Người 15 năm bám trụ trên cầu Chương Dương

Đời sống - Ngày đăng : 08:12, 13/10/2012

Chiều cuối thu. Nắng đã tắt nhưng trên cầu Chương Dương, mặt đường vẫn còn hầm hập. Từ xa, tôi đã nhận ra cái dáng người gầy guộc quen thuộc cùng nước da đen sạm của Thượng tá Lê Đức Đoàn...

Công việc hằng ngày của Thượng tá Lê Đức Đoàn tại chốt phía nam cầu Chương Dương.


Chiều cuối thu. Nắng đã tắt nhưng trên cầu Chương Dương, mặt đường vẫn còn hầm hập. Từng dòng xe nối nhau qua cầu, khói bụi, tiếng ồn khiến cho tôi chỉ đứng nhìn chừng mươi phút đã thấy nhức mắt.

Từ xa, tôi đã nhận ra cái dáng người gầy guộc quen thuộc cùng nước da đen sạm của Thượng tá Lê Đức Đoàn. Anh giơ gậy điều khiển cho đoàn xe ôtô đi đúng phần đường vào cầu để sang phía Long Biên. Thỉnh thoảng, anh lại mỉm cười và gật đầu với những lái xe.

Vậy là rất nhiều người biết anh và rõ ràng, họ đã dành những tình cảm thật đặc biệt cho anh. Với người Hà Nội, cầu Chương Dương không chỉ là một hình ảnh thân thuộc mà còn là niềm tự hào bởi đây là cây cầu lớn lần đầu tiên được thiết kế và thi công tại Việt Nam không cần đến sự trợ giúp kỹ thuật của các chuyên gia nước ngoài. Đến nay, cây cầu đã tròn 26 tuổi.

Với Thượng tá Lê Đức Đoàn, anh đã gắn bó với cây cầu này 15 năm trời. Vì thế, anh “thuộc” cây cầu như lòng bàn tay.

Anh bảo, đứng trên mặt cầu làm nhiệm vụ, mùa hè nóng hầm hập, trên cầu toàn bê tông nhiệt độ còn cao hơn, mồ hôi lúc nào cũng túa ra ướt đẫm lưng áo. Mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, mặc bao nhiêu áo vẫn có cảm giác từng ngọn gió như mũi kim xọc vào trong người.

Đến mùa xuân, mưa lép nhép, mặt đường ướt át, nhiệt độ lúc nóng lúc lạnh khiến anh luôn cảm thấy khó chịu, đau nhức toàn bộ vùng mặt. Chỉ có mùa thu là đẹp nhất. Trời mát dịu, hàng ngày phóng xe trên cầu, nhìn từ trên xuống, dòng sông Hồng cạn nước, bãi nổi nhô cao, ruộng ngô xanh mướt thấy lòng thật thư thái.

Song, anh nói vui, mùa thu đẹp là vậy nhưng hình ảnh đẹp nhất với anh lại là những dòng xe nối nhau qua cầu an toàn và anh cùng đồng đội không phải chứng kiến một vụ tai nạn hay một ai đó chán niềm vui trần thế, từ trên cầu gieo mình xuống dòng nước ngầu đỏ.

…Hôm đó là ngày 9/5/1995, anh là chiến sĩ CSGT duy nhất cùng một số chiến sĩ khác của Công an TP Hà Nội được giao nhiệm vụ tăng cường cho Công an huyện Sóc Sơn ngăn chặn và bắt giữ một nhóm tội phạm nguy hiểm.

Khi tiếp cận đối tượng, máu nghề nghiệp sôi lên, anh không đắn đo, suy tính mà lao vào bắt giữ chúng. Thật không may, mấy tên côn đồ xông vào anh tấn công quyết liệt bằng nhiều loại hung khí. Một tên trong số đó lợi dụng lúc anh sơ ý đã dùng tuýp sắt và gạch nện vào đầu anh. Hậu quả là anh bị vỡ xương sọ vùng mặt.

Khi anh gục xuống với khuôn mặt đầm đìa máu cũng là lúc đồng đội kịp thời đến giải cứu cho anh và bắt được hơn 10 đối tượng.

Những ngày tiếp theo, anh phải trải qua những cuộc phẫu thuật đau đớn tại Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương. Hơn 3 tháng sau, anh mới trở lại công việc bình thường. Những ngày trái nắng trở trời, mặt anh lại đau nhức là thế.

Kỷ niệm sâu sắc nhất với anh trên cây cầu Chương Dương được bắt đầu bằng một sáng tháng 11 năm ngoái. Đang làm nhiệm vụ phân luồng, đảm bảo TTATGT trên cầu, anh nhận được tin báo có một cô gái trẻ có ý định tự vẫn tại trụ cầu số 7.

