Mục tiêu lớn nhất là chất lượng
Đời sống - Ngày đăng : 06:10, 15/10/2012
Tư vấn sức khỏe sinh sản cho nam giới tại quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Thái Hiền
- Thưa ông, Chương trình giai đoạn 2012-2015 có những mục tiêu và giải pháp gì đáng chú ý so với các chương trình đã thực hiện?
- Chương trình được xây dựng nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về dân số trong giai đoạn 1 (2011-2015) của Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sự khác biệt đáng chú ý nhất cũng phản ánh những khác biệt cơ bản của Chiến lược DS-SKSS 2011-2020 so với các chiến lược DS-KHHGĐ trước đây. Có hai nội dung rất đáng chú ý. Một là mục tiêu đặt ra trong chương trình này rộng và toàn diện hơn, bao gồm việc giải quyết những vấn đề quan trọng nhất cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số, trong đó tập trung nâng cao chất lượng dân số. Nếu trong các chương trình từ năm 2010 trở về trước tập trung vào mục tiêu giảm sinh, khống chế tốc độ gia tăng quy mô dân số thì chương trình mục tiêu lần này tập trung vào 3 điểm chính: Nâng cao chất lượng dân số về thể chất, khống chế tốc độ tăng nhanh của tỷ số giới tính khi sinh và chủ động duy trì mức sinh thấp hợp lý. Thứ hai là giải pháp huy động nguồn lực tài chính, thể hiện rõ quan điểm tăng cường và mở rộng xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ của Đảng và Nhà nước ta. Bên cạnh việc tăng mức đầu tư từ ngân sách trung ương, trong chương trình mục tiêu Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rõ mức huy động kinh phí từ ngân sách địa phương và các nguồn khác để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu đặt ra.
- Chương trình mục tiêu đã đưa ra những dự án, đề án khả thi nào nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra? Trong đó, dự án, đề án nào được coi là trọng tâm?
- Kết cấu của chương trình bao gồm 3 dự án và 1 đề án: Trong đó, dự án Bảo đảm hậu cần và cung cấp dịch vụ KHHGĐ và dự án Tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh là để giải quyết 3 mục tiêu chính đã đề cập ở trên. Dự án 3, Nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện chương trình nhằm bảo đảm các điều kiện về nền tảng nhận thức, chuyển đổi hành vi, tổ chức thực hiện và quản lý cho toàn bộ chương trình. Còn đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển được thiết kế để giải quyết các nhiệm vụ nói trên trong quan hệ lồng ghép với chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ - trẻ em tại khu vực có tính chiến lược của đất nước trong những năm tới. Toàn bộ chương trình với 4 dự án nêu trên nằm trong một kết cấu tổng thể thống nhất, có quan hệ hữu cơ với nhau, không thể nói là dự án nào là "trọng tâm" hơn dự án khác. Vấn đề là phải triển khai đồng bộ các dự án để bảo đảm đạt được mục tiêu của từng dự án cũng như của cả chương trình.
- Trước những khó khăn về kinh phí, tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân lực, ngành DS-KHHGĐ đã có giải pháp gì để chương trình nói riêng và công tác DS-KHHGĐ nói chung được thực hiện như mục tiêu đã định?
- Đúng là khó khăn về kinh phí và bất cập về tổ chức bộ máy là hai vấn đề lớn trong công tác DS-KHHGĐ nhất là trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, việc bố trí tổng vốn 4.152 tỷ đồng từ ngân sách trung ương cho chương trình trong 4 năm là một cố gắng lớn, đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác DS-KHHGĐ nói chung và thực hiện CTMT DS-KHHGĐ 2012-2015. Là cơ quan được giao quản lý điều hành chương trình, Bộ Y tế, Tổng cục DS-KHHGĐ hết sức quan tâm đến các giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả số vốn được bố trí (phân bổ công khai, định mức rõ ràng, tăng cường kiểm tra giám sát...); đồng thời chủ động, tích cực huy động vốn từ ngân sách địa phương, các tổ chức quốc tế và nước ngoài; có chính sách đẩy mạnh xã hội hóa (mở rộng tiếp thị xã hội và thị trường cung cấp phương tiện và dịch vụ DS-KHHGĐ, nâng dần mức và diện tự chi trả chi phí...) để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu và hoạt động đã xác định. Thực tế năm 2012, do kinh phí chương trình mục tiêu cấp chậm, các địa phương đã chủ động tạm ứng trước kinh phí địa phương, nhiều cán bộ DS-KHHGĐ ở cơ sở chưa nhận được thù lao nhưng các hoạt động vẫn được triển khai, không bị gián đoạn. Về tổ chức bộ máy và cán bộ, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, ngành DS-KHHGĐ đang tích cực xây dựng và triển khai các hoạt động củng cố tổ chức bộ máy, cán bộ thông qua việc đẩy nhanh tiến độ tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ các cấp để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của công việc.
- Sau các chương trình đã thực hiện, ngành DS-KHHGĐ đã có những bài học thành công nào, cũng như rút ra những kinh nghiệm gì để chương trình mục tiêu quốc gia này đạt được hiệu quả?
- Trong việc triển khai các chiến lược và chương trình mục tiêu trước đây, chúng ta đã rút ra được những bài học thành công hết sức quan trọng như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả của các ngành, đoàn thể; thực hiện phân bổ công khai kinh phí, xây dựng định mức rõ ràng, tập trung cho cơ sở; thực hiện thông qua hợp đồng trách nhiệm... Những bài học đó tiếp tục được phát huy, nâng cao hơn cho phù hợp với những thay đổi về chính trị - xã hội - kinh tế của đất nước trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành công tác DS-KHHGĐ nói chung và chương trình nói riêng. Đây là một trong những yếu tố bảo đảm việc thực hiện chương trình đạt được hiệu quả trong thời gian tới.