Gắn kết những người con xa xứ
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:52, 23/10/2012
Những ký ức không thể nào quên
Sống cùng vợ trong khu nhà tập thể tại số 70 Hàm Nghi, quận 1, ông Ngô Thế Thái (77 tuổi) vẫn nhớ như in mỗi khi ôn lại quá trình thành lập và phát triển Báo Hànộimới. Đưa tay gỡ cặp kính "nặng độ" đặt xuống bàn, ông Thái kể về hai cột mốc mà ông không bao giờ quên là ngày 24-10-1957, Báo Thủ đô (tức Báo Hànộimới hiện nay), đã xuất bản số đầu tiên, và đến năm 1968, hai tờ báo Thủ đô Hà Nội và Thời mới đã hợp nhất thành Báo Hànộimới.
Bạn đọc Báo Hànộimới tại TP Hồ Chí Minh.
Ông Thái sinh ra tại Hà Nội, tốt nghiệp khóa I Trường ĐH Bách khoa rồi làm công tác khảo sát, thiết kế dự án về mỏ. Là một công chức nên ông có điều kiện để đọc báo hằng ngày và tờ báo Thủ đô những năm ấy được xem như tiêu biểu đại diện cho người Hà Nội. Tờ báo đã đi theo ông từ những số báo đầu tiên nên cũng thật dễ hiểu khi ông nhớ từng cột mốc của tờ báo đến bây giờ. "Thi thoảng đến đây, mỗi ngày chúng tôi sẽ kể cho nhà báo nghe một câu chuyện khác nhau. Tôi có cả một kho chuyện kể về tờ báo Hànộimới đấy. Bây giờ dù tuổi đã cao nhưng hai vợ chồng tôi vẫn luôn coi tờ báo Hànộimới là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày". Ông Thái cười sảng khoái.
Bà Trần Thị Mỹ Thành năm nay đã 65 tuổi (hiện đang sống tại quận Phú Nhuận) cũng là một bạn đọc thân thiết của Báo Hànộimới. Gặp chúng tôi, bà nói rằng tờ báo đã trở thành một phần ký ức của tuổi trẻ tuy gian khổ nhưng vô cùng đẹp đẽ của mình tại Hà Nội. Những ngày đó báo chỉ có 4 trang đen trắng nhưng phản ánh đầy đủ mọi mặt đời sống của Hà Nội những năm đầu hòa bình và xây dựng XHCN. Bà kể tỉ mỉ cho chúng tôi nghe những phong trào thi đua được báo phản ánh kịp thời và sâu sắc như: Mỗi người làm việc bằng hai; Thanh niên "Ba sẵn sàng"; Phụ nữ "Ba đảm đang"; "Sóng Duyên Hải", "Gió Đại Phong"… được báo cổ vũ kịp thời tạo khí thế mới cho người dân trong lao động, sản xuất, sẵn sàng chiến đấu.
"Xa Hà Nội gần 30 năm và cũng chừng ấy năm hầu như tôi không có điều kiện đọc Báo Hànộimới. May mà cách đây vài tháng, Hội đồng hương Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh đã có 3 số báo/ngày. Tuy số lượng quá nhỏ bé so với hàng nghìn hội viên trong hội đồng hương nhưng với anh chị em xa quê chúng tôi, đó là niềm vui không diễn đạt được bằng lời. Các hội viên chuyền tay nhau đọc báo. Tôi thường là bạn đọc cuối cùng của số báo đấy thì cũng phải dành thời gian đọc cho được, bởi tôi còn nặng lòng lắm với tờ báo và sẽ viên mãn hơn khi tuổi già của mình lại được sống lại những ký ức không thể phai mờ". Lời bà Thành nghèn nghẹn.
"Sợi chỉ đỏ" gắn kết đồng hương
Chúng tôi, những người làm Báo Hànộimới tại VPĐD TP Hồ Chí Minh rất ấn tượng với hình ảnh một người phụ nữ Hà thành duyên dáng dù đã đứng tuổi vẫn ngày ngày tới trụ sở lấy báo về cho hội đồng hương. Chị là Phạm Thị Mai Khoa, hiện đang công tác tại Sở GTVT TP. Xa Hà Nội tròn 37 năm, với nỗi khắc khoải quê nhà yêu dấu, chị đã sáng tác cả trăm bài thơ về Hà Nội. Nhà cách xa cả chục cây số nhưng đã thành lệ, cứ vào mỗi buổi sáng chị lại có mặt đều đặn ở cơ quan báo. "Đôi lúc bạn bè còn đùa tôi là phóng viên hay nhân viên phát hành của tờ báo", chị Khoa cười.
