Cách nào hạn chế lao động giúp việc là trẻ em?
Xã hội - Ngày đăng : 08:44, 13/10/2012
Không chỉ vì nghèo
Khảo sát 201 gia đình có trẻ em đã và đang làm giúp việc tại hai tỉnh Vĩnh Phúc và Thanh Hóa và 80 trẻ đang làm giúp việc ở Hà Nội của Viện Gia đình và Giới cho thấy, 78,6% số trẻ đi làm thuê khi gia đình gặp khó khăn, trong đó thiếu tiền (49,3%), có người ốm đau bệnh tật (15,4%), thiếu người lao động và vay nợ (12%), thiếu việc làm (10%), đông con (8%)... có tới 69,8% số gia đình được hỏi nói rằng, quyết định cho con nghỉ học và đi làm khi gặp những khó khăn trong cuộc sống. Kết quả điều tra này cho thấy bố mẹ thường có xu hướng cho con cái đi làm thuê để trợ giúp kinh tế cho gia đình.
Hạn chế tình trạng trẻ em làm giúp việc là trách nhiệm của cả gia đình và cộng đồng xã hội. |
Đi làm thuê vì nghèo là điều không lạ, song kết quả điều tra cũng cho thấy một vấn đề đáng lưu ý: 45,8% gia đình có mức sống trung bình và khá giả cũng cho con đi làm giúp việc. Họ lý giải cho việc bắt con nghỉ học đi kiếm tiền sớm rằng, chưa nhìn thấy tương lai của việc học hành, trong khi lợi ích kinh tế trước mắt thì đã rõ ràng. Cũng còn tồn tại quan niệm đầu tư khác nhau cho việc học hành của con trai và con gái. Trong nhiều gia đình, cha mẹ không muốn cho con gái học lên cao, thậm chí có nhà bắt con gái phải nghỉ học đi làm kiếm tiền cho anh, em trai của mình được học. Theo TS Phạm Thị Huệ (Viện Gia đình và Giới), do quan niệm của cha mẹ về vai trò của con trai và con gái trong gia đình không giống nhau nên cách nuôi dạy của họ đối với con trai và con gái cũng khác nhau.
Cộng đồng ủng hộ
Thái độ của cộng đồng cũng là yếu tố ảnh hưởng đến việc đi làm giúp việc gia đình của trẻ em. Trên thực tế, quan niệm của cộng đồng nơi trẻ ra đi giúp việc gia đình đã và đang thay đổi. 68,2% gia đình được hỏi trả lời là những người trong cộng đồng có thái độ đồng tình với việc con em họ đi làm giúp việc, 22,9% gia đình cho rằng những người trong cộng đồng có thái độ bình thường và chỉ có 6,5% gia đình cho rằng con em họ đi làm giúp việc bị người trong cộng đồng phản đối.
Một người làm môi giới lao động ở Vĩnh Phúc cho biết, ngày trước, người ta có thành kiến khá nặng nề với công việc này, thậm chí họ còn cho là về thành phố giúp việc nhà là để làm những việc không đứng đắn, nhưng giờ không có điều tiếng thế nữa. Có lẽ đây cũng là một lý do mà ở nhiều địa phương, việc trẻ em đi giúp việc đã trở thành "phong trào". Kết quả điều tra cho thấy nguyên nhân "phong trào" và theo bạn theo bè chỉ đứng sau các lý do mang tính kinh tế như muốn giúp đỡ gia đình và thiếu việc làm ở quê.
Bên cạnh việc cho trẻ đi làm sớm là vi phạm quyền trẻ em thì việc trẻ làm thuê giúp việc gia đình cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy như có thể bị ngược đãi, xâm hại, đánh đập… Vì vậy, giảm thiểu số trẻ em đi làm thuê là việc cấp thiết nhưng không dễ bởi ở đây có cả nhu cầu thuê người giúp việc là trẻ em lẫn nhu cầu được đi làm giúp việc của không ít trẻ em và gia đình ở nông thôn.
Theo các nhà khoa học, tác động vào cộng đồng nhằm thay đổi nhận thức của người dân, từ đó hạn chế xu hướng sử dụng người giúp việc là trẻ của các gia đình ở thành phố cũng như quan niệm của các bậc cha mẹ về vai trò của con gái, con trai có thể giảm tối đa số lượng trẻ em ra thành phố làm giúp việc gia đình.