Tăng hỗ trợ, tạo cơ hội cho lao động nữ
Đời sống - Ngày đăng : 07:34, 18/10/2012
Biết tin xã tổ chức lớp học may miễn phí, chị Nguyễn Thị Hoa (An Lão, Hải Phòng) rất hào hứng đăng ký. Nhưng học chưa đủ tháng, chị phải nghỉ học vì chồng không ủng hộ. Cùng cảnh, hơn 1.000 lao động nữ của xã Lưu Kiếm (Thủy Nguyên, Hải Phòng) cũng gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận với chương trình dạy và học nghề. Tại đây, đa phần đàn ông đều đi làm ăn xa, chỉ có các chị ở nhà vừa làm ruộng vừa nuôi con nên việc học, làm nghề chỉ được xem là phụ. Theo bà Nguyễn Thị Sen, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lưu Kiếm, năm 2011 có hai lớp dạy nghề thêu ren khai giảng. Dù cán bộ hội phụ nữ phải mất cả tháng vận động chị em đi học nhưng chỉ sau một tuần thì 2/3 số người bỏ lớp.
Bà Sen cho biết, do nhiều nghề không phát huy được sở trường của chị em nên sẵn tâm lý ngại học, họ bỏ lớp là chuyện dễ hiểu. Bên cạnh đó, nghề đào tạo chủ yếu là thêu, cắt may, thủ công mỹ nghệ… rất khó xin việc hoặc xin được việc nhưng lương thấp, như nghề thêu, nếu chăm chỉ làm thì tiền công là 30.000 đồng/ngày.
Theo ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH), trong thời gian tới, vụ sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực cho nhóm phụ nữ ở nông thôn. Đồng thời, tích cực hỗ trợ và đào tạo theo phương thức mới. Trong đó, trọng tâm là hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị cho các đơn vị dạy nghề, giới thiệu việc làm trong cả nước để các trung tâm này mở các lớp dạy nghề gắn với tạo việc làm hằng ngày cho phụ nữ. Ngoài ra, chương trình cũng thay đổi phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận của lao động tránh tình trạng học viên bỏ học giữa chừng, hay phải bỏ nghề vì công việc không phù hợp.
Thực tế, trong bối cảnh Việt Nam là một nước nông nghiệp, phụ nữ nông thôn khá đông đảo, là những lao động trụ cột nhưng hạn chế về trình độ văn hóa. Điều này kìm hãm việc phát huy vai trò và tiềm năng của họ. Vấn đề nâng cao trình độ cho phụ nữ nông thôn có tầm quan trọng đặc biệt, nếu không có sự quan tâm giải quyết tốt thì phụ nữ nông thôn sẽ bị gạt sang lề của sự phát triển kinh tế - xã hội.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa cũng cho rằng, nhu cầu được dạy nghề và kiếm việc làm của phụ nữ Việt Nam hiện nay rất lớn. Việt Nam đã và đang có nhiều chính sách để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế nâng cao năng lực dạy nghề cho phụ nữ. Tuy nhiên, do trình độ học vấn thấp và những khó khăn về kinh tế, hoàn cảnh gia đình… nên hoạt động này chưa đem lại hiệu quả. Do đó, trong thời gian tới Việt Nam sẽ nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về bình đẳng giới, hình thành cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới.