Quẳng được gánh lo

Xã hội - Ngày đăng : 07:32, 17/10/2012

(HNM) - Bên ấm nước chè xanh tại nhà ông Tiến ở làng Thanh Câu (Thạch Thất), câu chuyện về việc cưới văn minh theo tinh thần Chỉ thị số 11-CT/TU của Thành ủy Hà Nội trở nên sôi nổi. Có ý kiến bảo, thời buổi kinh tế thị trường, cứ để thị trường tự điều tiết.

Kinh tế có khá giả, người ta mới cưới to, việc gì mà phải quy định đám cưới không được mời quá 300 người. Nghe vậy, ông Tiến bảo, Chỉ thị 11 đang giúp bà con thoát khỏi "món nợ miệng" tồn tại đã lâu ở vùng nông thôn. Đám cưới mà mời gần hết cả làng, ăn uống linh đình 2-3 ngày, tới mấy trăm mâm cỗ thì vừa khổ gia chủ, vừa khổ cả người được mời. Nông thôn bây giờ có bao nhiêu thứ chuyện phải lo. Hạn chế được việc cưới linh đình, tốn kém sẽ giảm được gánh nặng cho bà con nông dân. Mỗi tháng bị mời dăm bảy đám cưới thì cứ gọi là méo mặt. Chả lẽ có mời mà không đến. Ở nông thôn liệu đã mấy nhà có tiền dư, thóc tích? Mùa màng thì vụ được vụ mất. Thế nên mùa cưới là mùa lo, bà con phải bán thóc, lợn, gà để lấy tiền mừng. Ai cũng biết cưới hỏi mời tràn lan, cỗ bàn linh đình lãng phí là món nợ đồng lần, nhưng không ai dám phá bỏ vì sợ bị chê cười. Chỉ thị 11 vừa ban hành là cơ hội để bà con thực hiện việc cưới văn minh, tiết kiệm, trút được gánh nặng nỗi lo mùa cưới.

Ông Tiến bảo, ngày cưới phải là ngày vui, không nên biến ngày cưới thành ngày trả nợ. Để Chỉ thị 11 đi vào cuộc sống, ngoài việc cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện thì trước mỗi đám cưới, đại diện cấp ủy, chính quyền, hội người cao tuổi, hội phụ nữ, đoàn TN… xã, thôn đến nhà gia chủ vận động thực hiện việc cưới văn minh là ổn. Các gia chủ chỉ cần được lời như vậy dễ bề thực hiện cưới tiết kiệm và có chỗ dựa mà tiến thoái khi người thân, họ hàng thắc mắc.

Tư Văn