Bầu cử Mỹ 2012: Cuộc đua khó đoán định
Thế giới - Ngày đăng : 06:06, 19/10/2012
Hai bên đã có những tranh cãi gay gắt xung quanh vấn đề thuế, chính sách an ninh quốc gia, việc làm cho người dân Mỹ, năng lượng, nhập cư và kiểm soát súng... Theo nhiều kết quả thăm dò ý kiến được công bố ngay khi cuộc tranh luận kết thúc, Tổng thống đương nhiệm B.Obama đã lật ngược tình thế khi giành chiến thắng trước ứng cử viên M.Romney. Tuy nhiên, đây là một chiến thắng không dễ dàng của ông chủ Nhà Trắng.
Ứng cử viên Tổng thống M.Romney (trái) và Tổng thống B.Obama tại cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai ở Hempstead, New York, ngày 17-10. |
Cuộc tranh luận thứ 2 được cho là hấp dẫn hơn so với sự kiện tương tự ngày 3-10; đồng thời là cuộc đấu trí gay cấn trong bối cảnh cả hai ứng cử viên đang cố gắng giành giật từng lá phiếu của những cử tri còn do dự. Ứng cử viên M.Romney vào "trận" với vị thế người chiến thắng tại cuộc tranh luận đầu tiên (3-10) trong khi cơ hội tái cử của Tổng thống B.Obama sẽ trở nên mong manh hơn nếu không thể đánh bại đối thủ trong "cuộc đối đầu" quyết định này. Và, Tổng thống B.Obama được nhìn nhận là đã hoàn toàn "lột xác" so với lần tranh luận trước với sự chuẩn bị chu đáo hơn cả về mặt tâm thế và nội dung; trả lời rõ ràng và cụ thể trước các câu hỏi của cử tri trực tiếp theo dõi tranh luận tại hội trường cũng như những chất vấn của đối thủ và người điều khiển phiên tranh luận. Những ứng đối quyết liệt với những câu trả lời được đánh giá là sắc sảo đã khiến ông B.Obama giành lại thế cân bằng, sau lần ra mắt đầu tiên mờ nhạt cách đây gần hai tuần. Một thăm dò của kênh truyền hình CBS được công bố ngay sau cuộc tranh luận cho thấy, 37% cử tri theo dõi sự kiện cho rằng Tổng thống B.Obama đã có màn thuyết trình tốt hơn, trong khi tỷ lệ này với ông M.Romney là 30%. Ngoài ra, 56% người trả lời cho rằng tầng lớp trung lưu sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ Tổng thống B.Obama và chỉ 43% đặt lòng tin vào ông M.Romney. Cuộc khẩu chiến cuối cùng sẽ diễn ra ngày 22-10 (giờ Mỹ) ở Boca Raton, Florida và sẽ tập trung vào lĩnh vực đối ngoại của nước Mỹ.
Gần như cùng lúc diễn ra cuộc tranh luận lần 2, cử tri ở 11 bang gồm các bang quan trọng như Iowa và Ohio, tiếp tục thực hiện sớm quyền công dân. Dự kiến có hơn 20 triệu cử tri Mỹ sẽ bỏ phiếu trước ngày bầu cử. Đệ nhất phu nhân Michelle Obama cũng đã bỏ phiếu sớm qua thư vào ngày 16-10. Nhưng, về tổng lượng phiếu ủng hộ sau các chiến dịch vận động bầu cử sớm, Tổng thống B.Obama và ứng viên M.Romney vẫn nhận được số phiếu sát nhau. Theo những kết quả thăm dò ý kiến mới nhất, ông M.Romney đang bắt kịp đương kim Tổng thống tại những bang đóng vai trò quyết định trong cuộc bầu cử năm nay.
Rõ ràng, điểm bất lợi lớn nhất cho ông B.Obama là tình hình kinh tế Mỹ hiện nay. Ngày nhậm chức bốn năm trước đây, Tổng thống B.Obama nhận một gia tài khủng hoảng kinh tế "lớn nhất thế kỷ" từ người tiền nhiệm và đến nay tình hình tiếp tục tồi tệ với mức thâm thủng ngân sách và công nợ ở mức kỷ lục. Trong quý II vừa qua, tăng trưởng kinh tế vẫn chỉ là 1,5%, thất nghiệp ở mức 8,1% và mới giảm xuống 6,5% trong tuần lễ này. Nhưng công bằng mà nói, đương kim Tổng thống B.Obama cũng có nhiều điểm thuận lợi, đó là người dân Mỹ thường khá kiên nhẫn và chấp nhận cho Tổng thống đương nhiệm có thời gian để làm việc, nhất là khi ông B.Obama từng thuyết phục hữu hiệu cử tri rằng ông đã đạt được nhiều tiến bộ trước những khó khăn cực lớn và đang đi đúng hướng.
Như vậy, những gì đang diễn ra hứa hẹn một cuộc đua cam go và sát nút của hai ứng cử viên tổng thống cho đến ngày 6-11 tới, ngày bỏ phiếu bầu cử tổng thống chính thức của nước Mỹ. Các chuyên gia đánh giá dự đoán, kết quả sẽ còn tiếp tục thay đổi và gây nhiều bất ngờ không chỉ cho giới phân tích mà còn với cả nước Mỹ.