Những nẻo đường tác nghiệp

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:50, 24/10/2012

(HNM) - Nói về nghề báo, không ít người


Nhớ lại hồi đầu năm ngoái, Ban Phóng sự điều tra được Ban Biên tập giao viết loạt bài "Cuộc chiến ma túy dọc quốc lộ 6". Nhận nhiệm vụ, nhóm phóng viên lên đường. Từ Hòa Bình tới Điện Biên có tới 4 "điểm nóng" về buôn bán ma túy, phóng viên đã tiếp cận được 3. Riêng điểm nóng thuộc xã Hang Kia và Pà Cò của huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình thì vô cùng khó khăn. Sau khi làm việc với Công an tỉnh để lấy tư liệu, chúng tôi đề nghị được vào mục sở thị "hang ổ cái chết trắng". Dù rất nhiệt tình với nhóm phóng viên nhưng đồng chí Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy vẫn e ngại: "Sau vụ trùm ma túy Vàng A Khua bị tiêu diệt, an ninh trật tự trong đó vô cùng phức tạp. Nhà báo vào lúc này là rất nguy hiểm. Nếu quyết tâm đi, chúng tôi sẽ lập chuyên án, xin ý kiến của Giám đốc Công an tỉnh thì mới đưa các anh tiếp cận hiện trường". Đợi để xác lập chuyên án nhanh cũng mất tới vài ba ngày, khi vào lại đi cùng lực lượng công an chưa hẳn đã khách quan.


Nhóm phóng viên Báo Hànộimới trên đỉnh Trường Sơn (hầm A Roàng, Thừa ThiênHuế) trong một chuyến công tác xuyên Việt.

Nghĩ vậy, nhóm phóng viên quyết định "độc lập tác chiến", nhắm hướng Hang Kia thẳng tiến. Sương mù dày đặc, đường đèo dốc một bên núi cao, một bên vực sâu, lái xe Lê Đức Lợi cứ bám lái phải mà "bò" từng mét một. Nhiệt độ ngoài trời 9oC mà chả hiểu sao Lợi vã mồ hôi như tắm. Vào gần tới nơi, nhóm chúng tôi chia thành 3 hướng tác nghiệp, điểm hẹn cuối cùng là nhà đồng chí "công an cắm bản". Nghe chúng tôi kể lại, đồng chí công an nhún vai, thán phục: "Các anh quá mạo hiểm và dấn thân vì nghề. Từ quốc lộ 6 vào đây, các anh đi giữa hai làn đạn đấy. Nói để các anh biết, cách đây nửa tháng, xã vận động bà con tự nguyện giao nộp hơn 200 khẩu súng tự chế". Nghe anh công an nói vậy, chúng tôi giật mình, tròn mắt nhìn nhau, đúng là yêu nghề quá, thành thử …"điếc không sợ súng".

Đời làm báo không chỉ đi lại vất vả và nguy hiểm, đôi khi với phóng viên Hànộimới còn là áp lực thời gian. Ví như hôm 12-9-2012, gần 8h tối, phóng viên nhận được tin tại xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức xảy ra vụ tai nạn thương tâm làm 8 em học sinh chết đuối. Yêu cầu của Ban Biên tập là phóng viên chủ động phương tiện vào hiện trường, viết bài đăng vào số báo ngày hôm sau. Chỉ kịp vớ laptop và cái máy ảnh, chúng tôi lập tức lên đường. Vào tới An Mỹ cũng đã gần 10h đêm, hai phóng viên đi theo hai hướng, người gặp gia đình nạn nhân, người gặp nhân chứng sống sót của vụ tai nạn. Quay về trụ sở UBND huyện Mỹ Đức lấy ý kiến chỉ đạo và hướng xử lý của lãnh đạo địa phương xong đồng hồ đã chỉ 12h đêm. Trong khi chưa viết được chữ nào, Tòa soạn liên tục gọi điện hối thúc: "Đất chờ 1.500 chữ, 0h15 đóng trang chuyển nhà in. Viết thế nào thì viết chứ không còn thời gian để chỉnh sửa". Trong vòng 20 phút, hai phóng viên cứ gõ rào rào, mỗi người một đoạn 800 chữ. Vì thuộc giọng văn của nhau nên khi chúng tôi khớp nối trở thành một bài báo hoàn chỉnh và nhanh chóng "đẩy" về tòa soạn. Xuống sân ủy ban huyện lấy xe ra về, anh bảo vệ đã khóa trái cổng ngủ từ lúc nào. Anh không nghĩ có hai phóng viên vẫn ngồi ngoài hành lang phòng họp viết bài để sáng sớm hôm sau Hànộimới là tờ báo đầu tiên có thông tin rất chi tiết về vụ tai nạn thương tâm này.

