Chỉ là phát hiện những vụ việc đã rồi
Đời sống - Ngày đăng : 07:12, 17/10/2012
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN&PTNT), hàng năm Bộ đều lấy mẫu giám sát với những nông sản chủ lực như thịt, rau, quả, thủy sản. Kết quả cho thấy tỷ lệ rau quả nhiễm thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép là gần 6,5% năm 2009, trên 6,1% năm 2010, gần 4,5% năm 2011. Tỷ lệ thịt gia súc, gia cầm nhiễm vi sinh vượt quá giới hạn cho phép là 29,4% năm 2009, gần 28% năm 2010, 30% năm 2011. Cũng theo ông Tiệp, việc lấy mẫu được thực hiện tại hầu hết các tỉnh, đại diện cho quy mô sản xuất nhỏ lẻ và sản xuất lớn, kích cỡ mẫu đủ lớn (500 đến 900 mẫu rau quả, 400 đến 800 mẫu thịt, 500 đến 700 mẫu thủy hải sản), bảo đảm tin cậy. "Số liệu giám sát ba năm cho thấy không phải thực phẩm nào cũng có nguy cơ gây hại, ví dụ tệ nhất là tỷ lệ thịt gia súc, gia cầm nhiễm vi sinh từ 27 đến 30%, nhưng nếu ăn chín, uống sôi là bảo đảm an toàn. Tỷ lệ tồn dư hóa chất có xu hướng giảm, nhưng tỷ lệ ô nhiễm vi sinh lại không giảm. Bộ NN&PTNN đang cùng các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu tỷ lệ nhiễm vi sinh trong thịt gia súc, gia cầm và thủy hải sản" - Ông Tiệp nói.
Về vấn đề rau quả nhập khẩu còn tồn dư hóa chất khiến nhiều người dân lo lắng trong thời gian qua, ông Nguyễn Như Tiệp cho biết, Cục Bảo vệ thực vật vừa phát hiện 14/58 mẫu nho, cam, quýt, mận, khoai tây có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Đại diện một hệ thống siêu thị lớn có mặt trong cuộc trao đổi cũng thừa nhận người dân rất quan tâm đến việc siêu thị này bán loại "gà dai" giá rẻ, nhưng thực tế là gà đẻ hết trứng nhập khẩu, nên cần phải phân tích trong phòng thí nghiệm xem vấn đề dinh dưỡng thực tế ra sao?
Liên tiếp các sự cố vệ sinh thực phẩm, trong đó có cả những sự cố không có thật, xuất hiện dưới dạng tin đồn gây hoang mang cho người tiêu dùng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, do vậy nên bình tĩnh để đánh giá và xử lý vụ việc. Ví như việc gần đây xuất hiện tin đồn có đỉa trong sữa và bánh snack. "Khi nghe thông tin này, cần đặt các vấn đề đỉa trong sữa nào, ở đâu, tiệt trùng hay chưa… Trên cơ sở tập hợp thông tin, cơ quan chức năng sẽ có thông báo chính thức, nhưng cá nhân tôi cho rằng rất khó có chuyện có đỉa trong sữa" - Ông Tiệp nhận định.
Phó Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho biết thời gian qua, cơ quan này đã có câu trả lời chính thức về chuyện gạo giả, đỉa trong sữa, trong bánh snack… Trả lời câu hỏi vì sao có ấu trùng trong sữa? Ông Phong cho rằng, trong quá trình vận chuyển mà không tuân thủ đủ quy định thì vi sinh vật dễ xâm nhập, thậm chí sinh ấu trùng, nhưng căn cứ vào một sản phẩm có ấu trùng mà kết luận cả hệ thống sản phẩm là không thỏa đáng. Do đó, nên lấy mẫu lưu lại nhà máy, mẫu lưu cùng lô sản phẩm để xác minh mới chính xác.
Theo ông Nguyễn Phú Cường, Vụ phó Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công thương), trước kia có 8 cơ quan liên quan đến vấn đề bảo đảm ATVSTP, thì nay chỉ còn 3 bộ, như vậy là sự chồng chéo đã được giải quyết theo hướng tích cực. Trả lời câu hỏi "hàng tấn nội tạng, thực phẩm thối hỏng vẫn được chở qua biên giới và tiêu thụ tại Việt Nam, trách nhiệm của cơ quan gác cửa biên giới đến đâu?" Ông Nguyễn Phú Cường cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Công an soạn thảo Thông tư hướng dẫn một số điều trong Bộ Luật hình sự để quy định xử lý vấn đề này theo hướng triệt để hơn.
Kết thúc cuộc trao đổi trực tuyến, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Nguyễn Như Tiệp khẳng định, muốn bảo đảm chất lượng thực phẩm phải bảo đảm từ khâu sản xuất, kinh doanh, còn kiểm tra giám sát là phát hiện những vụ việc đã rồi. Thủ tướng đã có chính sách hỗ trợ áp dụng thực hành sản xuất tốt và hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như ISO để bảo đảm an toàn thực phẩm.
Phó Cục trưởng Cục ATVSTP Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong: Sản xuất nhỏ lẻ là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến sản xuất kinh doanh thực phẩm ở Việt Nam khó quản lý. Tại Việt Nam, hiện có tới 9,4 triệu hộ sản xuất thực phẩm, chưa kể hàng trăm ngàn hộ tham gia chế biến thực phẩm. Vì thế, người tiêu dùng nên cố gắng mua thực phẩm, sản phẩm nông sản của những cơ sở đã được chứng nhận bảo đảm ATVSTP. Còn nếu không có điều kiện, sử dụng sản phẩm ở chợ cóc, chợ lẻ thì phải ngâm kỹ, rửa sạch, gọt vỏ quả… vì tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật có thể xử lý bằng rửa trôi và thực hiện tốt ăn chín, uống sôi. |