Cần thiết nhưng phải đồng bộ
Đời sống - Ngày đăng : 07:19, 20/10/2012
Theo Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, hiện nay hệ thống bến, bãi đỗ xe công cộng, xe khách liên tỉnh ở Hà Nội chưa khớp nối đồng bộ với hệ thống giao thông công cộng chung. Tình trạng quá tải thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đến giao thông đô thị. Trên thực tế, việc các bến xe nằm trong khu vực trung tâm đã gây không ít bức xúc trong dư luận, đặc biệt là tình trạng xe xuất bến đi "rùa bò" đón khách. Thêm vào đó, sự thiếu ý thức của hành khách tại bến hoặc đứng ngồi bắt xe dọc đường cũng làm xấu đi hình ảnh Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Việc đầu tư xây dựng các bến xe ngoài khu vực trung tâm sẽ góp phần giảm tải cho các bến xe nội đô. Ảnh: Khánh Nguyên |
Để giải quyết những vấn đề trên, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã có Văn bản số 2545/TCT-HTVTCC, gửi UBND TP đề nghị cho nghiên cứu 4 dự án bến xe khách liên tỉnh tại các đầu mối giao thông ra vào trung tâm. Sau cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có văn bản số 2905/QHKT-P7 báo cáo UBND TP xem xét, chấp thuận chủ trương giao Tổng Công ty Vận tải Hà Nội nghiên cứu, lập dự án xây dựng 3 bến xe. Đó là bến xe khách Duyên Thái, thuộc địa phận xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, nhằm di dời, giảm tải cho bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm. Bến xe khách Phùng, thuộc địa phận thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng nhằm để di dời, giảm tải cho bến xe Mỹ Đình, bến xe Phùng (cũ). Bến xe khách Cổ Bi được đặt tại xã Cổ Bi, Gia Lâm, giúp di dời, giảm tải cho bến Gia Lâm.
Về quy mô các bến, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, để đáp ứng nhu cầu phục vụ hành khách ngày càng cao, mỗi bến xe liên tỉnh phải rộng từ 8ha đến 10ha, thay vì chỉ 3-5ha theo đề xuất của liên ngành. Vốn đầu tư xây dựng sẽ do Tổng Công ty huy động theo chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng bến bãi, điểm đỗ xe của thành phố. Thời gian thực hiện dự án từ nay đến năm 2016. UBND TP Hà Nội yêu cầu phải hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư trong quý III-2013, triển khai xây dựng trong quý IV-2013. Hết quý III-2013, nếu Tổng Công ty Vận tải Hà Nội chưa hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư dự án, sẽ thu hồi giao đơn vị khác thực hiện và không bồi hoàn kinh phí chuẩn bị đầu tư.
Việc đầu tư, xây dựng bến xe khách mới để di dời những bến xe ở trung tâm ra phía ngoài, tạo sự thông thoáng cho khu vực đầu mối là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh thành phố phát triển, mở rộng, góp phần giảm tải ùn tắc giao thông đô thị. Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẳng định, các bến liên tỉnh hiện nay như Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm đang gây áp lực không nhỏ lên hệ thống giao thông đô thị. Do vậy, việc quy hoạch, giãn các bến xe ra ngoài trung tâm và chuyển đổi chức năng bến xe khách liên tỉnh hiện có làm bãi đỗ xe, bến trung chuyển vận tải hành khách công cộng là cấp thiết. Trên thực tế, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo quy hoạch, di dời các bến xe ra ngoài trung tâm từ nhiều năm trước, nhưng việc chưa được thực hiện. Bến Mỹ Đình hiện cũng có vấn đề khi nằm giữa khu vực đang phát triển đô thị mạnh. Bến xe Nước Ngầm được đầu tư xây dựng quá gần bến Giáp Bát và không có nhiều tác dụng trong việc giảm ùn tắc, lộn xộn giao thông tại khu vực. Trong khi đó, bến xe Yên Nghĩa đầu tư xây mới lại quá đìu hiu.
Bài toán đầu tư, xây dựng, di dời các bến xe ra khỏi trung tâm tưởng như đơn giản, nhưng không dễ dàng, nếu thực sự đặt lợi ích xã hội lên trên. Bên cạnh đó, để các bến xe liên tỉnh phát huy tốt khả năng sau khi xây mới, cần thiết phải có hệ thống hạ tầng, vận tải công cộng đồng bộ, giúp hành khách tiếp cận thuận lợi. Công tác nghiên cứu, đầu tư, vì thế cũng cần bài bản, đồng bộ.