Thông qua 22 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô năm 2023
Chính trị - Ngày đăng : 09:49, 08/12/2022
Nghị quyết thông qua 22 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong đó: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng khoảng 7%; GRDP/người khoảng 150 triệu đồng; vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 6%; kiểm soát chỉ số giá dưới 4,5%.
Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế
Nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng việc giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó, tiếp tục cơ cấu lại kinh tế Thủ đô; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới; nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của kinh tế Thủ đô. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khâu đột phá. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục; kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, các hoạt động khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền số, nâng cao thứ hạng các chỉ số: PCI, PAR Index, PAPI, SIPAS. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đảm bảo quốc phòng, quân sự địa phương và trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục thực hiện chủ đề năm 2023 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.
Nghị quyết cũng đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Cụ thể, thực hiện hiệu quả các chính sách tiền tệ, tín dụng trên địa bàn. Bảo đảm nguồn vốn cho nền kinh tế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng. Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách; phấn đấu vượt dự toán thu ngân sách nhà nước. Phát triển mạnh thị trường trong nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và các chuỗi cung ứng.
Đặc biệt là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Xây dựng và thực hiện Đề án khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Thực hiện hiệu quả các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, chấn chỉnh khâu chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tiếp tục phát triển đồng bộ, bền vững các thị trường chứng khoán, bất động sản, lao động, khoa học và công nghệ.
Xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai
Báo cáo thẩm tra chung về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của HĐND thành phố cho biết, năm 2023 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2021-2025, có tính chất quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Các ban của HĐND thành phố thống nhất chủ đề công tác năm 2023 tiếp tục là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; cơ bản thống nhất với mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã nêu trong báo cáo của UBND thành phố.
Tuy nhiên, các ban của HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố xem xét bổ sung, nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, quyết liệt chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, quản lý tài sản công; kiên quyết thu hồi các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai nhiều năm, vi phạm Luật Đất đai. Đồng thời, khẩn trương rà soát, có phương án xử lý, sử dụng các tài sản công là nhà, đất có sai phạm, chưa sử dụng để phát huy nguồn lực từ các tài sản này. Tập trung đẩy nhanh việc rà soát, lập kế hoạch và di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành.
Hoàn thiện hồ sơ, đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2030, tầm nhìn 2050. Đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, lưu ý quy hoạch xây dựng Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại, giữ được văn hóa nông thôn Bắc Bộ gắn với làng nghề, bảo tồn di tích lịch sử văn hóa; các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh, đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện; xây dựng các quy chế quản lý kiến trúc theo quy định. Triển khai thực hiện có hiệu quả việc phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn, tiếp tục rà soát các lĩnh vực khác còn bất cập, đề xuất phân cấp, ủy quyền cho phù hợp.
Đồng thời, tập trung rà soát, nghiên cứu cơ chế chính sách, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án khu đô thị chậm triển khai, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn, kiên quyết xử lý, thu hồi dự án chậm triển khai, tạo đà cho việc phát triển thị trường bất động sản lành mạnh. Tập trung xử lý dứt điểm việc đầu tư không đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị. Rà soát, đánh giá hiệu quả các loại hình vận tải hành khách công cộng đang vận hành như xe buýt, tuyến buýt nhanh BRT, đường sắt trên cao... để có giải pháp hiệu quả thực hiện đề án chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Rà soát, đánh giá hiệu quả chủ trương lát đá vỉa hè, có giải pháp kịp thời khắc phục các bất cập.
Cùng với đó, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tiếp tục thực hiện tốt hai quy tắc ứng xử; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh… Tiếp tục chủ động trong mọi tình huống, thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác.