Cơ sở cho những chuyển biến mạnh mẽ

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:56, 16/10/2012

(HNM) - Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI là một sự kiện chính trị đặc biệt, thu hút sự quan tâm theo dõi của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đây là thời cơ duy nhất để Đảng lấy lại niềm tin trong nhân dân và củng cố vị trí lãnh đạo của mình.

Điều đó cho thấy tầm quan trọng của những vấn đề được đưa ra bàn thảo tại hội nghị lần này. Đó là những nhận định về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2012 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2013; đánh giá về việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, khẳng định những kết quả đã đạt được đồng thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại để có biện pháp khắc phục; các vấn đề về quản lý và sử dụng đất đai, giáo dục đào tạo, phát triển khoa học - công nghệ, xây dựng quy hoạch cán bộ…

Đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã dành gần 1/3 thời gian trong 15 ngày diễn ra hội nghị để nghe báo cáo, nghiên cứu, cho ý kiến về kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo Nghị quyết Trung ương 4. Như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đây là đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt quan trọng vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Điều đó cho thấy sự nghiêm túc của Đảng trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được làm nghiêm từ trên xuống dưới, từ những tập thể, cá nhân giữ những vị trí, trọng trách cao nhất trong Đảng. Trên có nghiêm thì dưới mới có gương để tự soi mình, trên có làm thì dưới mới chuyển động. Với tinh thần đó, nội dung kiểm điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã bám sát vào các trọng tâm, yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 4. Các vấn đề nổi cộm, bức xúc đều được đặt ra, phân tích, mổ xẻ và rút ra những bài học sâu sắc. Không khí thảo luận, góp ý, tự phê bình và phê bình dân chủ, thẳng thắn, xây dựng, chân thành. Những khuyết điểm, tồn tại đã được làm rõ như đạo đức, lối sống, năng lực công tác… Điển hình như việc chưa ngăn chặn và khắc phục được tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; việc một số cán bộ cao cấp có lúc, có việc còn biểu hiện chưa gương mẫu, nói không đi đôi với làm, đã làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước; một số trường hợp phân công, đề bạt cán bộ chưa chính xác, chưa được dư luận đồng tình; chỉ đạo tổ chức thực hiện các nghị quyết và kết luận của Trung ương, nhất là về doanh nghiệp nhà nước, còn lúng túng, buông lỏng; kiểm tra, giám sát không chặt chẽ, dẫn đến một số tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước hoạt động kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất lớn; một số hạn chế, khuyết điểm, chưa được làm rõ thực chất, mức độ, địa chỉ cụ thể, ai phải chịu trách nhiệm, như tình trạng chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm…

Có thể thấy, quá trình chuẩn bị, tiến hành và kết quả kiểm điểm nghiêm túc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư chính là động lực mạnh mẽ để Nghị quyết Trung ương 4 được triển khai hiệu quả xuống cơ sở, tạo chuyển biến tích cực từ tập thể tới từng cán bộ, đảng viên, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng. Hoạt động kiểm điểm, tự phê bình và phê bình không chỉ đóng góp vào sự vững mạnh trong sạch chung của từng tổ chức Đảng và toàn Đảng mà còn rất cần thiết đối với bản thân mỗi đảng viên. Đây chính là cơ sở, là tiền đề để từng tổ chức đảng cũng như từng cá nhân đảng viên phát huy những mặt tích cực, khắc phục những hạn chế, yếu kém tồn tại, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động thực tiễn, thể hiện trong từng công việc cụ thể. Có như vậy Đảng ta mới thật sự trong sạch, vững mạnh, được nhân dân tin yêu và ủng hộ; lãnh đạo toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước.

Hoàng Thu Vân