Đánh giá đúng chất lượng cán bộ
Chính trị - Ngày đăng : 06:24, 22/10/2012
Nói cách khác, đánh giá cán bộ chưa căn cứ vào kết quả thực thi nhiệm vụ chính trị ở cơ quan, đơn vị. Đáng lo ngại nhất là tình trạng đánh giá cán bộ mang tính hình thức, chỉ coi trọng ưu điểm, né tránh thiếu sót, khuyết điểm. Thế nên có chuyện, đảng bộ nọ không được xếp loại cơ sở đảng "trong sạch vững mạnh", kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị chỉ ở tầm trung bình khá, nhưng cá nhân bí thư vẫn được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, còn được cấp trên khen thưởng.
Có người cho rằng, do chậm xây dựng, ban hành các quy chế, quy định đánh giá cán bộ bảo đảm chặt chẽ, khách quan, toàn diện, phát huy dân chủ và cụ thể về tiêu chí; do tư tưởng nể nang xuê xoa, nhận xét tốt về người khác để họ đánh giá tốt về mình còn phổ biến.
Vẫn biết, đánh giá cán bộ là một khâu khó nhưng không thể vì khó mà không làm tốt được. Đánh giá đúng thực chất đội ngũ và từng cán bộ lãnh đạo thì lựa chọn, bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, thực hiện chính sách cán bộ mới đúng và ngược lại. Vì thế, cán bộ, đảng viên và người dân rất hoan nghênh quyết định đổi mới công tác đánh giá cán bộ của Thành ủy Hà Nội (một trong những việc khắc phục ngay sau kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4) sắp được thực hiện. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để việc đánh giá cán bộ đúng thực chất thì Trung ương cần sớm ban hành các quy chế, quy định về tiêu chí đánh giá cán bộ, làm cơ sở để các địa phương vận dụng. Ngoài ra, cần thiết phải có quy định chế độ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; quy định việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với các chức danh lãnh đạo và cả quy định để người có khuyết điểm hoặc bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ phấn đấu vươn lên. Đó mới chính là giải pháp đúng và căn bản giúp cho khâu đánh giá cán bộ đi vào thực chất.