Tìm lại ảnh hưởng tại Lục địa đen

Thế giới - Ngày đăng : 07:04, 15/10/2012

(HNM) - Tổng thống Pháp Francois Hollande vừa có chuyến thăm Châu Phi (từ ngày 12 đến 14-10) với điểm dừng chân là Senegal và Congo. Chuyến công du được người đứng đầu Điện Elysée hy vọng sẽ đưa quan hệ giữa đất nước hình lục lăng với Châu Phi bước sang


Đây là dấu hiệu cho thấy, Pháp sẽ có những điều chỉnh đáng kể về chính sách ngoại giao với Lục địa đen trong bối cảnh sự cạnh tranh địa - chính trị tại khu vực này đang ngày càng trở nên khốc liệt giữa các cường quốc.


Tổng thống Pháp F.Hollande và người đồng nhiệm Senegal Macky Sall tại thủ đô Dakar.

Không như những chuyến công du trước đây của các nguyên thủ quốc gia Pháp, Châu Phi thường được nhìn nhận như một xứ thuộc địa cũ. Đơn cử như Tổng thống tiền nhiệm Nicolas Sarkozy, trong bài phát biểu trước hàng nghìn người tại thủ đô Dakar (Senegal) năm 2007, đã đưa ra một tuyên bố gây tranh cãi "người Châu Phi chưa tự viết lên lịch sử của mình một cách đầy đủ, chưa thực sự gửi mình vào tương lai". Đến với Châu Phi lần này, Tổng thống F.Hollande mang tới một thông điệp hoàn toàn khác, đó là: Cùng Châu Phi viết lên một trang sử mới như một đối tác bình đẳng trên cơ sở chính sách "tôn trọng và minh bạch". Ông chủ Điện Elysée khẳng định, mục đích chuyến thăm không phải là để đưa ra một hình mẫu, cũng không phải là đưa ra các bài học về đạo đức, mà coi các nước Châu Phi như những người bạn. Trong trả lời phỏng vấn nhiều hãng truyền thông lớn, Tổng thống F.Hollande không ngần ngại khẳng định: "Chúng ta phải thừa nhận những sai lầm cần phải nhắc lại ở đây, thực dân hóa và trước đó là chế độ buôn bán nô lệ da đen. Trang sử mới, đó là nhìn thấy Châu Phi như một lục địa của tương lai, có nghĩa là những nước có tăng trưởng mạnh".

Trên thực tế, sự hiện diện của người đứng đầu nhà nước Pháp tại Châu Phi khẳng định, Paris không chấp nhận bước lùi trong chiến lược lấy lại ảnh hưởng tại Lục địa đen. Với dân số gần một tỷ người, Châu Phi đang được đánh giá là khu vực đầy tiềm năng phát triển khi chiếm tới gần 40% nguồn tài nguyên khoáng sản thế giới. Những năm gần đây, cùng những mỏ dầu mới được phát hiện, Châu Phi nhanh chóng chiếm một vị trí quan trọng trên bản đồ phân phối năng lượng toàn cầu.

Trong bối cảnh Châu Phi đã lọt vào "tầm ngắm" của nhiều quốc gia từ nhiều năm nay thì sự thờ ơ của Pháp thời gian qua đã khiến nước này có phần chậm chân trong cuộc đua vào khu vực có diện tích hơn 30 triệu kilômét vuông. Nếu như 50 năm trước, quan hệ thương mại Pháp - Châu Phi chiếm 40% thì hiện nay con số này chỉ còn gần 2% - một con số quá khiêm tốn so với những gì các cường quốc khác đang triển khai ở lục địa này.

Với nước Mỹ, Châu Phi là "châu lục tương lai của thế kỷ XXI". Chính vì vậy, ngay sau khi đắc cử tổng thống vào năm 2009, Tổng thống Barack Obama đã có chuyến thăm châu lục này nhằm thúc đẩy kế hoạch tăng cường can dự và mở rộng sự hiện diện của Mỹ ở Châu Phi. Tiếp sau đó là hàng loạt chuyến viếng thăm đều đặn của các quan chức cấp cao khác từ xứ Cờ hoa tới khu vực này. Số liệu kinh tế gần đây cho thấy, Châu Phi hiện cung cấp hơn 15% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Mỹ. Dự đoán, tới năm 2015, lượng dầu nhập từ Châu Phi sẽ chiếm 1/4 tổng lượng dầu nhập, nhiều hơn tổng số dầu mà xứ Cờ hoa nhập từ các quốc gia vùng Vịnh. Đáng chú ý là đầu tháng 8 vừa qua, Washington đã đưa ra chiến lược mới, trong đó coi Châu Phi là một đối tác cần duy trì và mở rộng ảnh hưởng, nhằm bảo đảm các lợi ích của Washington. Trong khi đó, quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Châu Phi cũng không ngừng được Bắc Kinh củng cố. Các khoản đầu tư của Trung Quốc tại Châu Phi đã lên tới 7,8 tỷ USD và hiện có khoảng 1.600 doanh nghiệp Trung Quốc đang hiện diện tại đây. Một cường quốc đáng gờm khác trong cuộc đua tới Lục địa đen là Ấn Độ. Theo kế hoạch, New Delhi cũng dự kiến tăng gấp đôi khoản tín dụng cho Châu Phi, lên đến 5,4 tỷ USD trong 5 năm tới và cấp 500 triệu USD từ ngân sách nhằm thúc đẩy chương trình "hỗ trợ Châu Phi".

Rõ ràng, Paris đã không thể chậm chân hơn nữa khi tốc độ đầu tư của các nước lớn vào Châu Phi liên tục gia tăng chóng mặt. Điều này đúng với câu nói được chú ý của Tổng thống F.Hollande trong bài phát biểu tại Senegal rằng: "Chúng tôi muốn tham gia vào cuộc phiêu lưu lớn của các bạn".

Quỳnh Chi