Sinh động - cách sống, nghĩ, viết một thời

Văn hóa - Ngày đăng : 06:35, 14/10/2012

(HNM) - Ngô Thảo ở trong một ngõ nhỏ của phố


Và đó là cơn cớ, là nơi ra đời nhiều ghi chép, sưu tầm… để sau này cho ra được tập tư liệu "Chuyện đời, chuyện văn một thuở" dựng lại không khí một thời của văn chương áo lính nói riêng và văn nghệ sĩ nói chung. Tác phẩm cũng vừa được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2012.

"Nghe" lại tiếng nói các nhà văn

Trở lại Hà Nội, sau khi tốt nghiệp khoa Văn rồi nhập ngũ, gần 20 năm sau khi Thủ đô được giải phóng, Ngô Thảo "bập" vào nhà số 4 Lý Nam Đế với tâm thế lo lắng vì "mình chỉ là số không nghiêm chỉnh" bên cạnh những nhà văn tên tuổi thời đó. Nhưng, có lẽ cũng chính tâm thế ấy cho ông sự tĩnh tâm chú ý ghi chép, sưu tầm những chuyện đời liên quan đến văn chương, những bài nói chuyện của văn nghệ sĩ, những tranh luận vì học thuật, cho đến nay đọc lại vẫn thấy ngỡ ngàng. Vì sự thẳng thắn ở mức phải thân tình lắm mới nói được, và vì cả tính thời sự còn vẹn nguyên của nó!


Đó là cuộc trò chuyện của Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Hữu Mai… ở Hương Ngải (Thạch Thất, Hà Tây cũ) - nơi sơ tán của Văn nghệ Quân đội. Rồi là tâm tình của Vũ Cao, Xuân Diệu, Nguyễn Duy về lý luận phê bình, về đường lối văn nghệ, về khả năng phản ánh chiều sâu tâm trạng con người trong chiến tranh… Bên cạnh đó là bài nói chuyện của Thủ tướng Phạm Văn Đồng với thanh niên. Rồi của các nhà văn Nguyên Ngọc, Tố Hữu, Hoài Thanh… Đâu đó, trong lúc "nghe" lại bộc bạch của các văn sĩ, gồm cả nhà văn áo lính và những cây bút tên tuổi thường qua lại đây, khó mà không day dứt: "Những năm này, tâm trạng con người Việt Nam phức tạp, phong phú lắm. Vậy mà những gì viết ra cứ nông cạn, nhạt nhẽo, ấy là do ta tự dối nhau, một sự nói dối rất tự nguyện…" (Vũ Cao).

Thúc đẩy công tác làm tư liệu


Ngô Thảo cho rằng trước ông cũng đã có những nhà văn quan tâm đến việc sưu tầm, xử lý tư liệu văn học. Nhưng, nói chung, đây vẫn là lĩnh vực còn ít được quan tâm, nhất là trong vai trò một khâu của quá trình sáng tác, phê bình, nghiên cứu với người cầm bút.


Cái khó mà cũng là điều Ngô Thảo chú trọng là khi chép ra, kể ra nhưng phải "dựng" đúng giọng điệu nhân vật, người nào của riêng người nấy. Đọc lên là thấy sống động, thấy không khí một thời, đủ sức làm rung vang trong lòng người đọc. Không khó để nhận ra, công trình mang rất rõ dấu ấn của người sưu tầm, tập hợp. Có chỗ phải tiết chế, phải lướt qua, phải vắn tắt. Có chỗ phải được nêu ra để ghi nhận đóng góp của người nói… Cái tinh thần xuyên suốt cho việc làm của ông là, "thời nào, ở đâu con người cũng có những cái đẹp và không đẹp, hay và chưa hay, đáng nhớ và đáng quên. Nhưng khi qua rồi, cái tốt đẹp bao giờ cũng đáng nhớ".

Bên cạnh những ghi chép trò chuyện của các nhà văn, nhà quản lý, một phần giá trị khác của tập sách này còn nằm ở "Tư liệu văn học những năm 50 của thế kỷ XX" gồm thư tay, nhật ký, bản viết tay bài giảng của Thâm Tâm, Hoàng Lộc, Nguyễn Đình Lạp. Có lẽ đánh giá cao điều này mà Hội Nhà văn Hà Nội đã quyết định trao giải phê bình cho tập tư liệu, dù sau đó Ngô Thảo có băn khoăn rằng "Sao không tìm người trẻ để trao?".

Trong ngôi nhà ở phố "Hàng" Hà Nội, Ngô Thảo vẫn đang gìn giữ những nhật ký, sổ ghi chép, thư... của các nhà văn một thời. Hầu hết, chủ nhân của họ đã về miền xa thẳm. Nhiều tư liệu phải ép nhựa để bảo quản, trên mỗi trang giấy phủ lớp lớp thời gian ấy là tâm hồn, tư tưởng văn sĩ một thời - cây cầu nối quá khứ với hôm nay. Ông cũng tiếc nuối vì nhiều phần ghi chép lý thú, hay tư liệu quý khác đã thất lạc. Rồi, với một vài nhà văn thân thiết, cứ nghĩ chẳng vội gì, đến khi họ đột ngột ra đi như Xuân Trình, Thu Bồn…, thế là mất tất cả!

Thôi thì, những gì đã còn, mong rằng sẽ đến được với thế hệ hôm nay bằng nhiều cách. Bởi đó là dấu ấn về văn nghệ gắn liền với những cuộc kháng chiến của đất nước. Đó còn là phần di sản tinh thần không thể không nhắc tới của Hà Nội cả trước và sau khi Thủ đô được giải phóng.

Nhà văn Ngô Thảo
Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Sân khấu; Giám đốc NXB Sân khấu;
Cố vấn nghệ thuật Công ty BHD và Hãng phim Việt.
Một số tác phẩm: "Từ cuộc đời chiến sĩ" (phê bình tiểu luận, 1978); "Năm tháng chưa xa" (sổ tay ghi chép của Nguyễn Thi, sưu tầm chỉnh lý, 1985); "Chiến trường sống và viết" (sưu tầm, 1995); "Mây bay về núi" (2007)…
Nhà văn Ngô Thảo và bìa cuốn “Dĩ vãng phía trước”.

Thi Thi