Nan giải quản lý đất đai ở Quốc Oai (Hà Nội)
Đời sống - Ngày đăng : 17:13, 23/10/2012
Trong đó có 31 trường hợp lấn đất công; 9 trường hợp chiếm đất công: tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất 17 trường hợp. UBND các cấp đã lập biên bản vi phạm đối với 57 trường hợp, vận động tự tháo dỡ 22 trường hợp, ra quyết định xử phạt hành chính và tổ chức cưỡng chế 43 trường hợp.
Huyện cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các chủ đầu tư rà soát việc thực hiện các thủ tục về đất đai trước khi tiến hành đầu tư xây dựng các công trình công cộng. Qua tổng hợp có 98 công trình đã và đang triển khai thi công nhưng chưa làm thủ tục về đất đai (chủ yếu là các công trình phúc lợi công cộng, như nhà văn hoá thôn, đường giao thông…được xây dựng trên đất công). UBND huyện đã chỉ đạo các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ thu hồi đất, đảm bảo đầy đủ thủ tục theo quy định khi xây dựng các công trình.
Về nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng trên, theo ông Tuấn là do cơ chế chính sách về đất đai có nhiều thay đổi, lại được chi phối tại nhiều văn bản trong thời gian ngắn; các chế tài quy định về trình tự thủ tục, thẩm quyền xử lý vi phạm đất đai chưa có sự thống nhất, chưa rõ trách nhiệm của từng cơ quan đơn vị gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện; công tác lập quy hoạch, kế hoạch nói chung, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nói riêng đang trong thời kỳ triển khai lập, chưa được phê duyệt.
Thị trường bất động sản thời gian qua có nhiều diễn biến phức tạp, sự di chuyển dân cư tập trung về các trung tâm đô thị, cùng với sự phát triển nhanh các dự án bất động sản đồng loạt triển khai, nhất là khi thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-QH Hà Tây hợp nhất về với Hà Nội; áp lực về nhu cầu nhà ở của nhân dân trên địa bàn huyện do quá trình tăng dân số cơ học dẫn đến việc chuyển dịch, chuyển nhượng nhà trái phép, sử dụng đất sai mục đích và lấn chiếm đất đai.
Một số dự án chậm triển khai do tạm dừng để rà soát quy hoạch sau hợp nhất, một số chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính do ảnh hưởng suy thoái kinh tế.
Do tính chất phức tạp đối với công tác quản lý đất đai và lịch sử để lại nhiều năm qua, hồ sơ địa chính bị thất lạc, các địa phương chưa thường xuyên cập nhật củng cố; hồ sơ không chính quy, chưa có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nên khó khăn trong việc xác định nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, cũng như việc lập hồ sơ, xử lý các vi phạm về đất đai.
Về nguyên nhân chủ quan: đó là sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền một số địa phương còn chưa thường xuyên, sâu sát, trách nhiệm hạn chế. Công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm tại cơ sở chưa kịp thời, thiếu kiên quyết, còn có tư tưởng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm, việc đôn đốc thực hiện các quyết định sau thanh tra, kiểm tra còn chưa quyết liệt thường xuyên.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai tuy đã được quan tâm nhưng, chưa được thường xuyên, sâu rộng, hiệu quả; nhận thức của một bộ phận nhân dân về chính sách, pháp luật đất đai còn hạn chế không chủ động làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm cơ sở cho nhà nước, quản lý chặt chẽ về đất đai…
Sự phối kết hợp trong công tác giải quyết vụ việc vi phạm đất đai giữa địa phương, đơn vị và các ngành chức năng của huyện có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, kịp thời rõ trách nhiệm; giải quyết vụ việc không dứt điểm còn để các vụ việc kéo dài tồn đọng nhiều năm.
Công tác lập, hoàn thiện hồ sơ địa chính chưa được quan tâm triển khai đồng bộ, chuẩn hoá; việc cập nhật biến động hồ sơ địa chính còn chưa kịp thời.
Về tổ chức, bộ máy trong những năm qua tuy đã được củng cố, kiện toàn, song còn thiếu về số lượng, trình độ năng lực nghiệp vụ chuyên môn của một bộ phận cán bộ trong lĩnh vực quản lý đất đai nhất là cơ sở còn hạn chế, chất lượng tham mưu chưa cao; công cụ phương tiện phục vụ cho công tác quản lý đất đai chưa đáp ứng với khối lượng công việc cần thực hiện ở cấp xã và cấp huyện.
Các thông tin trên đã được đưa ra trước các nhà báo tại Hội nghị giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy HN tổ chức chiều nay (23/10).