Pakistan: Cơn “sóng ngầm” nguy hiểm

Thế giới - Ngày đăng : 06:54, 19/10/2012

(HNM) - Pakistan cùng lúc đang vướng vào hai cuộc khủng hoảng sâu rộng. Khó khăn về kinh tế cộng với chính trường chưa yên đã và đang khiến chính phủ của Thủ tướng Raja Pervez Ashraf chưa thể tạo ra đột phá trong tương lai gần.

Trước hết về kinh tế, trung tuần tháng 10 này, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã công bố báo cáo cho thấy tình hình kinh tế ở quốc gia Nam Á này đang xấu đi và Pakistan đang đối mặt với nguy cơ lạm phát hai con số do chính phủ in tiền để bù đắp sự thiếu hụt tiền tệ. Trong khi đó, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pakistan trong tài khóa 2012-2013 dự đoán sẽ chỉ đạt 3 đến 3,5%. Một viễn cảnh kinh tế đầy thách thức và theo IMF, Islamabad cần giải quyết khẩn cấp những vấn đề sâu xa trong lĩnh vực năng lượng gồm các khoản trợ cấp tốn kém và phân phối kém hiệu quả; đồng thời phải thúc đẩy tăng trưởng để đáp ứng nhu cầu của người dân nước này...

Khó khăn về kinh tế và cuộc khủng hoảng trên chính trường khiến cuộc sống của người dân Pakistan thêm phần điêu đứng.

Sự xuống dốc của nền kinh tế đáng ra phải được xem là ưu tiên hàng đầu trong chính sách của Islamabad nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay nhưng thực tế lại không được như mong đợi. Cơn "sóng ngầm" trên chính trường Pakistan đã và đang cuốn giới lãnh đạo vào những toan tính mới. Trong một diễn biến liên quan, ngày 15-10, Ủy ban Bầu cử Pakistan (ECP) đã đình chỉ tạm thời tư cách thành viên nghị viện của 154 nghị sĩ vì không công khai tài sản. Theo ECP, trong số các nghị sĩ bị đình chỉ tư cách thành viên có 31 nghị sĩ Hạ viện, 8 nghị sĩ Thượng viện và 115 thành viên của 4 hội đồng tỉnh. Trước đó, cuối tháng 9-2012, Tòa án Tối cao Pakistan đã tuyên bố 11 nghị sĩ không đủ tư cách vì mang hai quốc tịch. Trong số những nghị sĩ này có Bộ trưởng Nội vụ Rehman Malik và bị cấm tham gia các cuộc bầu cử trong vòng 5 năm. Mặc dù ông R. Malik tuyên bố đã từ bỏ quốc tịch Anh, song vẫn không được các thẩm phán của Tòa án Tối cao Pakistan chấp nhận. Cùng thời gian này, Chính phủ Pakistan đã chấp thuận yêu cầu của Tòa án Tối cao nước này về việc mở lại cuộc điều tra cáo buộc tham nhũng nhằm vào Tổng thống Asif Ali Zardari. Trước đó, hồi tháng 8-2012, Tòa án Tối cao đã triệu tập Thủ tướng R.P.Ashraf và đặt thời hạn chót để thủ tướng phải chấp hành lệnh của tòa gửi thư tới nhà chức trách Thụy Sĩ đề nghị mở lại cuộc điều tra Tổng thống Zardari. Thậm chí, Tòa án Tối cao nước này còn cảnh báo ông R.P.Ashraf có thể chịu chung số phận như người tiền nhiệm Yousuf Gilani - người đã bị tòa án phế truất tư cách thủ tướng hồi tháng 6-2012 - do từ chối thực hiện một lệnh tương tự. Đây được xem là "cơn địa chấn" trên chính trường Pakistan khi nổ ra tranh cãi giữa hai cơ quan quyền lực của đất nước. Năm 2008, phía Thụy Sĩ đã đóng các hồ sơ liên quan khi ông A.A.Zardari trở thành Tổng thống Pakistan và một công tố viên Thụy Sĩ cho biết không thể mở hồ sơ chừng nào Tổng thống A.A.Zardari còn tại vị và được hưởng quyền miễn truy tố. Nhưng, Tòa án Tối cao Pakistan vẫn không ngừng thúc giục chính phủ mở lại hồ sơ trên. Vụ việc đã đẩy chính trường nước này lún sâu vào mâu thuẫn.

Và, sự việc vừa diễn ra với cơ quan lập pháp cũng không nằm ngoài những biến cố đó. Dư luận cho rằng, trong bối cảnh Pakistan đang đối mặt với những thách thức an ninh và khó khăn về kinh tế do giá cả và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, thì cơn "sóng ngầm" vừa nổi có nguy cơ đẩy nước này vào một cuộc khủng hoảng mới không mong đợi.

Trung Hiếu