Hội tụ Hànộimới
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:18, 22/10/2012
Cả cuộc đời tôi là những chuyến đi; những cuộc gặp gỡ, trò chuyện; những cuộc đời và những công trình; những nhân cách và những số phận… Điều kỳ diệu, may mắn nhất là ở bất cứ đâu, trong hoàn cảnh nào, tôi cũng gặp được những người tốt, trung thực, vị tha và đau đáu một nỗi niềm làm sao, bao giờ dân ta thoát khổ? Suốt cả cuộc đời may mắn đó, quãng thời gian sung sức nhất, khao khát nhất, tham vọng nhất, được hỗ trợ và tin cậy, yêu thương nhất, có ích nhất là những năm tháng làm phóng viên Hànộimới. Tôi về báo năm 1985, đúng thời gian báo kỷ niệm 28 năm. Và sang năm, khi báo ăn mừng 56 năm ra số đầu tiên, tôi chuẩn bị về hưu sau 28 năm ăn cơm Hànộimới.
Khi tôi về báo, thế hệ lão thành cách mạng, "chín năm trường kỳ" vẫn đang sung sức. Lúc đó tôi không thể ngờ chẳng bao lâu nữa số phận sẽ dành cho thế hệ chúng tôi một vinh dự đặc biệt, một vinh dự lịch sử - tiếp bước thế hệ giữ nước đứng trong hàng ngũ tiên phong bắt đầu một sự nghiệp vĩ đại mới, sự nghiệp đổi mới dựng nước; đồng thời làm cầu nối giữa thế hệ "thà hy sinh tất cả" với tuổi trẻ mở cửa, hội nhập, vươn ra biển lớn. Một buổi chiều năm 1987, chú Quang Cát, từ cơ sở về cơ quan, chưa kịp ráo mồ hôi đã cứ thế về cõi vĩnh hằng, cứ như ở đó có tin gấp, nổi tiếng với tuyên bố "Văn người ta như trời như biển mà dám thò bút vào", khi bọn trẻ chúng tôi viết những bài điều tra đầu tiên, đã cười mà rằng "Bọn tao cả đời quen thổi kèn rồi, đánh trống sao được nữa". Chú Thọ Cao, nổi tiếng với tính cẩn thận, chú đưa chính xác tới tận đơn vị số cá bột vớt được ngoài sông trong mùa nước, nhìn chúng tôi hăm hở chỉ lắc đầu "Điều tra, phóng sự tháng được một bài là đã giỏi lắm"…
Nhóm PV Báo Hànộimới gặp gỡ, trò chuyện với các nhân chứng “Tàu không số” trong dịp kỷ niệm 50 năm mở đường Hồ Chí Minh trên biển.
Ảnh: Duy Quang
Thế hệ lão thành hẳn không thiếu tài năng, khát vọng, mà hoàn cảnh là như vậy và sứ mệnh họ đã hoàn thành. Với tất cả tài năng, kiến thức, phương tiện được trang bị rất nhiều phóng viên trẻ hôm nay đã bỏ qua, đã quên, đã không tiếp nối được bản sắc đặc trưng của các thế hệ nhà báo mở đường - đó là tính nghiêm túc, cẩn trọng, trung thực; kiến thức uyên thâm, sâu rộng, tôn trọng đồng nghiệp, độ lượng với lớp trẻ, nghiêm túc, chính xác trong công việc. Chú Đinh Nho Tứ, Trưởng ban Nội chính, một ông già nguyên tắc nhiều khi cứng nhắc, nhưng nhân hậu, bảo tôi: Nguyên nhân duy nhất để nộp bài không đúng hẹn là nộp cho đúng hẹn! Cô Cẩm Vân (mẹ Trọng Quang, ban Điện tử), làm ở ban Bạn đọc từ lúc vào báo tới khi về hưu. Những khi trò chuyện cô cháu với tôi, cô thường nghẹn ngào chảy nước mắt thương cho những mảnh đời, những éo le cay đắng, những sự thật phũ phàng mà bạn đọc viết gửi cho cô. Cô đau mà bất lực. Đôi khi không cầm bút viết nổi mấy dòng chia sẻ với ai đó…
Nói về viết, báo có hai người rất cẩn trọng, chắt lọc, hóm hỉnh khi dùng chữ và nghĩa.
