Cân đối cung cầu, bình ổn thị trường
Kinh tế - Ngày đăng : 06:38, 16/10/2012
Theo đó, Bộ đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu tại địa bàn quản lý; phối hợp với Sở NN&PTNT tạo điều kiện cho DN sản xuất, chế biến, phân phối hàng hóa, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Chỉ thị nêu rõ việc phối hợp và tạo điều kiện cho các DN đẩy mạnh xúc tiến thương mại thị trường nội địa, triển khai việc dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường kết hợp hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Tiếp tục đôn đốc và tạo điều kiện cho DN tham gia chương trình bình ổn mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu đông dân cư, khu công nghiệp, ngoại thành, vùng sâu, vùng xa… nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho đối tượng khó khăn, đối tượng có thu nhập trung bình và thấp. Kết hợp các chương trình bình ổn và chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cung ứng điện, có phương án dự phòng để bảo đảm đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt. Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, có biện pháp kiểm soát hoạt động phân phối, thu mua hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu của thương nhân nước ngoài gây xáo trộn thị trường trong nước. Tăng cường kiểm soát các hành vi vi phạm pháp luật về giá, chất lượng sản phẩm, đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật.
Các tập đoàn, tổng công ty, công ty sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu rà soát, đánh giá cung cầu các mặt hàng, bảo đảm tiến độ sản xuất, nhập khẩu, thực hiện nghiêm túc quy định về dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia để cung ứng đủ, kịp thời nguồn hàng cho thị trường khi cần thiết. Kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào, tiết giảm chi phí để giảm giá thành, giảm áp lực tăng giá hàng hóa; củng cố và phát triển hệ thống phân phối, khơi thông đầu ra cho sản phẩm.