Tờ báo từ tay chị Khoa sẽ đến nhà ông Nguyễn Quân Ngọc (ngụ đường Bình Thới, quận 11, hiện là Chủ tịch Hội đồng hương người Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh). Năm nay đã 77 tuổi nhưng có lẽ ông chưa lấy một ngày thảnh thơi, bởi ngoài hoạt động trong hội đồng hương, ông còn tích cực tham gia các hoạt động ở phường và khu phố mình ở. Mọi người nhận xét ông là cánh chim đầu đàn của Hội người Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh.
Hồ hởi mời chúng tôi chén trà Bắc, ông Ngọc tâm đắc: "Thời gian qua tôi theo sát những tin tức về Hội nghị Trung ương 6 và việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Trong đó, tâm đắc nhất vẫn là vấn đề "Tự phê bình và phê bình" theo Nghị quyết Trung ương 4 được đăng tải trên Báo Hànộimới. Đặc biệt trong 4 số liên tiếp (từ ngày 19 đến 22-9 vừa qua), Báo Hànộimới cũng đã đăng tải việc "Tự phê bình và phê bình" của Đảng bộ TP Hà Nội. Mong rằng sau khi lãnh đạo Hà Nội kiểm điểm một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, thành phố sẽ tiến hành triển khai thực tế, nhằm đưa Thủ đô ngày càng phát triển vững mạnh".
Lời ông Ngọc làm chúng tôi chợt nhớ, liên tiếp trong nhiều ngày Báo Hànộimới đăng nhiều tin, bài về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, dù đã có Báo Hànộimới nhưng Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã cử người đến tận văn phòng đại diện của báo lấy thêm báo về để phổ biến cho cán bộ nghiên cứu, học tập. Thế mới biết tầm ảnh hưởng của tờ báo Đảng Thủ đô có tác động như thế nào.
Không chỉ đọc hằng ngày, sự trân trọng với Báo Hànộimới của ông Ngô Lê Dân (ngụ tại quận 3) cũng khiến chúng tôi xúc động. Ông dành phần lớn diện tích trong căn phòng khoảng 50m2 để xếp báo. Trong đó, tờ Hànộimới được ông dành một góc trang trọng khá rộng vừa để làm tư liệu, vừa để cắt dán những bài báo tâm đắc nhất. Đến nay đã 75 tuổi, dù cặp mắt đã nhòe đi theo năm tháng nhưng với ông tờ báo Hànộimới vẫn luôn luôn là người bạn đồng hành và được đặt dài hạn. Đã thành lệ, cứ mỗi buổi sáng, việc đầu tiên ông làm là pha ấm trà nóng và cập nhật hơi thở của Thủ đô bằng tờ báo Hànộimới.
"Mỗi khi đọc báo đều đưa lại cho bản thân tôi một cảm nhận mới về sự thay da đổi thịt hằng ngày của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Có thể nói, tờ báo đã trở thành "sợi chỉ đỏ" gắn kết những người con Hà Nội xa quê. Nhưng tôi cũng góp ý, TP Hồ Chí Minh là thành phố lớn của đất nước nhưng dù muốn đọc vẫn rất khó mà tìm thấy Báo Hànộimới. Mong rằng trong thời gian tới tờ báo sẽ được phát hành rộng rãi hơn, để từ đó, mọi người dân đặc biệt là những người con Hà Nội xa quê nhiều năm và sống trên mọi miền đất nước có thể tiếp cận dễ dàng, bởi chỉ có tờ báo là kênh thông tin duy nhất nối liền giữa họ với quê nhà. Nhân kỷ niệm 55 năm Ngày Hànộimới xuất bản số hằng ngày đầu tiên, mong Báo Hànộimới tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, là vũ khí sắc bén trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, xứng đáng là một trong những tờ báo Đảng hàng đầu của đất nước" - Ông Ngô Lê Dân gửi gắm với chúng tôi khi chia tay.