Săn tin "độc", mệt nhưng sướng

Cuối tháng 8-2011, thông tin về vụ án Lê Văn Luyện cướp tiệm vàng tại, Bắc Giang đăng tải trên Báo Hànộimới điện tử và một vài tờ báo khác khiến dư luận vô cùng căm phẫn. Hàng chục cơ quan báo chí luôn túc trực tại Bắc Giang, theo sát ban chuyên án trong hành trình truy bắt Lê Văn Luyện. Nếu cứ "thúc thủ" đợi bên chuyên án "rót' tin hàng ngày thì cũng sẽ hoàn thành nhiệm vụ, nhưng không có được tin độc. Chiều 31-8, từ nguồn tin riêng có được, phóng viên Hànộimới xin ý kiến Ban Biên tập qua điện thoại rồi bắt xe khách đi thẳng lên Lạng Sơn. Đến cửa khẩu Tân Thanh thì có thông tin tên Luyện đã bị bắt sống tại Đồn biên phòng Na Hình, lúc đó có thêm phóng viên Báo Thanh Niên, Báo Pháp luật TP HCM và Báo Người Lao động đến cùng đưa tin truy bắt tên Luyện ở Lạng Sơn, nên anh em đã hội ý thuê ngay một chiếc taxi để đi sang Na Hình. Xe chúng tôi vừa đỗ xuống Đồn biên phòng cũng là lúc xe của Ban chuyên án ở Bắc Giang vừa lăn bánh vào sân. Sau một vài thủ tục cần thiết, ngay chiều tối hôm đó những hình ảnh đầu tiên về bắt giữ Lê Văn Luyện đã được liên tục cập nhật trên Báo Hànộimới. Là nhà báo đầu tiên được Ban chỉ huy Đồn biên phòng Na Hình cho phép tiếp xúc phỏng vấn tên sát thủ máu lạnh này, phóng viên Hànộimới vẫn nhớ như in cảm xúc không thể kiềm chế được của mình khi vừa cầm máy ảnh để quay video clip vừa hỏi: "Luyện! Sao trông mặt thư sinh mà độc ác thế?". Tên sát thủ một tay bị còng, một tay cầm bút hí hoáy viết lời khai đã sững lại trước câu hỏi, mặt nó đỏ nhừ, cúi gằm, không dám ngẩng lên. Về sau bức ảnh chụp lại khoảnh khắc đó phát trên Báo Hànộimới điện tử và được các đồng nghiệp khác xin lại để đăng.

Cũng trong vòng chưa đầy 30 phút tác nghiệp tại cửa khẩu Na Hình, trên Báo Hànộimới điện tử đã xuất bản hàng chục tin bài liên quan đến diễn biến hành trình truy bắt tên sát thủ máu lạnh này. Chúng tôi làm việc hăng say đến mức quên cả ăn tối. 12h đêm, khi bài vở gửi về nhà đã tạm ổn, lúc này mấy phóng viên mới ngồi lại bên mâm cơm đã nguội mà các anh biên phòng phần từ chiều, mồm nhai trệu trạo vì quá mệt mà vẫn thấy vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ.

