Những mùa khô đi tìm đồng đội

Giới trẻ - Ngày đăng : 05:49, 21/10/2012

(HNM) - Đã gần 30 năm sau chiến tranh vẫn còn bao gia đình đau đáu nỗi đau khi người thân chưa trở về, dù chỉ là chút di cốt. Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, các đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (TKQTHCLS) sau 18 năm thực hiện nhiệm vụ tại Lào và 11 năm tại Campuchia đã cất bốc, quy tập và hồi hương được 30.538 hài cốt liệt sĩ.

Để có sự "trở về" của hàng chục nghìn liệt sĩ là những chuyến cán bộ, chiến sĩ trong các đội quy tập phải vượt núi, băng rừng, dò từng hốc núi, khe suối, là sự đối mặt với rừng thiêng nước độc, bệnh tật, thú dữ….

Để thêm nhiều đồng đội được "đoàn tụ"

Campuchia là vùng đất của các ngôi đền cổ kính thuộc quần thể Angkor, đền Bayon luôn mang dấu ấn của sự trang trọng, hùng vĩ, chiếm vị trí trung tâm trong các kỳ quan thế giới. Nhưng dường như với những người lính trong Đội TKQTHCLS quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia - Đội K73 - Bộ CHQS tỉnh Long An trong suốt thời gian hơn 10 năm thực hiện nhiệm vụ trên đất bạn thì dường như những địa danh du lịch của nước bạn, họ chưa một lần đặt chân đến.

Đón hài cốt các liệt sĩ hy sinh tại Lào về nước.

Đội K73 ra đời năm 2001 tại rốn lũ Đồng Tháp Mười, cách biên giới Campuchia chừng 3km, với nhiệm vụ TKQTHCLS quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất Campuchia tại địa bàn thuộc các tỉnh Svay Rieng, Kandal, Kong Pong Spư, Pray Veng và thủ đô Phnom Penh. Là người có mặt từ ngày đầu thành lập đội để thực hiện nhiệm vụ cao cả, Đại tá Nguyễn Văn Hoàng, Đội trưởng có dáng người thấp đậm, da đen sạm đậm chất "Anh hai Nam bộ" kể về công việc của đội: "Nước da đen sạm ngày hôm nay không phải do cha sinh mẹ đẻ có sẵn mà là "thành quả" của những năm tháng lăn lộn tại nước bạn Campuchia để tìm kiếm hài cốt đồng đội". Đùa là vậy nhưng rồi như được khơi đúng mạch, kỷ niệm về những ngày tháng cùng đồng đội lăn lộn trên đất bạn ùa về…

Mùa khô ở Campuchia thường bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 5, khi đó trời ít mưa, rất thuận tiện cho công tác TKQTHCLS. Thế nhưng mùa khô ở đây ban ngày trời nắng như nung nhưng đêm về lạnh buốt. Cái nắng gay gắt mang hơi nóng hầm hập của trời trưa Siem Piep, Kong Pong Chàm, Svay Rieng… khiến người ta ngại ra đường, thế nhưng mặc cho nắng, gió, mặc cho lưng áo ướt đẫm mồ hôi, các thành viên Đội K73 vẫn lên đường ngay khi nhận được thông tin về mộ liệt sĩ. Địa hình các nơi phải đi rất phức tạp, chủ yếu là rừng, sông, hiểm trở, đất đá khô cứng, gây khó khăn rất nhiều cho công tác của các anh. Một khó khăn khá phổ biến nữa là sơ đồ mộ chí ít, đa số vẽ không chính xác, hài cốt liệt sĩ chôn rải rác, trong điều kiện chiến tranh, trên mọi địa hình, nhiều hài cốt chôn sơ sài, không gói buộc ni lông, chôn lấp trong công sự, lẫn với bom mìn, đạn dược, địa hình nước bạn nay đã khác xưa…

Khó khăn là vậy nhưng hơn 10 năm qua, cán bộ chiến sĩ của Đội K73 đã có mặt tại hàng trăm phum, sóc thuộc các địa bàn nói trên, quy tập được 1.956 bộ hài cốt liệt sĩ, giúp nhiều đồng đội được "đoàn tụ" cùng gia đình. Trung bình mỗi năm, những người lính trong Đội TKQTHCLS ở trên nước bạn chừng 6 tháng. Thâm niên công tác của người ít thì vài ba năm, người lâu có khi tới 17-18 năm. Chuyện những người lính lần đầu tiên đi tìm đồng đội có cảm giác sợ hãi hoặc khi đêm đêm ngủ giữa rừng sâu phải nằm ôm hài cốt kẻo sợ thú rừng tấn công hoặc thác lũ cuốn trôi không còn là chuyện xa lạ…

Đại tá Nguyễn Văn Hoàng tâm sự: "Những năm gần đây, đi tìm hài cốt khó hơn những năm trước bởi những ngôi mộ chôn tập trung đã được cất bốc rồi. Để tìm được mộ anh em phải đào qua, xới lại cả chục lượt, thậm chí là vài chục lượt trên một khu đất nghi ngờ có mộ mới tìm thấy. Lính 73 chúng tôi xác định phải “ăn rừng, ngủ chùa” dài dài, cực nhọc không thành vấn đề, chỉ mong sao ngày càng tìm được nhiều đồng đội…".