Chú Yên Thao, trong kháng chiến có bài thơ "Nhà tôi" phổ nhạc có đoạn nổi tiếng "Người bạn pháo binh/ Anh rót cho khéo nhé/ Kẻo lại nhầm nhà tôi/ Nhà tôi ở cuối thôn đồi/ Có giàn thiên lý có người tôi thương". Chú là Trưởng ban Bạn đọc và làm thơ trào phúng. Chú có nhiều bài "nhặt sạn" dán trên bảng thông báo của cơ quan. Năm đó cầu Chương Dương mới khánh thành và Phan Tường, phóng viên ban Nội chính viết thế nào mà khi đăng lại thành cầu Chương Trình. Thế là trên bảng xuất hiện ngay một bài: Chương Dương nhầm với Chương Trình/ Cũng như Thúy Bình nhầm với bà Kê? Dương Linh nhầm với Văn Tê… Chị Thúy Bình và cô Kê cùng ở phòng tài vụ. Cô Kê vui vẻ, sởi lởi, còn chị Bình hay cau có, gắt gỏng; chú Dương Linh là Phó Tổng biên tập, một trí thức uyên bác, nho nhã; ông Tê bộ đội xuất ngũ, ăn to nói lớn, là chân chạy vặt… Được độ một tuần, chú Dương Linh có vẻ bực nói với tôi, này cậu, tôi tưởng mấy cái thứ cớt nhả treo một vài hôm là đủ rồi, sao cứ để mãi thế?..
Bác Phấn Đấu, ban Văn xã, đọc rộng, hiểu sâu, kiến thức uyên bác. Sáng thứ hai họp cơ quan và phần được mong đợi nhất là Nhặt sạn của bác. Bác thường không nêu tên ai, không phê bình, chê bai. Bác nhẹ nhàng, hóm hỉnh chỉ rõ lỗi của chữ, của nghĩa hay của điển tích và đưa ra những phương án thay thế khả thi để mọi người tự suy ngẫm. Nhưng có hai lần bác phá luật. Một lần bác thật sự không hài lòng. Cậu Triều, tôi để ý cậu thường trích dẫn này khác và nói chung là được. Nhưng tại sao cậu có thể trích dẫn "Chiến sĩ ra đi đầu không ngoảnh lại" mà không sợ cái chai tri kỷ của cậu nó xấu hổ à? Bác nói rồi cười. Cả hội trường cùng cười. Lần khác bác nói nhỏ và buồn. Chúng ta ai cũng tự hào về đất nước, dân tộc, nhưng liệu có thể vì vậy mà tự khoác cho mình những vòng hào quang ảo tưởng? Tôi muốn nói đến câu "Thế là từ nay Tổ quốc Việt Nam chúng ta, nước mới một trăm năm trước thôi, còn chưa có tên trên bản đồ thế giới, đã có quyền cùng các cường quốc năm châu tham gia giải quyết những vấn đề quyết định vận mệnh của loài người". Bác bỏ kính, lau mắt, mệt mỏi ngồi xuống. Cả hội trường im lặng. Tôi buốt nhói, cay đắng vì biết bác thật đau lòng cho tôi...
Tôi biết tôi có thể quên tất cả mọi thứ trên đời, nhưng câu thơ nguyên bản "Người một đi đầu không ngoảnh lại" và bài học sống còn với người cầm bút, là trước khi viết gì đó, trích dẫn gì đó, điều quan trọng nhất không phải là lắm chữ, mà phải hiểu rõ, hiểu chính xác ý nghĩa thực sự của những từ, những câu mình viết, thì tôi sống để dạ, chết mang theo.
Tới đầu những năm 90 của thế kỷ trước các bác lần lượt về hưu và cánh trung gian chúng tôi bắt đầu chèo thuyền với người cầm lái mới, Tổng biên tập Hồ Xuân Sơn. Đó là thời kỳ Hànộimới bùng nổ. Về quy mô. Về tài năng. Về khát vọng sáng tạo. Hànộimới Chủ nhật với liên tiếp những loạt bài về ngành điện lực, hàng không; những loạt chuyên đề như Trên vành đai 30, Quê tôi bên dòng sông Tiền, Ma túy toàn cảnh… mang tính đột phá, mở đường và mang về những giải thưởng báo chí quốc gia và Hà Nội; nguyệt san Hà Nội ngày nay đã khai phá phương Nam với lượng in lên tới 14-15 nghìn bản mỗi số, là những thành tựu xuất bản của báo thời kỳ này. Những tên tuổi như Vương Thức, Quang Hòa, Kim Oanh; Thanh Mai (Kinh tế); Xuân Trình (Nông nghiệp); Cẩm Bình (Cuối tuần)… đã đưa Hànộimới lên tầm cao mới.
