế nào để đời sống người dân bớt khó khăn, nhất là với những đối tượng chính sách. Theo ĐB Võ Thị Dung, đây là thời điểm Chính phủ phải tăng cường thông tin minh bạch hơn cho người dân. Nhiệm vụ của Chính phủ là tìm ra hướng đi đúng đắn nhằm phát huy sức mạnh của toàn dân để sớm khôi phục đà tăng trưởng.

Mặc dù kinh tế nước ta đang trong giai đoạn khó khăn, song theo ý kiến của nhiều ĐBQH, vẫn còn nhiều cơ hội để khôi phục đà tăng trưởng. ĐB Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho rằng, khó khăn hiện tại cũng không thể bằng thời kỳ trước đổi mới và trong chiến tranh. Với sự dốc tâm đồng lòng của toàn dân, chúng ta vẫn vượt qua được, bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng kết luận "khó vạn lần dân liệu cũng qua". Đây chính là thời điểm các bộ, ngành, địa phương cần ngồi lại để bàn phương hướng giải quyết, phát huy sức mạnh toàn dân nhằm sớm đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. 

(HNM) - Chiều 24-10, QH thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Dự trữ quốc gia (DTQG). Tiếp thu các ý kiến đóng góp từ kỳ họp trước, theo đánh giá của nhiều đại biểu QH, dự thảo được trình tại kỳ họp này đã ngắn gọn, cô đọng hơn. Theo đó, DTQG được hình thành từ hai nguồn: ngân sách nhà nước do QH quyết định và nguồn lực hợp pháp khác ngoài ngân sách. Hằng năm, Chính phủ trình QH quyết định mức phân bổ ngân sách nhà nước cho DTQG, nhằm thực hiện mục tiêu: "Đáp ứng những yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của Nhà nước".

Đà Đông

Hương Ly