… Những kỷ niệm không bao giờ quên

Những chuyến đi dài ngày tại địa bàn 712 bản của tỉnh Xalavan và gần 147 xã của 3 huyện của tỉnh Sê Công trên đất nước Triệu Voi để cất bốc hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Lào là những ngày tháng gian khó nhưng hạnh phúc nhất đối với những người lính trong Đội 192, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế. Đã có 1.200 ngôi mộ của quân tình nguyện Việt Nam được Đội 192 tìm thấy đưa về nước. Thật không thể kể hết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của các anh để tìm được số hài cốt nói trên. Dấu chân cán bộ chiến sĩ trong Đội 192 đã in khắp những bản làng xa xôi, những cánh rừng hẻo lánh, núi non hiểm trở mà có những lần phải đi từ 7 đến 10 ngày mới tìm đến nơi có thông tin về mộ liệt sĩ. Những bất đồng ngôn ngữ hay những trận sốt rét giữa rừng sâu, những lần bị lạc, bị đói trong rừng và sự khắc nghiệt của thời tiết… đã không khuất phục được ý chí của những người lính trong Đội 192.

Trung tá Nguyễn Văn Hải, Đội trưởng Đội 192 vẫn không quên được kỷ niệm của lần đi tìm mộ tại một bản làng của huyện Tà Ổi. Nhận được tin báo của nhân dân Lào, cán bộ chiến sĩ trong đội ngay lập tức lên đường. Đã mất 12 ngày lặn lội tìm đường vào bản và biết bao công sức tìm kiếm nhưng các anh vẫn không tìm được hài cốt như đã thông báo, dù mệt và đói, nguồn lương thực mang theo đã cạn kiệt cả đội phải quay ra. Lần khác, đơn vị lại nhận được thông tin có 20 ngôi mộ của quân tình nguyện Việt Nam là những chiến sĩ bị thương sau một trận đánh được đưa về bản Song Cà Long của tỉnh Xalavan chữa trị, nhưng khi nấu nước để rửa vết thương, khói bếp bay lên địch phát hiện ra và quay lại ném bom, cả lán cứu thương 20 người không còn ai sống sót, anh em lại khăn gói lên đường. Đến nơi, người dân địa phương chỉ vào 5 quả đồi rộng chừng 3ha và bảo mộ nằm ở đó nhưng không chính xác vị trí. Không còn cách nào khác, anh em phải lật tung 5 quả đồi. Tìm đi tìm lại trong suốt một mùa, hai mùa, rồi ba mùa nhưng vẫn không thấy. Dù rất mệt mỏi nhưng nghĩ đến những ánh mắt mỏi mòn của biết bao bà mẹ, người vợ của các liệt sĩ đang mong ngóng thông tin từ quê nhà các anh lại động viên nhau tiếp tục tìm kiếm. Đến mùa khô thứ 4, đó là năm 2007-2008, sau khi đào nát gần 3ha rừng các anh đã tìm được 20 ngôi mộ trong niềm vui và sự thán phục của dân bản và người thân các liệt sĩ. Đến mùa khô năm 2008-2009, Đội 192 lại nhận được tin báo tại một bản thuộc huyện Tà Ổi có 6 ngôi mộ. Khi đó nhân dân trong bản đang mắc dịch tả, người chết mổ trâu, bò để cúng và sau đó lại ăn nên dịch lây lan, bởi vậy chính quyền địa phương và người dân không cho bộ đội vào làng. Vậy là cán bộ của Đội 192 phải xin làm việc, thuyết phục để huyện đồng ý cử cán bộ Trung tâm Y tế huyện xuống bản cùng bộ đội ta tìm cách dập dịch. Sau ba ngày "ba cùng" với nhân dân, bộ đội Việt Nam đã dập được dịch tả, tạo sự tin tưởng cho bà con và nhân dân trong bản đã tận tình giúp bộ đội Việt Nam tìm thấy 6 ngôi mộ đồng đội…

Dù đã nỗ lực tích cực trong công tác TKQTHCLS là quân tình nguyện, chuyên gia của Việt Nam hy sinh tại Lào và Campuchia nhưng theo số liệu của Ban Công tác đặc biệt của Chính phủ, hiện vẫn còn trên 1.000 hài cốt tại Lào và trên 5.000 hài cốt tại Campuchia. Mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là từ nay đến năm 2015 sẽ phấn đấu cơ bản hoàn thành việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại Lào và Campuchia. Để đạt được mục tiêu trên vai trò của những người lính trong các đội TKQTHCLS đóng vai trò quyết định. Dẫu biết rằng, tới đây, việc tìm kiếm sẽ ngày càng khó khăn hơn, bởi nguồn thông tin càng ngày càng cạn dần, địa hình cũng hiểm trở, khó khăn hơn nhưng tin rằng các anh sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bởi những người lính trong các đội TKQTHCLS luôn xác định cuộc tìm kiếm thi hài của một thời chiến tranh không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm mà còn là ân tình sâu nặng của nhân dân cả nước, của dân tộc đối với những người con đã hy sinh vì Tổ quốc.

Nguyên Hoa