Trần Chiến vốn đã nổi danh. Tay này lạ, người cao lớn đẫy đà, sách trong bụng cũng có thể tính bồ, mà chữ viết rất tiết kiệm, phải dùng kính lúp mới đọc được; còn nói thì sắp xuân một tiếng, cuối hạ lúng búng một tiếng nữa. Hắn viết cả tiểu thuyết. Một lần đang nhậu ở nhà hắn, hắn khề khà bảo tôi rằng hắn cho văn hắn hơn của tôi nhiều nhưng vợ hắn cứ khăng khăng tôi viết hay hơn. Hắn nói xong cười khà khà, tự cho là hóm. Hắn cười nhưng thù dai, sách hắn in chưa bao giờ cho tôi lấy một cuốn.
Hiện tượng là Lê Tấn Hiển và Nguyễn Ngọc Tiến. Hồi đang làm bên nhà in Hiển thỉnh thoảng nói chuyện thơ văn với tôi. Thế rồi hắn tốt nghiệp tổng hợp văn, xuất bản thơ, truyện ngắn dài, kịch bản phim mọi nhẽ. Lại còn kịp kiếm được cái đai kate đen đỏ gì đó. Thật không hổ danh dòng dõi cụ Lê Văn Hòe, một học giả lớn thế kỷ XX. Mà anh em nhà ấy ai cũng tài hoa. Báo ta có ba người từ gia tộc đó. Họa sĩ nhiều tài Lê Văn Hiệp; con trai là Lê Hoàng Anh; và tất nhiên là Hiển văn chương. Lụi cụi nhất báo là Ngọc Tiến. Tôi không bao giờ hiểu được những gì có thể xảy ra trong đầu Tiến - não hắn như sóng biển, không bao giờ yên. Mở quán cà phê Nhà báo; sưu tầm đủ thứ liên quan tới bao cấp; thỉnh thoảng chớp quả đầu cơ ô tô; in truyện ngắn, tạp văn rồi bực mình vì ai đó quay sang kể chuyện "Hà thành tả pí lù". Chắc hơi bất ngờ với thành công "Đi ngang Hà Nội", hắn cho ra tiếp "Đi dọc …".
Thế hệ tiếp sau cánh "trung gian bắc cầu" chúng tôi bắt đầu sự nghiệp đúng vào thời kỳ bùng nổ. Và họ đã thực sự bùng nổ nhiệt tình, đam mê, trách nhiệm, tài năng tuy khởi đầu của một số người chênh vênh theo may rủi. Điển hình là Lê Huy Anh, Tống Ngọc Thanh, Đoàn Anh Tuấn, những cây viết cứng hiện nay. Cả ba đến với báo như số phận đưa đẩy - qua quen biết thế là vào, Huy Anh vào Văn xã, Ngọc Thanh ban Bạn đọc, Anh Tuấn ban Chủ nhật. Vào rồi cứ thế là chạy, không giấy giới thiệu, không thẻ nhà báo, thậm chí cả không hướng dẫn. Và không biết thứ mình làm có cần, có được đăng… Cứ thế mà cặm cụi làm, không ra thử việc, không ra công nhật, không ra cộng tác viên; không nằm trong quản lý của ban, của báo. Chỉ nhờ tâm huyết, đam mê, khát vọng lao động, lòng yêu nghề tha thiết cùng với năng lực mà họ vượt qua tất cả, được dư luận, đồng nghiệp công nhận, được vào danh sách chính thức của báo. Anh Tuấn may nhất, chỉ sau 9 tháng thực hư hư thực đã được ký hợp đồng tạm thời 6 tháng. Ngọc Thanh vật vờ gần 5 năm. Huy Anh cán đích cuối cùng! Xuân Trường xuôi chèo mát mái nên tới giờ vẫn cười khơ khơ. Nhưng hên nhất có lẽ là Vân Anh. Mới chân ướt chân ráo đã cùng ban nhận giải A quốc gia; mà cũng phải đợi thằng cu đầu lòng oa oa rồi mới nhận… Mới ngày nào những người như họ và những người như Mai Kim Thoa, Lê Hoàng Anh... đã trở thành trụ cột, còn trung gian chúng tôi đã tới vạch cuối cùng!
