Xem xét khả năng tạm “đóng cửa” rừng tự nhiên trên toàn quốc
Đời sống - Ngày đăng : 17:29, 23/10/2012
Chủ trì cuộc họp sáng 23/10 của Ban Chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ - phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đặc biệt nhấn mạnh tới nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên, chấn chỉnh vấn đề khai thác gỗ. Đây cũng là vấn đề được nhiều ý kiến tại cuộc họp đề cập đến.
Báo cáo tổng hợp cho biết, tổng diện tích rừng tự nhiên cả nước khoảng gần 10,3 triệu ha, tổng trữ lượng gỗ là 862 triệu m3. Trong đó, có 4,3 triệu ha rừng tự nhiên sản xuất với trữ lượng 350 triệu m3 gỗ, nhưng diện tích rừng giàu, có trữ lượng gỗ cao trên 250m3/ha chỉ chiếm khoảng 5%, trong khi rừng nghèo, rừng non phục hồi và rừng hỗn giao chiếm tới 80%.
Giai đoạn trước đây, do công tác quản lý lỏng lẻo, hàng loạt các liên hiệp và các lâm trường quốc doanh ra đời, rừng tự nhiên bị khai thác lớn. Sản lượng khai thác bình quân lên đến 1 triệu m3/năm. Từ năm 2000, công tác quản lý khai thác gỗ được siết chặt, phân cấp cụ thể và giảm mạnh số lượng chủ rừng, nên lượng gỗ khai thác chỉ từ 200-300.000 m3/năm. Năm 2012, sản lượng này chỉ đạt khoảng 110.000 m3.
Trước thực trạng đáng báo động đối với diện tích rừng tự nhiên, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước đã thực hiện một loạt các chỉ đạo cần thiết nhằm chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ rừng. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xây dựng một Đề án riêng đưa ra những phương án phù hợp về khai thác gỗ rừng tự nhiện giai đoạn 2013-2020.
Tính toán kỹ phương án "đóng cửa" rừng
Tạm không khai thác gỗ rừng tự nhiên trên phạm vi toàn quốc, hay còn gọi là đóng cửa rừng là một trong những phương án được nhiều ý kiến trong Ban Chỉ đạo nêu ra.
Theo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, đây là vấn đề cần được nhấn mạnh, phân tích kỹ trong Đề án mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình Thủ tướng sắp tới.
Phương án mạnh mẽ này sẽ khắc phục, tiến tới triệt tiêu được tình trạng lợi dụng chỉ tiêu khai thác rừng để hợp thức hoá nguồn gốc gỗ bất hợp pháp, tác động đến môi trường do hoạt động khai thác rừng đang hết sức nhức nhối hiện nay.
Tuy nhiên, Đề án cần tính toán những giải pháp xử lý các hệ quả, nhất là vấn đề tổ chức, nguồn thu của các công ty quản lý rừng, trách nhiệm quản lý rừng, nguồn gỗ tự nhiên hợp pháp trong nước phục vụ nhu cầu sản xuất, đời sống,… Cùng với đó, cần tính toán các chính sách khuyến khích chế biến sử dụng gỗ rừng trồng, công tác nghiên cứu khoa học về nuôi dưỡng, phục hồi rừng tự nhiên.
Đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ, trồng mới rừng
Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng đề cập tới diễn biến phức tạp của các vụ việc vi phạm lâm luật. Riêng 9 tháng đầu năm, cả nước đã phát hiện, xử lý 2.735 vụ phá rừng, gần 11.000 vụ mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép.
Trong khi đó, việc phát triển, nuôi trồng rừng nhìn chung được triển khai chậm, giải ngân vốn thấp so với kế hoạch đề ra.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo cần kiên quyết, tập trung chấn chỉnh công tác bảo vệ, phát triển rừng. Các địa phương sớm xây dựng, tổ chức Ban Chỉ đạo chuyên trách, áp dụng chế độ thống kê, báo cáo thường xuyên, kịp thời, không để tình trạng công tác quản lý, bảo vệ rừng bị coi nhẹ tại nhiều nơi như vừa qua.
Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể về kế hoạch phát triển rừng từng địa phương, cần thiết đề xuất với Thủ tướng có văn bản chỉ đạo riêng, nhất là các địa phương đạt kế hoạch thấp, có nhiều vụ việc nhức nhối trong vấn đề quản lý, bảo vệ rừng.
Đối với các dự án nhà máy thuỷ điện, kiên quyết thực hiện cơ chế trồng rừng bù cho diện tích rừng bị mất do xây dựng dự án. Trường hợp địa phương chưa bố trí được đất thì có thể áp dụng cơ chế thu tiền. Đối với các dự án mới, phương án trồng rừng bù là yếu tố bắt buộc để xem xét, phê duyệt.
Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã cho ý kiến chỉ đạo việc tổng kết Nghị quyết 28 về quản lý nông, lâm trường quốc doanh, xây dựng Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của kiểm lâm giai đoạn đến năm 2020, Kế hoạch trung hạn bảo vệ và phát triển rừng năm 2013-2015 để sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.