Bùng nổ phần mềm miễn phí: Thách thức với nhà mạng?
Xe++ - Ngày đăng : 07:14, 15/10/2012
Vấn đề ở chỗ, khi các phần mềm này được ứng dụng rộng rãi, đã đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông mạng.
Liệu ngành viễn thông có bị ảnh hưởng doanh thu trước sự “bành trướng” của các phần mềm miễn phí? Ảnh: Thanh Hải |
Một ứng dụng nổi tiếng đang được khách hàng dùng các dòng điện thoại smartphone sử dụng hiện nay là phần mềm Viber. Điểm đặc biệt là khách hàng cũng không phải mất công tìm vì phần ứng dụng đã được cài đặt trong các hệ điều hành iOS (cho iPhone), Android, Rim… khách hàng chỉ việc nhấn nút cài đặt. Khi đã download phần mềm này, nó sẽ tự cập nhật danh sách người dùng Viber trong máy điện thoại của khách hàng, kèm hình ảnh thuê bao (nếu có), đồng thời nếu thuê bao nào mới gia nhập Viber, đều có tin nhắn báo lại về máy của khách hàng… Và khi sử dụng phần mềm này (tất nhiên máy điện thoại phải có kết nối 3G hoặc wifi) khách hàng có thể gọi, gửi tin nhắn cho thuê bao khác (cũng là máy smartphone có kết nối 3G, wifi) mà không bị tính cước. Với ưu thế nổi trội như vậy, nên cũng là dễ hiểu khi khách hàng trên toàn cầu đã, đang cập nhật, sử dụng phần mềm này.
Được biết, nhà cung cấp phần mềm Viber (của Israel) đã công bố đạt 90 triệu khách hàng tính đến cuối tháng 7-2012. Cũng theo ước tính của "ông chủ" Viber, phần mềm này đã "cướp" từ các nhà cung cấp dịch vụ di động trên toàn cầu 1,5 tỷ phút gọi và 2 tỷ tin nhắn. Nhà cung cấp này dự kiến đến hết năm 2012 thừa sức vượt 100 triệu người dùng. Không chỉ có Viber, các phần mềm Skype, Whataspp, Tu Me… cũng đang "làm mưa làm gió" được người tiêu dùng tải về cài đặt cho máy tính, điện thoại để được gọi điện, nhắn tin miễn phí. Trong đó, Skype có tới vài trăm triệu khách hàng, tuy nhiên so với Viber dùng cho máy điện thoại di động, phần mềm này được dùng cài đặt cho máy tính và qua internet người dùng có thể gọi điện cho nhau…
Trước sự "bành trướng" của các phần mềm gọi điện, nhắn tin miễn phí, nhiều hãng viễn thông lớn tại các nước phát triển bày tỏ lo ngại về sự sụt giảm doanh số.
Qua các phương tiện truyền thông được biết, tại Mỹ có tới 60% người dùng smartphone và sử dụng phần mềm này; tại các nước phát triển khác, như Anh, Pháp, Nhật Bản lượng người cài đặt các phần mềm gọi điện, nhắn tin miễn phí cũng rất lớn và nhà mạng tại các quốc gia này cũng đang bị ảnh hưởng về doanh thu. Và như vậy, có thể hiểu giữa các nhà cung cấp dịch vụ di động không chỉ cạnh tranh quyết liệt lẫn nhau về thị phần dịch vụ mà còn có một "cuộc chiến" quyết liệt không kém với các phần mềm dùng miễn phí xuất hiện tràn lan trên internet…
Tại Việt Nam, chưa có số liệu về bao nhiêu người dùng Viber, nhưng theo xu hướng chung, lượng người dùng smartphone ngày càng tăng và chủ yếu điện thoại đều có cài đặt Viber. Đại diện một số nhà mạng cũng cho rằng, các phần mềm gọi điện, nhắn tin miễn phí là thách thức sắp tới của DN trong nước, tuy nhiên hiện chưa đáng lo ngại. Vì ngoài yêu cầu cả hai thuê bao liên lạc cho nhau phải sử dụng 3G hoặc wifi mới kết nối Viber thành công, thì còn cần tới yếu tố chất lượng dịch vụ 3G, wifi phải bảo đảm. Hiện, cả 3 nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone đều công bố vùng phủ sóng 3G rộng khắp, nhiều hộ gia đình, các cơ quan, nhà hàng, khách sạn, quán cà phê sử dụng wifi, trong đó không ít nơi và cả một số điểm du lịch cho dùng wifi miễn phí. Nhưng, có thể nói rằng, chất lượng dịch vụ cả 3G lẫn wifi nhiều lúc, nhiều nơi chưa bảo đảm. Mà như vậy, khó có thể thực hiện được kết nối qua Viber thành công. Đó cũng là lý do khiến các nhà mạng tại Việt Nam chưa quá lo ngại cũng là có lý.