Tháo gỡ 3 vấn đề nóng

Kinh tế - Ngày đăng : 07:29, 17/10/2012

(HNM) - Mục tiêu phát triển bền vững đối với các doanh nghiệp (DN) đang bị đe dọa trước một số vướng mắc. Tình hình đó đòi hỏi có thêm những chính sách hỗ trợ DN và sự vào cuộc của các ngành chức năng.

.

Đó là nội dung chính được nêu trong cuộc gặp giữa một số ngành chức năng và DN, do phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 16-10, tại Hà Nội.

Tại cuộc gặp này, các đại biểu đã nêu những vướng mắc về 3 vấn đề "nóng" nhất, gồm thủ tục hành chính, quản lý và sử dụng đất đai, lãi suất vay vốn.

Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, yêu cầu hiện tại là làm sao thiết lập, đề cao được tính minh bạch và liêm chính từ phía các cơ quan công quyền để từ đó có sự nhất quán trong ứng xử, xử lý công vụ hằng ngày trên tinh thần phục vụ xã hội. Quá trình cải cách hành chính dù đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn một khoảng cách để đáp ứng yêu cầu của DN. Đặc biệt, từng cơ quan chức năng cần xác lập lịch trình, danh mục đầu việc cụ thể ứng với từng thời gian trong các năm để hoàn thành theo kế hoạch triển khai cải cách hành chính ở đơn vị mình. Hiện, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cũng gắn liền việc thực hiện cải cách hành chính với sự lồng ghép với kế hoạch phát triển DN giai đoạn 2011-2015, với tinh thần tôn vinh DN như những đối tượng tạo việc làm và nguồn thu cho ngân sách. Ông Khương cho rằng, mục tiêu cao nhất là tạo dựng một nền hành chính lành mạnh và nỗ lực triệt tiêu cơ hội phát sinh tham nhũng, chủ yếu là nạn nhũng nhiễu và chi phí bất hợp pháp, như không ít DN than phiền lâu nay. Đại diện Thanh tra Chính phủ cho rằng, các cơ quan quản lý cần có biện pháp giảm tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, tránh làm phức tạp hóa vấn đề.

Về đất đai, đại diện nhiều DN xác định là nhu cầu bắt buộc, nhưng cũng là một khó khăn lớn với tất thảy các đơn vị. Việc sử dụng đất đai làm mặt bằng SXKD ở DN cũng như công tác quản lý của ngành chức năng còn nhiều vướng mắc, luôn ẩn chứa sự phức tạp và khó giải quyết triệt để. Thực tế này cũng lý giải vì sao có 70% số vụ việc khiếu kiện, tranh chấp dân sự trong các năm gần đây là liên quan đến vấn đề quản lý và sử dụng đất đai. Luật Đất đai hiện hành đang bộc lộ nhiều bất cập cần sửa đổi và dự tính phải đến đầu năm 2014 Luật Đất đai mới được thông qua. Đặc biệt, Luật mới này sẽ quy định cụ thể hơn về việc giao, cho thuê đất với DN, xác định rõ các tiêu chuẩn, điều kiện để DN tiếp cận nguồn tài nguyên đất để đáp ứng thỏa đáng kết hợp phòng tránh khả năng phát sinh sự mất công bằng hoặc tham nhũng liên quan đến đất đai. Đáng lưu ý là, đại diện cơ quan chức năng cũng như DN đều mong muốn Nhà nước có quy định rõ, phù hợp hơn về cơ chế đền bù, giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất, trong đó nhấn mạnh yêu cầu xử lý vấn đề định giá cho phù hợp với diễn biến giá đất trên thị trường. Một số chuyên gia khuyến nghị, cần lưu ý việc cho phép DN tự thỏa thuận giá đền bù, tăng cường sự quản lý từ cơ quan chức năng, tránh nguy cơ dẫn đến sự mâu thuẫn kéo dài, gây khiếu kiện hoặc đối đầu giữa hai bên; từ đó để đất hoang, gây lãng phí về thời gian và tài chính… Vì vậy, xác định khung giá đất sẽ là nội dung rất khó nhưng quan trọng trong Luật cũng như văn bản liên quan

Vấn đề DN khó tiếp cận nguồn vốn vay cũng được nhiều đại biểu nhận xét là "khó khăn". Hiện, tình hình hoạt động của các NH cũng bị đe dọa vì các khoản nợ xấu. Trên thực tế, tỷ suất lợi nhuận tính trên vốn đạt 4,14%, tức là chỉ bằng 1/4 đến 1/3 so với các năm trước. Đại diện NH Nhà nước cho biết, giao dịch vay vốn chỉ xảy ra khi NH có đủ tiềm lực cho vay, đồng thời DN đi vay phải thỏa mãn những yêu cầu bắt buộc từ phía NH để bảo đảm khoản vay đó có khả năng thu hồi nợ. Vì vậy cần xem xét vấn đề từ cả hai phía thông qua các điều kiện "cần và đủ". Thực tế là nếu NH dễ dãi trong cho vay dễ nảy sinh nợ xấu, từ đó gây hệ lụy cho cả hệ thống NH…

Anh Minh