Biểu tượng của tình đoàn kết Lâm Đồng - Hà Nội

Chính trị - Ngày đăng : 07:02, 21/10/2012

(HNM) - Ngày 28-10-1987, huyện Lâm Hà được thành lập trên cơ sở lấy vùng kinh tế mới (KTM) của Hà Nội ở Nam Ban, Lán Tranh làm nòng cốt. Sự ra đời của huyện gắn liền với kết quả của sự nghiệp xây dựng các vùng KTM của Thủ đô Hà Nội trên đất Lâm Đồng và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa của đồng bào dân tộc.

25 năm qua, vùng núi rừng hoang sơ ngày nào đã trở thành một vùng kinh tế trù phú. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Văn Tự, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà về những đổi thay của vùng đất đặc biệt này.

Ông Trần Văn Tự, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà.

Kinh tế - xã hội phát triển nhanh, toàn diện

- Xin ông cho biết những nét nổi bật mà Lâm Hà đã đạt được sau 25 năm thành lập và phát triển?

- Huyện Lâm Hà được thành lập trên cơ sở sáp nhập vùng KTM của Hà Nội tại Lâm Đồng với 5 xã của huyện Đức Trọng tách ra. Khi mới thành lập, do địa bàn rộng chia cắt, hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém nên đời sống người dân Lâm Hà gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong 25 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Lâm Đồng và sự giúp đỡ đầy tinh thần trách nhiệm của cán bộ và nhân dân TP Hà Nội, cùng với những nỗ lực của người dân nơi đây đã biến Lâm Hà thành một vùng kinh tế - văn hóa phát triển tương đối nhanh, có chiều sâu trên tất cả mọi lĩnh vực. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hằng năm trên 15%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Công tác xã hội hóa giáo dục, y tế được triển khai mạnh mẽ, mạng lưới trường học được phủ kín, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa đạt hơn 71%; mạng lưới y tế cơ sở đáp ứng ngày càng tốt hơn việc chăm sóc sức khỏe cho bà con nhân dân. Đặc biệt, bà con đồng bào dân tộc thiểu số đã định canh - định cư, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học và phương thức sản xuất mới vào sản xuất, phong tục tập quán lạc hậu từng bước được loại bỏ.

- Sự phát triển kinh tế của Lâm Hà nhờ chuyển dịch cơ cấu phù hợp. Ông có thể nói thêm về điều này?

- Nông nghiệp đang chiếm 62% trong cơ cấu kinh tế nên Lâm Hà chuyển dịch theo hướng phát huy các lợi thế về nông nghiệp và tập trung phát triển công nghiệp. Ba cây trồng chính của Lâm Hà hiện nay là cà phê với 39.775ha, chè 468ha và cây dâu tằm 1.630ha sẽ được tập trung thâm canh đưa năng suất lên. Cùng với đó là xây dựng chương trình rau, hoa công nghệ cao với mục tiêu đến năm 2015 đạt 350ha. Về công nghiệp, huyện đang tập trung thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến cà phê, sản xuất phân bón phục vụ nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp.

- Những ưu thế nào của Lâm Hà có thể hấp dẫn các nhà đầu tư, thưa ông?

- Nếu đầu tư vào chế biến cà phê và sản xuất phân bón thì Lâm Hà có ưu điểm rất lớn là nguồn nguyên liệu đầu vào có sẵn và ổn định. Hiện mỗi năm Lâm Hà thu hoạch được khoảng 120.000 tấn cà phê nhân. Lâm Hà có 60.000ha đất nông nghiệp, đầu vào và đầu ra của sản phẩm phân bón đều có sẵn nên các công ty đầu tư về đây rất thuận lợi.

- Hiện tình hình thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi đang kêu gọi đầu tư nhưng nói thật là rất chậm, vì gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất là trong tình hình suy thoái chung hiện nay, kêu gọi đầu tư rất khó. Khó khăn nữa là hiện đường giao thông, cơ sở hạ tầng của huyện cũng chưa phát triển nhiều. Khu công nghiệp Đinh Văn hiện đã lấp đầy được 70%, còn khu công nghiệp Nam Ban, Tân Hà thì đang đầu tư hạ tầng và kêu gọi các nhà đầu tư.

Quan tâm bằng trách nhiệm cụ thể

- Cái tên Lâm Hà được ghép từ Lâm Đồng - Hà Nội mà những người dân Hà Nội khi vào khai phá, mở mang vùng đất này đã đặt để gắn kết hai vùng quê hương cũ và mới của họ. Xin ông cho biết vài nét về người Hà Nội ở nơi này.

- Lâm Hà hiện có khoảng 143.000 dân, trong đó có khoảng 100.000 người Hà Nội, chiếm khoảng 61%. Người Hà Nội tập trung nhiều ở thị trấn Nam Ban và xã Tân Hà. Bà con Hà Nội chính là những người đi đầu mở mang vùng đất này, đặt nền móng cho sự phát triển của Lâm Hà ngày nay. Các mô hình kinh tế như trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, trồng rau, hoa… với hiệu quả kinh tế cao, trở thành những cây trồng chính của Lâm Hà hiện nay đều do bà con người Hà Nội đưa vào.

- Khi một cộng đồng người Hà Nội chiếm tỷ lệ lớn ở một địa phương thì nếp sống văn hóa của địa phương đó có ảnh hưởng bởi văn hóa của họ không, thưa ông?

- Vì bà con Hà Nội đông, nên nếp sống của họ ảnh hưởng đến cộng đồng xung quanh, dẫn dắt họ. Vậy nên văn hóa chủ đạo của Lâm Hà bây giờ là văn hóa của Hà Nội.

- Trong thời gian qua TP Hà Nội đã đầu tư, xây dựng cho Lâm Hà một số công trình. Hiệu quả của những hỗ trợ này thế nào, thưa ông?

- Ngoài ngân sách của tỉnh Lâm Đồng thì TP Hà Nội và các quận, huyện của Hà Nội cũng đầu tư cho Lâm Hà nhiều công trình rất có hiệu quả. Các trường học, trạm xá, nhà văn hóa của huyện hầu hết là của Hà Nội đầu tư, như Nhà văn hóa Nam Ban, Đông Thanh, Gia Lâm, Mê Linh, Nam Hà. Trạm xá Gia Lâm, Đông Thanh, Phòng khám đa khoa khu vực của Nam Ban và gần như toàn bộ trường học ở Nam Ban… Trước đây, việc giúp đỡ chỉ mang tính chất hỗ trợ, nhưng từ năm 2010, Hà Nội đã có chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội cho huyện Lâm Hà. Theo đó, trong giai đoạn 2011-2015 đầu tư xây dựng cho Lâm Hà 24 công trình với tổng vốn đầu tư 215 tỷ đồng, gồm xây dựng trường học, bệnh viện, bệnh xá và đường giao thông nông thôn. Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trong dịp vào thăm Lâm Hà năm 2010 cũng đã nói, Đảng bộ và chính quyền TP Hà Nội coi Lâm Hà là một huyện xa, huyện thứ 30 của Hà Nội, quan tâm đến Lâm Hà không chỉ bằng tình cảm mà bằng trách nhiệm cụ thể. Chính sự quan tâm cả về vật chất và tinh thần đó khiến người dân Hà Nội ở Lâm Hà rất tự hào và ấm lòng trên quê hương thứ hai của mình.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Thùy Linh