Mấy năm sau khi vào báo tôi mới biết chú Doãn Chiêm, Phó Tổng biên tập, là cựu tù Côn Đảo. Chú cười hiền lành và gắt yêu đang hòa bình làm ăn thì không lo, nói chuyện Côn Đảo tù tội làm gì. Còn chú Thanh Thủy từng Nam tiến, suốt chín năm chiến đâu ở Cực Nam đất nước. Tôi nhớ, đầu năm 1991-1992 gì đó, nghe tôi mừng chú lên Phó Tổng, chú bảo nên mừng nếu là 10 năm trước…
Năm nay Báo Hànộimới, tròn 55 năm. 55 năm, sáu đời Tổng biên tập. Mỗi người một vẻ nhưng không một ai trong họ "người Hà gốc Hà". Tổng biên tập Hồ Xuân Sơn, đời thứ ba, quê Từ Liêm, Hà Nội, nhưng gốc, theo ông cho biết, thuộc vùng Nghệ Tĩnh. Ông Xuân Trình, đời thứ tư, quê Thanh Miện, Hải Dương. Đương kim Tổng biên tập Tô Quang Phán, đời thứ sáu, người Thanh Hóa. Còn các ông Đinh Nho Khôi, Nguyễn Hồng Lĩnh, Hồ Quang Lợi (đời thứ nhất, hai và năm) chính gốc Nghệ Tĩnh. Hà Nội hội tụ khí thiêng trời đất, hào kiệt bốn phương; Báo Hànộimới là một trong những địa điểm đẹp nhất, thiêng liêng nhất của Thủ đô về lịch sử, văn hóa... Đây không chỉ nơi linh thiêng núi sông đọng lại; đây là nơi kết tinh hào khí, tài hoa người Việt mọi miền.
Từ cuối năm 2008, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Thủ đô Hà Nội chính thức mở rộng địa giới hành chính. Vậy là Báo Hànộimới được tiếp thêm sức mạnh của Báo Hà Tây với bề dày truyền thống hơn 40 năm xây dựng và phát triển. Nói cách khác Báo Hà Tây đã về sống “chung một mái nhà” với Báo Hànộimới. Với họ tôi thấy dễ chịu như với người quê tôi; họ cho tôi cảm giác yên bình, nhẹ nhõm và không xa lạ.
Câu chuyện này không thể khép lại nếu chưa nói tới bốn người tôi rất mến phục của báo. Cụ Trương Uyên, người giữ kỷ lục làm báo liên tục tại tòa soạn nhiều năm nhất. Nhỏ bé, lịch thiệp, luôn luôn mỉm cười và giúp đỡ mọi người, cụ có thể viết ngay bất kỳ một loại tin, bài nào. Nếu không bị bạo bệnh chắc cụ giờ vẫn tươi trẻ ở tòa soạn. Anh Quang Tôn, soát lỗi nhanh, chính xác nên rất ghét những ai viết ẩu. Tự học, cùng với nghệ sĩ Tạ Tấn, anh là một trong bốn tài tử ghita cổ điển danh tiếng nhất Hà thành. Và chú Hùng, bảo vệ; cô Ngọc, thủ quỹ, những con người rất trách nhiệm, trung thực, đáng tin; những người chân chất, thường ở phía sau mà nhân cách như ngọc sáng ngời. Những con người Hànộimới.
27 năm qua tôi làm việc tại đây, với những con người trung hậu, bao dung, tài hoa, chăm chỉ. Với họ tôi thật bình yên; họ dạy cho tôi biết yêu thương và căm giận; biết lao động và sáng tạo; biết tin vào ngày mai… Còn gì may mắn hơn nữa cho một đời người, khi được sống và sáng tạo trong môi trường như vậy. Môi trường hội tụ Hànộimới.