Điều trị bệnh... hứa
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:01, 22/10/2012
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Đây cũng là cách xem xét uy tín của các bộ trưởng, nếu họ không thực hiện được lời hứa với cử tri, uy tín đó sẽ bị ảnh hưởng… Cử tri kỳ vọng, với việc Quốc hội giám sát những lời hứa cũng như lấy phiếu tín nhiệm các thành viên Chính phủ, bệnh "hứa suông" sẽ được đẩy lùi; các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ có trách nhiệm hơn với những lời hứa trước nhân dân…
Pháp luật của nước ta hiện nay, chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm thực hiện lời hứa của các vị "công bộc"; chưa có chế tài xử phạt với công chức, những người nắm giữ chức vị quan trọng trong hệ thống cơ quan nhà nước hứa một đằng làm một nẻo hoặc hứa rồi để đấy.
Do vậy, kết quả thực hiện lời hứa sau các cuộc chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội không mang lại hiệu quả như mong muốn, chưa tạo được sự chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội… Tình trạng quan chức hứa nhưng không làm, hoặc làm không đến nơi đến chốn, không chỉ ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước mà còn làm suy giảm uy tín của Đảng và Nhà nước với nhân dân. Do vậy, điều trị bệnh "hứa suông" cũng là vấn đề cấp bách.
Tại hai kỳ họp trước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hứa: Cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, bảo đảm không có ngân hàng yếu kém làm ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế; quản lý chặt chẽ thị trường vàng; tăng cường thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động ngân hàng, kinh doanh ngoại tệ và vàng… Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hứa: Tập trung giải quyết những vụ khiếu kiện về đất đai phức tạp, kéo dài được dư luận xã hội quan tâm, trước hết là các vụ việc về bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp, khu đô thị… Bộ trưởng Bộ Công thương hứa: Khẩn trương rà soát các dự án phát điện; loại bỏ hoặc dừng các dự án không đạt tiêu chí môi trường, chất lượng, hiệu quả; có lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, chống độc quyền, nhất là đối với các sản phẩm điện, xăng dầu, vật tư cho phát triển nông nghiệp…
Rất nhiều vấn đề "nóng", cử tri mong muốn tại kỳ họp Quốc hội này, các vị tư lệnh ngành phải trả lời rõ ràng: Lời hứa từ các kỳ họp trước đã thực hiện đến đâu, kết quả thế nào, lộ trình cho các giải pháp tiếp theo… và cả trách nhiệm cá nhân đối với những việc chưa làm được? Cử tri cũng mong muốn, không dừng lại ở việc các vị bộ trưởng đọc báo cáo về thực hiện lời hứa, Quốc hội cần tạo điều kiện cho đại biểu của nhân dân tái chất vấn để đi đến tận cùng trách nhiệm. Việc giám sát lời hứa cũng cần được thực hiện một cách quyết liệt, nghiêm túc không để tình trạng hứa "rõ to", "rõ kêu" để lấy lòng cử tri, lấy phiếu bầu… nhưng không mang lại hiệu quả thực tế trong đời sống xã hội.
Cán bộ có trọng trách càng cao, trách nhiệm với việc thực hiện lời hứa càng lớn. Để việc thực hiện lời hứa trước nhân dân trở thành nhu cầu tự thân, là một biểu hiện văn hóa của những người làm "công bộc", rất cần xây dựng một quy trình bỏ phiếu tín nhiệm. Theo đó, nếu các vị bộ trưởng, trưởng ngành không thực hiện lời hứa, các cơ quan của Quốc hội, hoặc đại biểu Quốc hội có thể yêu cầu đưa các vị đó ra để Quốc hội xem xét lấy phiếu tín nhiệm. Nếu vị nào tín nhiệm quá thấp, có thể bỏ phiếu bãi nhiệm, miễn nhiệm chức vụ. Điều này là cơ sở để hình thành văn hóa từ chức - một vấn đề đã được dư luận đề cập từ nhiều năm nay…
Tóm lại, căn bệnh "hứa suông" của cán bộ, công chức hiện nay cần được khẩn trương điều trị với những liệu pháp tích cực, đồng bộ. Cử tri hy vọng, với những đổi mới tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII, căn bệnh này sẽ bước đầu thuyên giảm.