Cô gái đi xe máy rồi dựng xe, lững thững đi bộ đến khe giữa của làn xe máy và ôtô. Khi cô chuẩn bị trèo qua lan can và thả mình xuống khe hẹp này cũng là lúc Thượng tá Lê Đức Đoàn nhảy từ trên xe buýt xuống, túm vào vai áo và giật mạnh cô gái vào trong cầu.

Tưởng đã xong, ai ngờ cô gái còn vùng vẫy, giằng co với mục đích thoát được ra và nhảy xuống sông. Một lúc sau thấm mệt, cô gái mới lỏng người và ngồi bệt xuống ôm mặt khóc. Đoàn cùng anh em đưa cô sang phía bắc cầu, đợi cho đôi vai cô gái bớt rung, những giọt nước mắt ngừng rơi, anh mới nói với cô như nói với con mình:

- Con còn trẻ đẹp mà sao dại thế. Bố đã một lần suýt chết nên hiểu hơn con về giá trị cuộc sống. Con à, sống mới khó chứ chết thì dễ lắm. Nếu con chết, nhưng những người thân của con sẽ khổ thế nào, con có biết không?

Cô gái đó năm nay ngoài hai mươi tuổi, người Nam Định (đồng hương với Lê Đức Đoàn), đã có một con, khi tự tử đang mang bầu đứa thứ hai. Do vợ chồng bất hòa, cãi nhau triền miên vì người chồng cho rằng vợ không chung thủy. Chán chường vì nghĩ mình bị oan, trong một phút nông nổi, cô gái đã có ý định tìm đến cái chết.

Ngay sau đó, Lê Đức Đoàn gọi điện báo tin cho người chồng đến. Chàng trai ôm vợ khóc ròng và vụng về cảm ơn người đã cứu vợ mình. Giờ thì cháu bé thứ hai đã chào đời. Mỗi lần qua cầu, nhìn thấy Lê Đức Đoàn đang làm nhiệm vụ, vợ chồng cô gái cùng đứa con lớn lại chào to: “Con chào bố”, “Cháu chào ông”… khiến nhiều người đi qua cũng ngoái lại nhìn.

Là chỗ “người nhà” anh mới kể cho tôi nghe những chuyện như thế chứ anh bảo, thật tình rất ngại nói về mình. Nhưng tôi biết, khi nhắc tên anh, người ta gọi trìu mến anh là “Người ngăn chặn cái chết trên cầu Chương Dương”.

Với công việc được giao là ứng trực tại chốt phía nam cầu Chương Dương, nhiều năm liền, anh luôn gương mẫu, vượt mọi khó khăn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Không những thế, anh còn vượt lên chức trách nhiệm vụ được giao, lập được nhiều thành tích như: Dũng cảm chặn xe bắt cướp; liều mình ngăn chặn một chiếc xe đang di chuyển bốc cháy; nhiều lần ngăn chặn các trường hợp có hành vi tự tử trên cầu Chương Dương (từ 2001 đến nay, đã ngăn chặn và cứu giúp 11 trường hợp); nhiều lần đưa trẻ em lạc đường về với gia đình…

Đồng lương của một sĩ quan Cảnh sát đâu có nhiều giữa thời buổi bão giá này, nhưng anh tâm sự: Anh biết ơn vợ nhiều lắm. Cô ấy đảm đang, tháo vát, quán xuyến mọi việc trong nhà để anh yên tâm công tác. Hai vợ chồng không có tiền mua nhà riêng mà vẫn sống chung với ông bà nội tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình.

Nói chuyện với anh, tôi nhìn sâu vào mắt anh và thấy luôn ánh lên niềm hạnh phúc khi anh nói về hai người con của mình: Cháu trai lớn tốt nghiệp Học viện CSND giờ đang công tác tại Văn phòng CSĐT - Công an TP Hà Nội, còn cô út hiện là sinh viên năm thứ 2 Học viện Ngoại giao. Anh bận rộn với công việc là thế nhưng vẫn là người cha hết mực yêu thương các con.

Từ khi hai cháu vào lớp 1 đến lớp 12, hôm nào không phải trực, anh làm “xe ôm” đưa các con đi học rồi lại đón về. Tình thương của người cha luôn sưởi ấm và là động lực để các cháu phấn đấu. C

hia tay anh, tôi nhớ mãi lời tâm sự mà anh đã đúc kết bằng xương máu, mồ hôi và nước mắt khi trải qua hơn 30 năm gắn bó với nghề Công an: Những việc mình đã làm ai cũng có thể làm được. Chỉ cần họ đừng vô cảm và quý trọng cuộc sống.

Hãy làm tốt nhất công việc ở cương vị mình, cuộc sống sẽ mang đến cho mình nhiều niềm vui và hạnh phúc!

Theo CAND