Sẵn sàng lên đường

Gần đây nhất chúng tôi có chuyến đi La Pán Tẩn và Bắc Trà My. Đầu giờ chiều thứ sáu ngày 7-9, đồng nghiệp Báo Yên Bái báo tin sập núi ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, làm chết khoảng 20 người. Ngay sau khi xác minh thông tin, lãnh đạo ban yêu cầu lên đường ngay trong ngày để viết bài. Sau khi hội ý nhanh, hai phóng viên Ngọc Hải và Đức Trường quyết định bắt xe khách từ bến xe Mỹ Đình đi Mù Cang Chải ngay trong đêm dù biết vất vả nhưng chỉ như thế mới bắt kịp diễn tiến sự việc.

Chiếc xe khách chạy xuyên đêm trên đường 32. Chúng tôi cố gắng chợp mắt vì biết ngày hôm sau rất nhiều việc. Chẳng hiểu sao cơn ngủ không đến dù đã cố gắng tìm kiếm nó. Tiếng điện thoại, tiếng ngáy, tiếng mưa… liên tục quấy rầy cái đầu đang căng như dây đàn. 3 giờ sáng ngày 8-9 xe đến Mù Cang Chải. Chúng tôi chỉ kịp trao đổi thông tin với mấy đồng nghiệp Báo Yên Bái, rồi nằm chợp mắt vì 6h sáng đã phải có mặt ở Ngã ba Kim để lên La Pán Tẩn.

Sáng ra, chúng tôi ăn vội bữa sáng và vào chợ Ngã ba Kim để mua mấy đôi dép nhựa quai hậu mà người Mông hay dùng để leo núi, theo lời khuyên của Sùng A Hồng phóng viên Báo Yên Bái. Đường vào hiện trường vụ sập núi khó ngoài sức tưởng tượng. Nhưng chúng tôi vẫn vượt qua và nằm trong số ít phóng viên có mặt sớm nhất tại hiện trường.

Hơn hai tuần sau, sáng thứ hai ngày 24-9, Ban Phóng sự nhận được lệnh của Ban Biên tập, yêu cầu cử phóng viên vào ngay huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, nơi vừa xảy ra trận động đất mạnh trưa ngày 23-9 ở khu vực Thủy điện Sông Tranh 2. Sau khi mua vé bay chuyến sớm nhất vào Đà Nẵng, chúng tôi chỉ kịp về nhà khoác ba lô rồi ra sân bay. Từ Đã Nẵng, chúng tôi bắt xe buýt vào Tam Kỳ (Quảng Nam) rồi mượn xe máy của đồng nghiệp Báo Quảng Nam để lên Bắc Trà My. "Con ngựa sắt" của đồng nghiệp đã vượt qua gần 50 cây số đường núi để đưa các phóng viên Hànộimới đến với đồng bào Ca dong, đang ngày đêm hoang mang lo lắng.

Suốt mấy ngày lăn lộn ở xã Trà Đốc, quay về thị trấn Trà My ngược ra Tam Kỳ để làm việc với cơ quan chức năng, rồi lại vượt núi để vào Trà Bui, xã xa nhất của huyện Bắc Trà My đồng thời là tâm chấn của động đất, chúng tôi đã di chuyển hàng trăm cây số, nhiều lúc dưới trời mưa tầm tã, đường trơn trượt…, kết quả là loạt phóng sự về thực trạng ở Bắc Trà My đã thu hút sự quan tâm của độc giả, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến sự cố ở công trình Thủy điện Sông Tranh 2 và vấn đề động đất ở khu vực này. Cứ nghĩ đến điều đó làm chúng tôi lại thấy ấm lòng, quên hết gian nan, mệt nhọc và càng thấy thêm yêu nghề, bởi công việc của mình thực sự có ý nghĩa.

Nhóm PV