39 mùa giải thành công

Thể thao - Ngày đăng : 04:36, 23/10/2012

(HNM) - 39 mùa giải đã trôi qua kể từ ngày 6-10-1974, ngày diễn ra vòng chung kết giải chạy Báo Hànộimới lần thứ I. Nay giải đã vươn đến tầm cao mới, trở thành mô hình xã hội hóa thể thao tiêu biểu. Đó cũng là hoạt động xã hội mang tính truyền thống khiến các thế hệ làm Báo Hànộimới luôn tự hào.


Giải chạy Báo Hànộimới có sức lan tỏa lớn, thu hút đông đảo VĐV tham dự. Ảnh: Viết Thành

Tất cả bắt đầu vào một ngày của năm 1974 tại Tòa soạn Báo Hànộimới. Hôm đó, nhà báo Trịnh My, một trong những cây bút thể thao xuất sắc thời đó và cả sau này của làng báo Thủ đô đã đề đạt lên Ban Biên tập Báo Hànộimới, trong đó có Tổng Biên tập Hồng Lĩnh, Phó Tổng Biên tập Dương Linh ý tưởng về một giải chạy gắn với tên Hànộimới. Lúc đó, ngoài bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, phong trào tập và rèn luyện môn chạy dai sức cũng phát triển rộng rãi ở Hà Nội. Từ đó, nhiều phong trào thể thao đã được hình thành như "Sức vai ngàn cân, đôi chân vạn dặm, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" hay chạy "Nối liền Bắc-Nam" (do Tổng cục TDTT và Trung ương Đoàn phối hợp tổ chức). Nhà báo Trịnh My đã báo cáo Ban Biên tập Báo Hànộimới rằng không chỉ bóng đá, bóng bàn mà môn chạy cũng là một đam mê của người Hà Nội. Vì vậy, Hà Nội nên có một giải chạy để thúc đẩy phong trào tập chạy cũng như đáp ứng yêu cầu chính trị, xã hội. Trước đề xuất hợp lý, hợp tình ấy, Ban Biên tập Báo Hànộimới lập tức đồng ý và báo cáo xin ý kiến Ủy ban Hành chính thành phố.

Sau đó giải được Ủy ban Hành chính Hà Nội quyết định tổ chức, giao cho hai đơn vị đóng vai trò chính là Báo Hànộimới và Sở TDTT Hà Nội, lấy tên giải là "Cuộc thi chạy nối liền Bắc - Nam giải Báo Hànộimới". Cuộc thi chạy ấy đã mở màn cho một giải chạy có uy tín, được ghi vào lịch sử của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam. Lịch sử Liên đoàn đã ghi lại": Từ phong trào chạy "Nối liền Bắc - Nam" đã hình thành một số giải thi chạy việt dã mang tính truyền thống bền vững, mà tiêu biểu là Giải Việt dã "Báo Hànộimới". Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày giải phóng Thủ Đô (10-10), Báo Hànộimới cùng ngành thể dục thể thao, Liên hiệp Công đoàn và Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh thành phố phối hợp tổ chức cuộc thi chạy "Nối liền Bắc - Nam". Giải Báo Hànộimới lần thứ I, diễn ra sáng ngày 6-10-1974, tại Quảng trường Nhà hát thành phố…".

Khi đất nước thống nhất, giải có tên là "Giải chạy Báo Hànộimới", thân thuộc với biết bao thế hệ người Hà Nội. Quá trình tổ chức suốt 39 mùa giải qua không ít thăng trầm nhưng Giải chạy Báo Hànộimới vẫn được duy trì vững vàng, tầm vóc ngày càng lớn. Đến nay, giải là hoạt động thể thao không thể thiếu, được nhiều bạn bè quốc tế, các đội tuyển thể thao chú ý. Sau khi Hà Nội được UNESCO công nhận là "Thành phố Vì hòa bình", giải mang tên "Giải chạy Báo Hànộimới - Vì hòa bình" từ năm 2000, thu hút đông đảo bạn bè quốc tế tham gia chạy hưởng ứng, gửi thông điệp hòa bình đến bạn bè trên toàn thế giới.

Sau ngày Hà Nội mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008, quy mô Giải chạy Báo Hànộimới càng được nâng cao. Từ việc mỗi năm chỉ có hơn 100 nghìn người tham gia, đến năm 2012 đã có gần 270 nghìn người dự giải từ cấp cơ sở. Chung kết Giải chạy Báo Hànộimới năm 2012 thu hút tới 1.200 VĐV trong nước, nước ngoài, trong đó có 26 đội tuyển điền kinh các tỉnh, thành, ngành - con số lớn nhất từ trước đến nay. Những điều ấy có được cũng là nhờ thương hiệu "Giải chạy Báo Hànộimới". HLV kỳ cựu Bùi Lương khẳng định: "Giải chạy Báo Hànộimới là nơi để điền kinh Hà Nội phát hiện, rèn luyện nhiều VĐV trong đó có nhiều người đã thành danh".

Giải đạt được tầm vóc như hiện nay là do sự chuyên nghiệp trong khâu tổ chức, sự hỗ trợ của nhiều cơ quan truyền thông, đặc biệt là sự tham gia đóng góp, tài trợ của các doanh nghiệp. Giải chạy Báo Hànộimới đã trở thành mô hình xã hội hóa thể thao tiêu biểu, được nhiều đơn vị, tỉnh thành học tập.

Chính sự thành công trong việc tổ chức Giải chạy Báo Hànộimới đã giúp những người làm báo Hànộimới tự tin tham gia tổ chức một giải thể thao cấp thành phố khác là Giải Bóng bàn tranh Cúp Báo Hànộimới năm 2012. Một lần nữa, uy tín của thương hiệu Hànộimới đã giúp giải gây tiếng vang mạnh mẽ khi thu hút tới 40 đội - con số kỷ lục trong làng bóng bàn Thủ đô và 10 nhà tài trợ. Giải còn được đánh giá cao ở khâu tổ chức chuyên nghiệp, bài bản và con đường phía trước của giải đã mở ra với dáng vóc như Giải chạy Báo Hànộimới hiện nay.

Đó là điều để các thế hệ làm báo Hànộimới tự hào và càng nhận thức rõ trách nhiệm của mình với cộng đồng.

Thùy An